Chuyển nhà ra đảo

07:50 22-07-2022

VBĐVN.vn - Ở nơi đảo xa, nhưng nhờ gần dân, dựa vào dân và luôn hết lòng vì dân, những năm qua, Đồn Biên phòng Tiên Hải, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân xã đảo Tiên Hải để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác chuyển tư trang, đồ dùng xuống ghe để sang làm nhiệm vụ ở ấp Hòn Giang. Ảnh: Đăng Bảy

Kịp thời có mặt ở điểm “nóng”

Vừa dứt tiếng kẻng báo giờ làm việc buổi chiều, tổ công tác 3 người thuộc Đồn Biên phòng Tiên Hải đã sẵn sàng lên đường đi công tác. Không chỉ ba lô, súng đạn, chuyến đi này, các anh còn mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ, từ tủ súng, tài liệu đến xoong nồi, xà bông...

Gặp nhau ngay ở cổng đồn, Thiếu tá Danh Niệm, Đội phó Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Tiên Hải vui vẻ nói: Chuyển nhà qua đảo nhỏ, anh ơi! Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Trung tá Vũ Minh Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tiên Hải giải thích: Xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang có 18 hòn đảo lớn nhỏ (16 đảo nổi và 2 đảo chìm), trong đó, đảo Hòn Đốc (hay còn gọi là Hòn Tre Lớn) lớn nhất và là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của xã. Đây cũng là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Tiên Hải.

Vì là xã đảo, thuộc vùng sâu, vùng xa nên Tiên Hải chỉ có gần 500 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu sinh sống chủ yếu ở Hòn Tre Lớn, Hòn Giang và rải rác ở 4 hòn đảo khác. Cá biệt như ở đảo Đồi Mồi Lớn, chỉ có 1 hộ dân với 4 người sinh sống. Dù nhiều hay ít, đã có dân sinh sống là có Bộ đội Biên phòng. Không chỉ quan tâm tới việc giữ gìn an ninh, trật tự, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho người dân trên địa bàn theo tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” - Trung tá Tuân nói.

Ở đảo, việc đi lại khó khăn chứ không phải như ở đất liền, nhất là từ đảo này sang đảo kia, nên mỗi lần đi công tác địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tiên Hải đều phải mang theo lương thực, thực phẩm cả tuần, cả tháng. Chuyến đi địa bàn lần này dài hơi hơn, có thể 2-3 tháng rồi mới thay tốp khác sang, vậy nên anh em đã mang theo tất cả vật dụng sinh hoạt, công tác. Mỗi lần như vậy, cánh lính trẻ lại tếu táo nói đùa với nhau là “chuyển nhà ra đảo”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Sự, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tiên Hải cho biết: 2 năm qua, đơn vị thường xuyên duy trì 4 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, có 1 chốt ở ấp Hòn Giang. Nhưng sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chốt Biên phòng rút đi thì an ninh, trật tự ở khu vực ấp Hòn Giang nổi lên một số vấn đề phức tạp, trong đó, đáng lưu ý là việc tranh chấp ngư trường dẫn đến xung đột, gây mất đoàn kết. Một số hộ lợi dụng việc ở xa sự quản lý của chính quyền nên đã tự ý chiếm đất, xây nhà, hoặc xây tường bao, nền nhà chờ đền bù giải tỏa. Trước diễn biến phức tạp đó, Đồn Biên phòng Tiên Hải đã thành lập tổ công tác địa bàn, đưa anh em ra bám trụ ở ấp Hòn Giang.

“Tổ công tác địa bàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, bám dân, gần dân. Để hiểu dân, hỗ trợ, giúp đỡ dân, phải bám trụ lâu dài với dân, có như vậy mới hoàn thành nhiệm vụ” - Đồn trưởng Sự nói.

Luôn gần dân, dựa vào dân để nâng cao hiệu quả công tác

Sau khi đã kiểm tra lần cuối mọi công tác chuẩn bị, được sự hỗ trợ của anh em trong đơn vị, mọi vật dụng được chuyển lên một chiếc ghe thuê của dân. Từ đảo chính là Hòn Tre Lớn, tổ công tác địa bàn háo hức trực chỉ đảo Hòn Giang. Cùng đi để động viên tổ công tác còn có Đồn trưởng Nguyễn Tiến Sự và Chính trị viên phó Vũ Minh Tuân.

Các cán bộ, chiến sĩ kiểm tra tư trang trước khi lên đảo mới. Ảnh: Đăng Bảy

Trong tiếng máy giòn tan của chiếc ghe và dưới ánh nắng vàng ruộm của biển trời vùng Tiên Hải, 3 người lính trong tổ công tác địa bàn vẫn vô tư, không hề gợn một chút ưu tư nào. Trung úy Đinh Hồng Hưng, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Tiên Hải cho biết, tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2020, Hưng khoác ba lô ra công tác tại Đồn Biên phòng Tiên Hải cho đến nay. Trong thời gian đó, Hưng cũng đã có 3 lần bám trụ ở ấp Hòn Giang. Lần lâu nhất là gần 1 năm (từ tháng 3-2021 đến tháng 2-2022), đó là cao điểm của dịch Covid-19. Lúc đó, Hưng là Chốt trưởng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 ở ấp Hòn Giang.

“Ở đảo nhỏ, xa trung tâm, đi lại rất khó khăn, mỗi lần về đơn vị họp, phải tranh thủ để đi nhờ ghe của dân, nhưng cái thiếu khó khăn nhất vẫn là thực phẩm, rau xanh. Nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi vẫn khắc phục, động viên nhau cùng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Hưng chia sẻ.

Riêng đối với Thiếu tá Danh Niệm thì những chuyến đi địa bàn như thế này đã trở nên quen thuộc. Trước khi chuyển công tác về Đồn Biên phòng Tiên Hải, Danh Niệm đã có hơn 10 năm gắn bó với vùng đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực biên giới Hà Tiên và có tới 11 năm thực hiện nhiệm vụ trong Đội Phân giới, cắm mốc, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. “Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, tôi đã có 6-7 lần đi công tác dài ngày ở ấp Hòn Giang. Đi riết cũng thành quen, Bộ đội Biên phòng mà, ở đâu cũng là nhà” - Thiếu tá Danh Niệm chia sẻ.

Trẻ nhất trong “tổ tam tam” này là Binh nhất Trương Vĩnh Kỳ. Chàng lính trẻ này mới chưa tròn 1 tuổi quân nhưng vẫn không hề nao núng trước chuyến công tác dài ngày đến nơi khó khăn, gian khổ hơn. “Chúng tôi là bộ đội, sướng khổ cùng chia sẻ với nhân dân, gian khó thế nào cũng sẽ vượt qua. Tôi sẽ luôn phấn đấu để không phụ lòng tin tưởng của cấp trên” - Binh nhất Kỳ tâm sự.

Nơi ở mới của tổ công tác địa bàn là một căn nhà xây, nằm sát ngay chân sóng biển, xung quanh là nhà dân. Chị Nguyễn Kim Nhung, Chi hội Phụ nữ ấp Hòn Giang cho biết, đây là trụ sở cũ của Ban điều hành ấp Hòn Giang. Vừa rồi, ấp xây trụ sở mới nên để cho tổ công tác Biên phòng mượn tạm, ổn định ăn ở. Bộ đội về với dân, giúp dân thì cũng là người của dân thôi mà.

Anh Danh Thắng, Trưởng ấp Hòn Giang chia sẻ rất chân tình: Cá nhân tôi và bà con ở đây rất biết ơn Đồn Biên phòng Tiên Hải. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các anh đã không quản khó khăn, gian khổ, đóng chốt, bám trụ ở đây, vừa tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân, vừa cùng chúng tôi phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các anh còn tham gia lao động giúp dân di dời nhà cửa, sửa chữa nhà, kéo ghe, làm bè cá và cứu hộ, cứu nạn... Các anh luôn là chỗ dựa, là điểm tựa tinh thần cho bà con ở nơi đầu sóng ngọn gió này...

Sau khi làm việc với Ban điều hành ấp Hòn Giang, Thượng tá Nguyễn Tiến Sự căn dặn anh em tổ công tác nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn ở. “Phải tăng cường bám nắm địa bàn, quan hệ tốt với chính quyền địa phương và không ngừng đẩy mạnh công tác dân vận. Chú trọng việc tuyên truyền ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, các đồng chí phải luôn gần dân, dựa vào dân và biết giúp đỡ dân” - Đồn trưởng Sự nhắc nhở “tổ tam tam”...

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang