Chuyện lính biển tham gia chống dịch (Kỳ 3): Đi chợ giúp nhân dân

17:10 08-12-2021

VBĐVN.vn - Có những ngày các tổ công tác của lực lượng Hải quân đi chợ gần 2.000 đơn hàng với số tiền trên một tỷ đồng. Công việc ví như “làm dâu trăm họ” ấy được các chiến sĩ Hải quân cùng các tình nguyện viên làm tốt khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tăng cường.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Văn hóa TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh-nơi diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch Covid-19. Từng nhóm khoảng 10 người gồm bộ đội, phụ nữ, thanh niên tình nguyện… đang tất bật phân chia những mặt hàng thiết yếu thành các phần, gói và dán tên, địa chỉ nhà rõ ràng. Họ chính là những người vừa tổ chức lực lượng và vừa trực tiếp đi chợ giúp dân trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Chị Trần Thị Đoan Trang, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Thủ Đức cho biết: “Hàng hóa được thu mua rồi tập trung về đây, chúng tôi tiến hành phân chia theo đơn trước khi chuyển đến tận tay người dân. Chúng tôi cũng tổ chức thành từng tổ, từng bộ phận để đi chợ, phân phát thực phẩm đến từng nhà để nhân dân thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” theo quy định giãn cách xã hội của thành phố”.

Học viên Trường CĐKT Hải quân đi chợ giúp nhân dân TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Từ đầu tháng 8-2021, TP. Thủ Đức triển khai chương trình “Đi chợ giúp dân” đồng loạt trên địa bàn 34 phường. Cũng bắt đầu từ thời gian này, một lực lượng trong số 200 cán bộ, học viên Trường CĐKT Hải quân được chuyển từ hỗ trợ xét nghiệm và tiêm phòng qua đi chợ giúp dân. Những người lính biển chỉ quen với sóng, gió, với con tàu và các hoạt động huấn luyện, SSCĐ thì nay lại thêm một nhiệm vụ là ra phố đi chợ giúp dân.

Trung úy QNCN Lê Việt Hùng, Học viên Trường CĐKT Hải quân chia sẻ: “Khi được chuyển qua phối hợp với các lực lượng để đi chợ giúp dân thực sự tôi rất bối rối vì bản thân chưa bao giờ đi chợ. Nhưng khi được các chị trong hội phụ nữ, các bạn thanh niên tình nguyện hướng dẫn cách thức tổ chức và thực hành đi chợ chúng tôi cũng dần thích nghi. Ban đầu là phải biết cách xác định đối tượng được ưu tiên đi chợ hộ là người dân trong các khu phong tỏa có F0, F1, các gia đình có người già neo đơn.

Để phục vụ chu đáo, tổ hỗ trợ phòng dịch hướng dẫn người dân lấy thông tin cần thiết về hàng hóa, giá cả và cách thức đặt hàng thông qua ứng dụng Zalo hay các trang thông tin của thành phố. Khi tiếp nhận xong, các tình nguyện viên chuyển đơn đặt hàng đến các nhà cung ứng và đến chọn hàng, gom về khu tập kết để phân phối đến các hộ gia đình theo đơn. Cùng các chiến sĩ đi chợ mới thấy hết những khó khăn, sự tỷ mỷ trong cách lựa hàng, chọn thực phẩm của người “cầm giỏ”.

Nhiều đơn hàng có những mặt hàng “tế nhị” mà những chiến sĩ tuổi mới đôi mươi “đứng hình” trước hàng loạt mẫu mã. Khi đó chỉ có sự “giải cứu” của các chị, các em tình nguyện mới giúp các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Có rất nhiều những câu chuyện, tình huống mà các chiến sĩ phải giải quyết nhưng mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ là một kỷ niệm không thể quên đối với mỗi chiến sĩ giữa lúc dịch bệnh căng thẳng.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Minh Tùng, tâm sự: “Cầm giỏ đi chợ vừa mừng, vừa lo anh ạ! Mừng vì được giúp nhân dân trong thời khắc khó khăn này, lo là vì không biết có đáp ứng được nguyện vọng của mỗi gia đình không? Nhưng có làm thì mới rút ra được kinh nghiệm. Chúng tôi phải linh hoạt trong xử lý tình huống khi mua hàng, vì thời điểm đó rất khan hiếm thực phẩm nên có nhiều thực đơn phải thay đổi. Khi đó chúng tôi phải trao đổi lại với gia đình, đổi qua mặt hàng khác nhưng phải có tính chất tương ứng và vừa với số tiền đã lên đơn. Lúc đầu gia đình cũng có vẻ khó chịu nhưng khi nhận thực phẩm rồi ai cũng vui vẻ. Thấy nụ cười của người dân chúng tôi thấy vui lắm, thêm động lực nhiều hơn để tiếp tục đi chợ giúp nhân dân”.

Các lực lượng chuyển hàng hóa đến tận tay người dân TP. Hồ Chí Minh

Sau gần 2 tháng các chiến sĩ Hải quân đã cùng các tình nguyện viên đi chợ giúp cho hàng triệu lượt người dân với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng tiền hàng hóa. Mỗi khi hệ thống siêu thị quá tải, các chiến sĩ phải nhanh chóng phối hợp giữa các phường, tìm các siêu thị còn hàng để kịp thời mua thực phẩm đưa đến người dân.

Bà Hà Thu Hoài (76 tuổi), ở tổ 7, khu phố 1, phường Long Trường, TP. Thủ Đức tâm sự: “Lúc đầu, tôi nghĩ việc tổ chức đi chợ giúp dân rất khó triển khai vì nhu cầu quá lớn làm sao đáp ứng cho hàng trăm hộ dân đang có nhu cầu hàng ngày. Tôi đăng ký mua hàng qua tổ dân phố với tâm lý được thì tốt, không được thì thôi. Nhưng thật bất ngờ, khi trời đang mưa, tôi nghe tiếng gọi, mở cửa ra thì thấy một chú bộ đội Hải quân với túi đồ trên tay. Chú ấy đưa cho tôi hàng hóa và phiếu tính tiền của siêu thị. Mọi thứ thật nhanh, gọn. Gia đình tôi ba thế hệ ở chung nhưng thực hiện giãn cách không thể ra ngoài mua thực phẩm. Việc có các chú bộ đội đi chợ giúp dân như thế này khiến tôi cảm kích vô cùng”.

Trong quá trình đi chợ giúp dân, ngoài áp lực phải chạy đua thời gian vì nhiều đơn hàng, có những hôm các chiến sĩ cùng lực lượng tình nguyện phải giao hàng đến tận 23 giờ đêm. Nhiều chiến sĩ phải thức để trao đổi thông tin đến 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường. Đó là chưa kể những sự cố ngoài ý muốn.

Những cơn sóng biển khơi xa không làm cho các chiến sĩ nao núng thì hôm nay “cơn sóng” Covid-19 cũng không cản được tinh thần của những người lính biển. Họ vẫn hàng ngày thầm lặng lao vào tâm dịch để đi chợ giúp dân trong sự bủa vây của vi rút nguy hiểm. Chúng tôi thực sự cảm phục sự kiên cường và tinh thần vì nhân dân quên mình của các đồng chí, sự hy sinh ấy không hề nhỏ giữa sức công phá đại dịch lớn như thế này.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang