Chuyện lính biển tham gia chống dịch (Kỳ 1): Chúng tôi đi lấy mẫu
VBĐVN.vn - Sau hơn 3 tháng, bất kể ngày hay đêm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đã không ngại khó khăn, gian khổ kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh để có mặt khắp các phố phường tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi đã luôn đồng hành với những người lính biển để ghi lại những việc làm cùng những câu chuyện đầy cảm xúc của các chiến sĩ Hải quân từ “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh.
Dõi theo hành trình của hơn 200 cán bộ, học viên trong tổ công tác của Trường Cao đẳng Kỹ thuật (CĐKT) Hải quân tham gia phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Những người làm báo chúng tôi thực sự khâm phục về tinh thần “xung trận” của các chiến sĩ. Mỗi đồng chí dù làm nhiệm vụ khác nhau và ở các địa phương nhưng ai cũng có điểm chung là luôn để lại tình cảm, lòng tin của nhân dân đối với mình, nhất là vào những thời điểm dịch bệnh khốc liệt, căng thẳng.
Đại úy Trương Hoàng Anh, giảng viên Trường CĐKT Hải quân, người phụ trách tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm chia sẻ: “Chúng tôi được tăng cường cho TP. Thủ Đức để cùng lực lượng y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho nhân dân. Công việc diễn ra không quản ngày đêm theo sự phân công, sắp xếp của chính quyền và hệ thống y tế địa phương. Cái khó của chúng tôi là những ngày đầu chưa quen việc, chưa có kinh nghiệm trong lấy mẫu nên từng người phải vừa làm vừa học. Tất cả các đồng đội của tôi đều rất quyết tâm và tự nguyện viết đơn tham gia giúp dân chống dịch”.
Cùng các đồng đội vào tuyến đầu, Thiếu úy QNCN Nguyễn Đức Mạnh, Học viên Lớp BTBV23 thuộc Tiểu đoàn 1 xúc động cho biết: "Chúng tôi đã có những ngày đêm “chiến đấu” với Covid-19 tại TP. Thủ Đức. Tôi làm đơn tình nguyện tham gia từ ngày đầu dịch bùng phát. Sau lễ xuất quân vào ngày 15-7, khi biết tôi vào tâm dịch bố mẹ rất lo lắng nhưng tôi đã động viên bố mẹ: “Con được tập huấn rất kỹ và có cán bộ đi cùng. Bố mẹ cứ yên tâm con sẽ mạnh khỏe, bình an và hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch giúp nhân dân”.
Ngày đầu tiên, Mạnh được phân công về phường Phước Long B, TP. Thủ Đức. Mạnh bồi hồi kể lại: “Buổi sáng đầu tiên tham gia lấy mẫu lưu động cho các hộ gia đình. Hôm đó mới 8 giờ sáng, mọi người vừa chuẩn bị xong thì có cuộc gọi của y tế phường báo có gia đình 4 người thì có 3 người bị sốt. Vậy là tổ chúng tôi nhanh chóng cơ động tới gia đình đó. Cửa vừa mở thì một người phụ nữ bước ra khai báo y tế và được các tình nguyện viên lấy mẫu. “Kết quả dương tính rồi!” – nhân viên y tế thông báo. Tiếp theo là chồng và 2 đứa con đều cho kết quả là “2 vạch đỏ đậm”. Tôi có sốc một chút nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần để tập trung làm việc. Thú thật, nhìn gia đình của người dân trong tình cảnh này tôi thương quá nhưng không thể làm gì được ngoài việc an ủi và dặn mọi người chuẩn bị đồ đạc để sẵn sàng vào khu điều trị F0”.
Theo như chúng tôi tìm hiểu, ban đầu các cán bộ, học viên tham gia lấy mẫu cũng có chút lo lắng vì công việc này có nguy cơ lây nhiễm cao, nếu không được bảo hộ tốt thì chuyện nhiễm bệnh rất dễ xảy ra. Nhưng được sự hướng dẫn của các y bác sĩ trong đội tình nguyện nên chỉ ít ngày sau mọi người đều tự tin để bắt nhịp với công việc. Những ngày đầu mặc đồ bảo hộ dưới cái nắng gay gắt, nhìn ai cũng thấy ướt đẫm mồ hôi.
Trung úy QNCN Trịnh Văn Tùng cho biết: “Những ngày thời tiết nóng bức, mồ hôi chảy ướt như tắm nhưng tôi và các bạn đều nhìn nhau cười và nói "Mệt chỉ là cảm giác"... Tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, có không ít người hoàn cảnh khó khăn hoặc có người phải xa gia đình chỉ một mình chống chọi với bệnh tật. Với hoàn cảnh ấy, chúng tôi luôn cố gắng động viên để nhân dân không có ai cảm giác bị bỏ lại hay phải “chiến đấu” một mình. Mỗi sáng thức dậy điều chúng tôi mong ngóng nhất có lẽ là kết quả test của người bệnh. Mỗi khi nhận được kết quả âm tính, chúng tôi đều phấn khởi vì không có thêm F0”.
Khi được theo các chiến sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở các khu dân cư chúng tôi mới thấy hết được những vất vả và nguy cơ nhiễm bệnh luôn bủa vây các đồng đội. Những con hẻm giăng dây cảnh báo khu vực cách ly hạn chế người ra vào thì lại là nơi mà các đồng nghiệp của chúng tôi phải thường xuyên đến. Nhất là những gia đình có người F0, F1 là phải thường xuyên 3 ngày/ 1 lần test nhanh sàng lọc, xác định nguy cơ lây nhiễm.
Anh Phạm Hoàng Phúc, Cán bộ Thành đoàn TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, người luôn đồng hành với các chiến sĩ Hải quân cho biết: “Các chiến sĩ Hải quân thật tuyệt vời, ai cùng nhanh nhẹn, dũng cảm và rất kỷ luật. Các anh thực sự là điểm tựa cho người dân mỗi khi đến lấy mẫu”.
Bà Ngô Thị Phương Loan, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức bộc bạch sau khi được lấy mẫu xong: “Đây là lần thứ 2 tôi đi lấy mẫu test nhanh nhưng rất bất ngờ về công tác điều hành của lực lượng lấy mẫu lần này. Hỏi ra tôi mới biết đây là lực lượng tình nguyện của bộ đội Hải quân. Các anh được rèn luyện trong quân đội, điều hành, chỉ huy dứt khoát, động tác lấy mẫu mau lẹ, lời động viên đối với chúng tôi rất nhẹ nhàng. Thấy các anh làm cứ như là các bác sĩ chuyên nghiệp, tôi rất yên tâm và không có cảm giác đau”.
Không qua trường lớp nào của ngành y, cũng không được tập huấn bài bản như các đội tình nguyện khác, vậy mà 100% cán bộ, học viên Trường CĐKT Hải quân đã trực tiếp lấy hàng trăm ngàn mẫu để test nhanh, xét nghiệm PCR thành công góp phần giúp Thành phố tầm soát, kiểm soát, khống chế được các ổ dịch. Đó chính là sự khác biệt của những cán bộ, chiến sĩ trong môi trường tự học, tự rèn ở nhà trường Quân đội, khẳng định các chiến sĩ Hải quân không chỉ giỏi huấn luyện, chiến đấu trên biển mà còn giỏi các nhiệm vụ tham gia chống dịch Covid-19 giúp nhân dân.
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận