Chúng tôi giải phóng đảo Hòn Bà
VBĐVN.vn - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi từng trải qua nhiều trận đánh. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là lần vượt biển ra giải phóng đảo Hòn Bà năm 1975.
Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1-U Minh (nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9) chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ cùng quân dân Vĩnh Long giải phóng hoàn toàn tỉnh Vĩnh Long. Nhưng hòa bình chưa lâu, bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary đưa quân chiếm các đảo ở vùng biển Tây Nam nước ta. Chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu, đảo Ông, đảo Bà, đưa thuyền áp sát Dương Đông, Phú Quốc, giết hại hàng trăm dân thường... Phải chặn đứng hành động xâm lược của quân khát máu diệt chủng, chúng tôi được lệnh hành quân chiến đấu.
Cuối tháng 5-1975, Tiểu đoàn 309 rời địa bàn huyện Bình Minh (Vĩnh Long) hành quân xuống Rạch Sỏi, Rạch Giá, lên tàu Hải quân ra đảo Phú Quốc và từ đó tiến đánh quân Pol Pot, giải phóng quần đảo Poulo Wai, bị quân Pol Pot chiếm từ khi quân ngụy Sài Gòn bỏ chạy.
Đã là người lính, “đâu có giặc là ta cứ đi" nhưng thú thực, tâm trạng của anh em chúng tôi khi đó có phần ưu tư, không háo hức, phấn chấn như thời ra trận đánh Mỹ. Một số đã biểu hiện tư tưởng cầu an, thoái thác nhiệm vụ. Trăn trở, băn khoăn là vậy, nhưng khi đã ra trận tất cả cùng chung quyết tâm giành chiến thắng.
Trên bản đồ và trinh sát thực địa, quần đảo Poulo Wai gồm đảo Hòn Ông và Hòn Bà, cách Rạch Giá khoảng 118 hải lý; cách An Thới, Phú Quốc hơn 60 hải lý về hướng Tây. Mỗi đảo có khoảng 350 tên thuộc Trung đoàn 21, Sư đoàn 3 Khmer Đỏ, được trang bị nhiều loại hỏa lực mạnh. Các mũi đánh địch được xác định. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 309 là phối hợp đơn vị bạn đánh chiếm Hòn Bà, hướng chính là chiếm lĩnh điểm cao, triển khai đánh hướng cầu tàu. Tôi đảm nhiệm Mũi trưởng thuộc Đại đội 2.
Thời gian này, miền Tây Nam Bộ mưa bão thất thường. Chiều 4-6-1975 khi bão tan, chúng tôi lên tàu hành quân đánh chiếm đảo. Để bảo đảm bí mật, tàu đi theo hải phận quốc tế. Sau hơn 10 tiếng vượt sóng to, gió lớn, mưa bão, tới mờ sáng 5-6, tàu chúng tôi tới điểm tập kết. Đơn vị tôi bí mật đổ bộ hướng phía Nam đảo Hòn Bà. Vị trí là sườn dốc của đảo, địa hình rất hiểm trở. Bãi đáp có nhiều đá làm tàu mắc kẹt nên đổ bộ rất khó khăn. Anh em phải rời tàu, vượt qua bãi đá ngầm chừng 50m tiến vào bờ. Chỉ một đoạn mấy chục mét thôi cũng là thử thách không nhỏ đối với những người lính không quen đi biển vừa phải trải qua một đêm chống chọi với bão tố trùng dương. Nhiều người bị say sóng, rất mệt, nhưng vẫn vượt lên chính mình và cập bờ an toàn.
Khoảng 5 giờ sáng, phát hiện địch phía trước, tôi ném pháo màu phân tuyến để báo hỏa lực ta áp chế. Địch từ các công sự kháng cự quyết liệt làm hạn chế bước tiến của ta. Chiến đấu liên tục, đến khoảng 17 giờ cùng ngày, chúng tôi chiếm được kho đạn, kho lương thực và bể nước ngọt của địch trên đảo. Cũng lúc này, sau tiếng nổ inh tai, tôi và Phạm Trọng Việt trúng pháo địch, trọng thương. Tôi bị mảnh pháo găm vào bụng, ngực, máu miệng trào ra, đầu gối chân phải trúng đạn tê dại. Linh cảm cái chết cận kề, thều thào tôi nhắn gửi lời chào gia đình và mọi người qua đồng đội là Bế Lương (người Cao Bằng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 59, Quân khu Thủ đô), rồi bất tỉnh...
Có tiếng va chạm, lắc mạnh khiến tôi hồi tỉnh vào buổi sớm. Con tàu vẫn bị sóng biển vỗ mạn chao đảo. Trong cơn đau đớn, khó thở do vết thương, tôi cố gắng lấy sức hít từng nhịp thở ngắn hòng giành sự sống! Tỉnh một chút, ngó xung quanh tôi thấy mình nằm cạnh các bao nilon (túi tử sĩ) đựng thi thể đồng đội hy sinh trong trận đánh hôm qua. Thấy đồng đội Phạm Trọng Việt nằm bất động, đầu quấn băng máu thấm đẫm. Lực lượng quân y đưa cáng xuống khoang tàu chuyển thương binh về Trạm phẫu thuật tiền phương trên một điểm cao (gần khu di tích Trại giam Phú Quốc hiện nay). Trước lúc được cáng lên bờ, tôi nghẹn ngào chào vĩnh biệt các đồng đội đã hy sinh, mà thi thể cũng được chuyển về theo tàu cùng mình.
Khi thời tiết khí tượng biển thuận lợi cho máy bay hoạt động, số thương binh được di chuyển lên phía Bắc đảo, đưa lên máy bay vận tải về đất liền. Những ngày điều trị thương ở Cần Thơ và Hậu Giang, tôi được các má, các chị, các em chăm sóc tận tình chu đáo. Giữa năm 1976, tôi được chuyển ra Bắc điều trị, rồi tiếp tục công tác trong Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu. Sau này mỗi lần đi công tác phía Nam, khi có dịp, tôi trở lại chiến trường xưa, gặp lại những vùng đất, những con người đã chở che, đùm bọc, cưu mang để cảm ơn họ giúp đỡ chúng tôi trong chiến đấu.
Đại tá TRẦN TƯỜNG HUẤN, thương binh hạng 2/4, hiện là Phó trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh khu vực Hà Nội
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận