Chủ động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trên biển

14:16 08-09-2022

VBĐVN.vn - Thời gian qua, công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biển, đảo Tây Nam có nhiều chuyển biến tích cực.

Để đạt được kết quả này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 đã có nhiều chủ trương, biện pháp và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ ở tất cả các cấp. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó tư lệnh Pháp luật Vùng CSB 4 về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển, đảo Tây Nam và những khó khăn mà lực lượng CSB gặp phải trong quá trình thực thi nhiệm vụ?

Đại tá Nguyễn Văn Tranh.

Đại tá Nguyễn Văn Tranh: Là vùng biển trọng điểm của nước ta, thời gian qua, khu vực biển, đảo Tây Nam thường xuyên xảy ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là vào những tháng cuối năm hoặc thời điểm giá các mặt hàng trong nước có sự chênh lệch cao so với thế giới. Hiện nay, ở ngoài khơi, vùng biển giáp ranh thì mặt hàng buôn lậu chủ yếu là dầu DO. Các tàu buôn lậu mua dầu từ tàu nước ngoài về bán cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, rồi tiếp tục bán lại cho tàu cá. Ở khu vực gần bờ, mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đường, thuốc lá. Vừa qua, lực lượng trinh sát còn phát hiện, bắt giữ, xử lý 2 tàu vận chuyển hàng phế liệu không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng nắm bắt được các đối tượng buôn bán ma túy đang chuyển hướng hoạt động, biến vùng biển Tây Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước hoặc từ nước ngoài đưa vào Việt Nam...

Trước đây, đối tượng buôn lậu sử dụng tàu sắt để vận chuyển dầu DO trái phép, nhưng hiện nay hầu hết đều sử dụng tàu gỗ, tàu cá hoán cải. Hoạt động giao-nhận hàng diễn ra chủ yếu ở vùng biển giáp ranh, giao hàng ở vùng biển nước ngoài sau đó vận chuyển về vùng biển Việt Nam để bán hoặc cấp cho các tàu khác. Do tàu buôn lậu thường hoạt động vào ban đêm, lại che chắn biển kiểm soát và ngụy trang thành tàu đánh bắt cá nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện thì bỏ chạy, có đối tượng chống trả quyết liệt...

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ CSB cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt khi hoạt động trên biển dài ngày; rồi đặc thù của lực lượng trinh sát hoạt động bí mật, chưa có nhiều phương tiện chuyên dụng, tốc độ của phương tiện cũng hạn chế...

PV: Từ những khó khăn, phức tạp đó, Đảng ủy, BTL Vùng CSB 4 đã có chủ trương, biện pháp gì để làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển?

Đại tá Nguyễn Văn Tranh: Đảng ủy, BTL Vùng CSB 4 xác định, thực thi pháp luật trên biển, trong đó phòng, chống vi phạm những quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và ngăn chặn các loại tội phạm mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển là hai nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, từ đó dồn sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ. Để thực hiện thắng lợi thì BTL vùng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác sơ, tổng kết, đánh giá kết quả và nhất là phải dự báo chính xác tình hình. Từ đó, Đảng ủy vùng và các cấp ủy xây dựng nghị quyết lãnh đạo; BTL vùng và các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, triển khai thực hiện sát với tình hình nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả.

Riêng trong công tác đấu tranh chống các loại tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển, ngay từ đầu năm 2022, Vùng CSB 4 xác định tình hình vẫn còn phức tạp. Trên cơ sở bám sát thực tế và căn cứ vào các hoạt động nghiệp vụ điều tra, Đảng ủy vùng ra nghị quyết lãnh đạo, đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể và thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Đảng ủy vùng đến các đảng ủy cơ sở và chi bộ tàu. Các nội dung được xác định rõ để các đảng bộ, chi bộ cơ sở làm căn cứ, vận dụng sát với thực tế đơn vị, địa bàn làm nhiệm vụ, có chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả.

Từ những chủ trương, biện pháp đúng, trúng nên thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, Vùng CSB 4 là một trong những đơn vị đạt kết quả cao về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Nhất là thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022, khi tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến giá cả nhiều mặt hàng trong nước, nhất là xăng, dầu.

Sau khi đánh giá tình hình, Đảng ủy vùng đã bổ sung nghị quyết lãnh đạo để tập trung triển khai thực hiện công tác trong tháng, trong quý. BTL vùng chỉ đạo các lực lượng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tăng cường lực lượng mật, lực lượng trinh sát hoạt động trên biển để phát hiện, đấu tranh ngăn chặn vi phạm, tội phạm. BTL vùng tập trung triển khai thường xuyên các đội nghiệp vụ hoạt động trên biển, phối hợp với các tàu tuần tra công khai, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống IUU, vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Chỉ tính trong hai tháng 4 và 5-2022, các lực lượng của Vùng CSB 4 đã đấu tranh, bắt giữ 15 vụ/16 tàu, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu hơn 30 tỷ đồng. Từ tháng 6-2022 đến nay, hoạt động vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là mua bán, vận chuyển dầu DO trên biển có chiều hướng giảm. 6 tháng đầu năm 2022, số tiền xử phạt vi phạm tăng 16 tỷ đồng; số vụ phát hiện, xử lý tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước...

Tổ công tác Vùng Cảnh sát biển 4 niêm phong hàng hóa vi phạm.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về việc chấp hành pháp luật trên biển của ngư dân? Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân được tiến hành ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Tranh: Nhìn chung, đại đa số ngư dân ta chấp hành tương đối nghiêm túc các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận nhỏ chủ tàu cá và thuyền viên còn hạn chế nên vẫn vi phạm các quy định về vùng biển đánh bắt, khai thác hải sản. Đối với hoạt động phòng, chống vi phạm IUU, Vùng CSB 4 được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực biển, đảo Tây Nam; phối hợp với Vùng CSB 3 và lực lượng kiểm ngư duy trì các tàu làm nhiệm vụ trên biển. BTL Vùng CSB 4 thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác quản lý tàu thuyền thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số chủ tàu và thuyền trưởng tắt thiết bị giám sát hành trình. Theo quy định của pháp luật, nếu thiết bị giám sát hành trình bị hỏng thì trong 10 ngày phải khai báo, sửa chữa khắc phục, do đó một số chủ tàu lợi dụng "lỗ hổng" 10 ngày này để vi phạm.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, thời gian qua, Vùng CSB 4 thực hiện rất tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền tại 10 huyện, thành phố của 4 tỉnh ven biển là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của Luật CSB Việt Nam, các quy định về cấm khai thác IUU. Bên cạnh đó, bằng phương pháp khoanh vùng, sàng lọc đối tượng, Vùng CSB 4 đã tập trung điều tra, xác định các chủ tàu cá, các đối tượng có biểu hiện, có nguy cơ vi phạm để phối hợp với Bộ đội Biên phòng và địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp những quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm (đã tuyên truyền hai đợt cho gần 200 chủ tàu cá). Các lực lượng của vùng khi làm nhiệm vụ trên biển còn tuyên truyền trực tiếp cho nhiều thuyền viên. Từ đầu năm 2022 đến nay đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi cho gần 13.000 thuyền viên, kết hợp với trao cờ Tổ quốc, trao 220 suất quà tặng bà con ngư dân nghèo. Thông qua tuyên truyền và vận động các chủ tàu ký cam kết không vi phạm, tình hình vi phạm IUU trong tháng 7-2022 đã giảm được 4 vụ so với tháng 6.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang