Chuyện lính biển tham gia chống dịch (Kỳ 2): Sáng tạo trong vận chuyển hàng hóa chống dịch

15:52 07-12-2021

VBĐVN.vn - Hơn 10 triệu dân ở TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày nên gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống. Các loại phương tiện vận tải đường bộ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã vận hành tối đa nhưng vẫn không đủ để hỗ trợ cho nhân dân. Trước thực tế đó, bộ đội Hải quân đã đề xuất thực hiện vận tải đường thủy kết hợp với đường bộ để chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm nhanh nhất đến hỗ trợ người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Mở luồng xanh

Có lẽ những người lính biển đã quen với sóng gió và những con đường trên biển nên họ rất nhanh nhạy trong việc nhìn ra phương thức vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Nhất là khi tuyến đường bộ vận tải nông sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn về cách thức tổ chức nhất là việc lưu thông đường bộ gặp khó khăn do phải cách ly, kiểm đếm hàng hóa để phòng dịch. Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã nhanh chóng đề xuất với Quân chủng điều động tàu để tham gia vận tải nông sản giúp dân.

Tàu 626 cùng các xe vận tải quân sự bốc xếp nông sản tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh

Đại tá Hoàng Minh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Tổ trưởng Tổ công tác của Vùng 2 tham gia hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch cho biết: “Ngay sau khi nhận được đề nghị của chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc tăng cường lực lượng, phương tiện vận chuyển nông sản hỗ trợ nhân dân vùng dịch chúng tôi đã tính đến phương án vận chuyển bằng đường thủy. Có lẽ đây là cách tối ưu nhất vừa nhanh, an toàn và số lượng vận chuyển được nhiều. Ngoài vận chuyển đường thủy chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng xe vận tải quân sự để vận chuyển đường bộ, khi nông sản cập cảng là bộ đội chở tới người dân ngay”.

Những con tàu vận tải vốn chỉ chỏ hàng hóa, vật liệu, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện nay có nhiệm vụ mới là tham gia vận chuyển nông sản giúp nhân dân trong đại dịch. Tàu ra khơi là phải tính toán làm sao cơ động nhanh, bảo đảm an toàn khi dịch bệnh đang phức tạp. Cách thức tổ chức vận tải thực hiện “một cung đường hai điểm đến”, thu mua, vận chuyển nhanh, bốc xếp và giải phóng tàu gọn.

Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên Tàu 626, Lữ đoàn 125 tâm sự: “Nhận nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ toàn tàu không khỏi lo lắng vì đây là nhiệm vụ quan trọng lại thực hiện trong điều kiện dịch bệnh đang rất căng thẳng. Cấp ủy, chỉ huy Tàu tuy có kinh nghiệm trong quá trình chỉ huy, điều hành nhưng vấn đề tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm cho người dân thì chưa làm bao giờ. Nhiều phương án được chúng tôi đưa ra, từ việc xác định luồng, hướng đi làm sao nhanh nhất; các phương án phối hợp trong bốc xếp, phân phối giữa nơi nhận và nơi trả hàng”.

Bốn chuyến tàu đã nhanh chóng được thực hiện, mỗi chuyến Tàu 626 chở được hơn 300 tấn nông sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về cập cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Nếu làm một phép tính đơn giản với thời gian 2-3 ngày/1 chuyến thì tàu chở được số nông sản tương đương với khoảng 200 chuyến xe ô tô chở bằng đường bộ. Phương thức này sẽ tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian, số lượng người bảo đảm, đặc biệt là bảo đảm an toàn trong mùa dịch vì mọi người ít phải tiếp xúc và tàu ít phải đi qua các vùng dịch.

Xe vận chuyển nhanh bằng đường bộ

Khi con tàu cùng hơn 300 tấn nông sản cập cảng, vấn đề còn lại là vận chuyển tới tay người dân một cách nhanh nhất. Đại tá Hoàng Minh Dũng cho biết thêm: “Vùng 2 huy động 10 xe vận tải quân sự có tải trọng từ 3-5 tấn để tham gia chuyển nông sản từ tàu đến các điểm tập kết theo sự điều phối của các địa phương. Để bảo đảm tốc độ vận chuyển nhanh đến người dân chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị khác trong Quân chủng để tăng cường thêm xe vận chuyển”.

Theo những chiếc xe quân sự chở hàng vào tâm dịch chúng tôi lại nhớ đến những chuyến xe xuyên rừng Trường Sơn chở người và vũ khí cho chiến trường miền Nam những năm trước đây. Những chiếc xe có tuổi đời từ thời đó giờ vẫn chạy tốt để tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm trên các cung đường mùa dịch. Đại úy QNCN Vũ Xuân Hưng, Lái xe thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Vùng 2 chia sẻ: “Nếu không có dịch thì nhiệm vụ của các lái xe như chúng tôi phải hàng ngày huấn luyện chuyên môn, rèn luyện sức khỏe và duy trì kỷ luật. Vì dịch bệnh thì mỗi chúng tôi tạm gác nhiệm vụ lại để cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân. Vào tâm dịch là đối mặt với khó khăn nhưng giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim nên chúng tôi gác lại việc cá nhân để bảo vệ nhân dân bằng mọi giá”.

Chuyển hàng vào vị trí tập kết giúp nhân dân chống dịch

Chúng tôi có những ngày đồng hành với những chuyến xe chở nông sản đi về các địa phương. Trời nắng nóng, xe không có máy lạnh, bộ đồ bảo hộ luôn mang trên mình nên các lái xe áo ướt đẫm. Đến từng điểm đổ hàng không quản sáng, trưa hay đêm tối các lái xe lại cùng với lực lượng tình nguyện chuyển hàng xuống điểm tập kết để lực lượng xung kích chia ngay đến từng nhà cho nhân dân.

Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Sau gần 4 tháng TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội ở các cấp độ bà con thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng đã có rất nhiều phương án hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các địa phương nhưng vẫn không bảo đảm đủ cho nhân dân. Những ngày này có sự hỗ trợ vận chuyển, bốc xếp của cán bộ, chiến sĩ Hải quân chúng tôi thấy rất hiệu quả và kịp thời. Các lực lượng của phường chỉ còn công đoạn cuối cùng là phân phối đến từng nhà dân theo nhu cầu thực sự. Đúng là chỉ có lực lượng quân đội mới có những cách làm hay, sáng tạo như thế này”.

Được thấy nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của người dân khi nhận những mớ rau, gói củ quả mà bộ đội Hải quân chuyển đến chúng tôi thấy thật ấm áp và hạnh phúc. Chính điều này đã giúp mỗi chúng tôi thêm động lực, niềm tin để một ngày không xa nữa chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch mang lại cuộc sống bình yên, no đủ cho nhân dân.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang