Chú trọng huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển

09:23 25-11-2022

VBĐVN.vn - Để kịp thời hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân bị sự cố, tai nạn trong quá trình vươn khơi hành nghề trên biển, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận còn tổ chức duy trì thường xuyên công tác huấn luyện, qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

CBCS Hải đội 2, BĐBP Bình Thuận luyện tập cứu nạn người bị đuối nước theo tình huống giả định. Ảnh: Trung Thành

Là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước, Bình Thuận có vùng lãnh hải rộng 52.000km2, với hơn 7.500 phương tiện cùng hơn 36.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Với số lượng phương tiện lớn, hoạt động mật độ đông, thời tiết, khí hậu trên vùng biển của tỉnh diễn biến phức tạp, sóng gió bất thường.

Trong khi đó, nhiều phương tiện của ngư dân lại có tuổi đời cao, vỏ máy, máy tàu cùng trang thiết bị quá cũ, lại ít được duy tu bảo dưỡng; việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn trong khai thác, đánh bắt của ngư dân còn nhiều hạn chế; trang bị bảo hộ, thiết bị an toàn kỹ thuật cho lao động trên tàu còn sơ sài, chưa đầy đủ. Vì vậy, đã xảy ra nhiều vụ việc tàu thuyền, ngư dân bị tai nạn, sự cố trong quá trình hành nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, trên vùng biển của tỉnh đã xảy ra 55 vụ/56 người/23 phương tiện gặp tai nạn, sự cố, làm 45 người chết, 9 người mất tích, chìm 14 tàu cá, 8 tàu cá bị sự cố, 1 tàu cá mất tích. Trong đó, BĐBP Bình Thuận đã phối hợp với các lực lượng cứu sống được 15 người bị nạn và hỗ trợ lai kéo 9 tàu bị nạn, bị sự cố vào bờ an toàn. Thống kê này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn tai nạn, sự cố trên biển là rất lớn và có nguy cơ tăng cao trong những tháng cuối năm khi vùng biển của tỉnh Bình Thuận thường xuyên xuất hiện gió lớn, áp thấp nhiệt đới và hình thành bão.

Vì vậy, để chủ động hỗ trợ ngư dân khi bị nạn trên biển, BĐBP Bình Thuận luôn duy trì nghiêm quân số trực sẵn sàng chiến đấu, chế độ trực đài canh thông tin liên lạc khi có áp thấp, bão nhằm bảo đảm tiếp nhận thông tin sớm nhất, từ đó, điều động lực lượng, phương tiện để tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng đẩy mạnh công tác huấn luyện tìm kiếm cứu nạn để nâng cao hơn nữa khả năng thực hiện nhiệm vụ cho CBCS đơn vị.

Thượng tá Phạm Xuân Độ, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Thuận cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rất quan tâm chú trọng công tác huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, khả năng làm chủ phương tiện, đảm bảo xử lý mọi tình huống nhanh, gọn, lẹ, chính xác khi có tình huống xảy ra. Hàng năm, đơn vị tổ chức từ 2 đến 3 đợt huấn luyện đơn tàu, huấn luyện biên đội tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển trong các thời điểm yếu tố thời tiết phức tạp, ban đêm, phù hợp với tình hình thực tế các vụ việc xảy ra; đồng thời, chỉ đạo Hải đội 2, các đơn vị Biên phòng thường xuyên tổ chức huấn luyện tìm kiếm cứu nạn song song trong quá trình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền vùng biển của tỉnh”.

CBCS BĐBP Bình Thuận tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.Ảnh: Trung Thành

Theo đó, BĐBP Bình Thuận đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các đơn vị Biên phòng căn cứ vào tình hình thực tế tiến hành xây dựng các bài giảng, giáo án huấn luyện về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn để đưa vào tổ chức huấn luyện vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Đồng thời, tổ chức xây dựng các phương án, tình huống giả định như: Phát hiện người bị đuối nước; tổ chức thực hiện tìm kiếm cứu nạn tàu cá bị nạn do va đập, tàu cá bị phá nước do sóng to, gió lớn; cập mạn tàu để tiếp nhận người bị nạn... và cách xử trí các tình huống để tổ chức cho bộ đội luyện tập cũng như thực hành lồng ghép trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên bờ, trên biển.

Đồng thời, tổ chức huấn luyện thực binh về tìm kiếm cứu nạn, như huấn luyện chiến thuật tìm kiếm đón đầu, chiến thuật trục vớt, lai kéo..., đặc biệt là đẩy mạnh phối hợp hiệp đồng với lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển để tổ chức huấn luyện tìm kiếm cứu nạn vào ban đêm, trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, các tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian gần đây.

“Nhờ làm tốt công tác huấn luyện, duy trì nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, cùng với tinh thần của người lính mang quân hàm xanh trong việc sẵn sàng sát cánh, hỗ trợ nhân dân, nên ngay sau khi các sự cố, tai nạn xảy ra, BĐBP tỉnh đã cùng với các lực lượng nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kịp thời cứu sống nhiều ngư dân và lai kéo nhiều phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm và đưa vào bờ an toàn” - Thượng tá Phạm Xuân Độ cho biết thêm.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận, xác định công tác tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, cấp ủy, chỉ huy Hải đội 2 luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, bảo dưỡng các loại phương tiện được trang bị; xây dựng chương trình biểu huấn luyện tìm kiếm cứu nạn để thực hiện lồng ghép song song trong các nội dung huấn luyện khác, tổ chức thường xuyên việc huấn luyện thể lực, bơi, sơ cứu nạn nhân, đưa nội dung huấn luyện tìm kiếm cứu nạn thành nội dung huấn luyện hằng ngày của các biên đội tàu.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của CBCS đơn vị, đặc biệt là cách xử trí tình huống, thể lực, khả năng cơ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh, cũng như khả năng xuất kích thực hiện nhiệm vụ của các phương tiện được trang bị; cách thức, phương pháp xử trí tình huống của chỉ huy tàu khi có vụ việc, tai nạn xảy ra.

Đại úy Đinh Nho Lâm, Phó Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Bình Thuận cho biết: “Từ những vụ việc xảy ra trên vùng biển của tỉnh, những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu, từ đó, xây dựng các giáo án, bài giảng, cùng các tình huống giả định để đưa vào tổ chức huấn luyện tại đơn vị, qua đó, giúp CBCS, đặc biệt là các biên đội tàu nắm chắc, thực hiện, xử lý động tác, tình huống thuần thục, đủ năng lực, đảm bảo khi nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn thì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang