Chung tay cùng y tế biển, đảo

20:22 01-09-2022

VBĐVN.vn - Trong chuyến công tác thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 15 cán bộ, nhân viên. Với mong muốn được hỗ trợ và chuyển giao công nghệ y học tiên tiến cho quân y nơi đầu sóng, Bệnh viện Việt Đức đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, trực tiếp là GS, TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng đoàn công tác.

GS, TS. Trần Bình Giang được biết tới không chỉ là người tiên phong đưa phẫu thuật nội soi từ nước ngoài về Việt Nam, hay “bàn tay vàng” trong ngành ngoại khoa, “cha đẻ” của nhiều kỹ thuật khó, giáo sư của nhiều thế hệ học trò, người đã nối tiếp truyền thống vinh quang, đưa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lên một tầm cao mới.

GS, TS. Trần Bình Giang thăm bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa

Trong hải trình đến với Trường Sa, tôi có dịp được tiếp xúc nhiều với ông. Đến mỗi điểm đảo, sau khi thực hiện các nghi thức tiếp đón, nơi đầu tiên mà ông muốn đến, muốn gặp chính là bệnh xá hoặc cán bộ, nhân viên quân y trên đảo. Niềm vui lớn trong chuyến hải trình ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc lần này của GS, TS. Trần Bình Giang là gặp được học trò của mình đang thực hiện nhiệm vụ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Đó là Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Bệnh xá trưởng. Tại đây ông đã cùng học trò, thành viên đoàn công tác trao đổi về kỹ thuật và phương pháp chữa bệnh. Việc “cầm tay, chỉ việc”, truyền thụ kinh nghiệm tại hiện trường đã giúp cho Đại úy Nguyễn Quang Huy và đồng đội thêm nhiều kinh nghiệm.

GS, TS. Trần Bình Giang chia sẻ: Thực sự rất vui khi thấy được cơ sở vật chất tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa ngày càng hiện đại. Hệ thống Telemedicine được đưa vào hoạt động do Bệnh viện quân y 175 thiết lập để trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo y tế cho Trường Sa và các đảo lân cận đã phát huy tốt. Hiện nay, hệ thống Telemedicine được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư nâng cấp, chất lượng truyền tải âm thanh hình ảnh đạt chất lượng hiệu quả tốt, giúp cho công tác khám, chữa bệnh thuận lợi hơn, nhất là trong trường hợp cấp cứu, chẩn đoán những ca bệnh khó. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đó có cá nhân tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Trung tâm qua hệ thống này, bất cứ giờ nào, ngày nào. Tôi mong rằng, dự định mà tôi ấp ủ đối với công tác y tế ở Trường Sa sẽ sớm được thực hiện.

Trong căn phòng nhỏ trên Tàu 571, GS, TS. Trần Bình Giang đã nhớ lại quá trình làm việc hơn 30 năm từ khi còn là sinh viên trẻ mới ra trường, bước chân vào cánh cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm bác sĩ nội trú, tới nay giữ cương vị Giám đốc bệnh viện. Ông đã chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, có những ca khó mà cứu sống họ là những ký ức khó quên. Đây là lần thứ 3 tôi đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Mỗi lần đi về là những trăn trở dài hơi, mong sao hỗ trợ và trao đổi thật nhiều về y tế để giúp cho những người lính mặc áo blu trắng trên các đảo được cập nhật kịp thời những công nghệ tiên tiến của y học, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho quân dân nơi đầu sóng-GS, TS. Trần Bình Giang chia sẻ thêm.

Trước khi đoàn công tác vào Cam Ranh, (Khánh Hòa) thực hiện cách ly y tế theo quy định, đoàn công tác Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ, nhân viên quân y đang thực hiện nhiệm vụ tại Vùng 4. Đoàn cũng đã có nhiều quà tặng là thiết bị và vật tư y tế và giao cho Quân y Vùng 4 phân bổ về các tuyến đảo. Thời gian tới, bệnh viện sẽ hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra định kỳ các máy móc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế của đơn vị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật công nghệ lâm sàng chuẩn đoán và hồi sức cấp cứu.

Năm 2019, GS, TS. Trần Bình Giang được vinh danh là 1 trong 12 cá nhân xuất sắc của Giải thưởng Vinh quang Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Năm 2020 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đóng góp mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam của GS, TS. Trần Bình Giang là điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Nếu như trước đây 100% ca chấn thương vỡ gan, lá lách, thận đều phải mổ, nhờ có nghiên cứu của ông mà nay 95% ca chỉ điều trị bảo tồn, giúp người bệnh không bị đau nhiều như: Mổ ít mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang