Chuyện săn cổ vật dưới lòng biển. Bài 1: Giã cào bát, đĩa
VBĐVN.vn - Tổng cộng 9 con tàu chở cổ vật chìm đắm ở vùng biển Việt Nam từ nhiều thế kỷ và cổ vật đều được đưa về một bảo tàng tư nhân ở tỉnh Quảng Ngãi. Xung quanh việc phát hiện, trục vớt cổ vật gắn với bao câu chuyện của giới săn lùng cổ vật độc bản suốt hàng chục năm qua.
Những nhà thám hiểm phương Tây William Dampier, Jonh Barrow từng đề cập đến những chuyến đi dọc bờ biển miền Trung của Việt Nam vào năm 1688 và chứng kiến những vụ tai nạn hàng hải... Đó cũng là nguồn tham khảo để hình dung ra những con tàu từ thương cảng ở Việt Nam đi Indonesia, Singapore... Những chiếc tàu chìm sau vài trăm năm trở thành kho cổ vật và lần lượt được “đánh thức”.
“Điểm vàng”
“Người dân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ bức tượng vàng, bình gốm độc bản nào không?”, thỉnh thoảng, giới mua bán cổ vật vẫn hỏi nhau về những loại cổ vật độc đáo ở một làng biển từng nổi tiếng là chuyên lặn cổ vật ở Quảng Ngãi. Sự việc này bắt đầu từ năm 1999, người dân ở làng chài bùng nổ cơn sốt đi lặn cổ vật ở vùng biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Các ngư dân lặn cổ vật cho biết, người đầu tiên tìm được cổ vật là ông Phạm Văn Thanh. Ngư dân trên tàu này đã cào trúng ngay vị trí con tàu cổ bị chìm và dân làng lập tức gác lưới đi cào cổ vật.
“Điểm vàng” là nơi nào? Các ngư dân truyền miệng nhau tọa độ. Lúc đó thì mọi người mới nhận ra là ở làng chài xã Bình Châu có những chủ tàu đã đi lặn cổ vật khắp vùng biển Việt Nam, cứ nghe nơi nào có cổ vật thì rà tọa độ rồi tìm đến lặn, như vùng biển Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang. Những cổ vật nổi tiếng mà ngư dân vớt được như vàng cổ, tượng Phật, bình bông lau...
Ngày đó, khắp bãi biển thôn Định Tân la liệt các bàn cào trông giống những chiếc lược bằng sắt khổng lồ. Các ngư dân cho biết, thả bàn cào xuống độ sâu 70 mét, sau đó, cố gắng chạy tàu vòng quanh tọa độ cổ vật, rồi kéo lên. Nhưng do cào cổ vật một cách thô bạo như vậy, nên phần lớn các bát, đĩa đều bị vỡ. Ngư dân gom mảnh vỡ về phân loại và bán rẻ, bán tháo, căn cứ vào những mảnh vỡ lớn có in hoa văn, con gà, con rồng... Có một số chủ tàu mời ngư dân chuyên lặn hải sâm, lặn xuống độ sâu 70 mét để thu lượm cổ vật bằng tay.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam nhận định: “Phải thấy rằng, chưa có nơi nào trên thế giới phát hiện nhiều tàu cổ và mật độ phân bố dày đặc, tạo thành quần thể như ở vùng biển Quảng Ngãi. Sau khi tiến hành nghiên cứu khảo cổ ở khu vực biển này sẽ giúp chúng ta có thể phát triển ngành khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam”.
Những loại bát, đĩa men gốm Chu Đậu có giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chiếc. Đi khắp làng chài, nơi đâu cũng thấy mảnh bát, đĩa cổ vật vỡ vụn rải đầy bãi biển. Nhiều ngư dân gác lưới và mơ đổi đời bằng cách sắm bừa sắt để đi cào cổ vật, dù khai thác bằng cào thì không thu về được cổ vật lành lặn. Nhiều người không nhắc chuyện trúng bát, đĩa, mà xì xào chuyện có những bức tượng được bán ở mức giá 350-400 triệu đồng/chiếc.
Nguyễn Thiện, một ngư dân địa phương, có thể lặn xuống ở độ sâu 70 mét cho biết, phần lớn ngư dân lặn được cổ vật vào bờ là bán hết, nhưng cũng có người ém hàng để khi túng tiền lắm mới bán dần. Nhắc chuyện cổ vật chỉ vài câu, anh lại kể chuyện lặn khiến nhiều người tò mò rồi đặt câu hỏi về việc còn thứ cổ vật nào quý giá vẫn được ngư dân cất giữ? Nhiều năm trôi qua, câu chuyện về bức tượng cổ, các loại bình gốm độc bản vẫn được giới chơi cổ vật nhắc đến. Anh Trần Hoàng, một tay chơi cổ vật ở thành phố Hồ Chí Minh, cách đây 2 năm vẫn gặng hỏi về chuyện làng lặn cổ vật hiện nay có bức tượng nào cất giữ hay không, vì những thứ hàng độc bản đó đến thời điểm hiện nay được bán với giá rất cao và thỉnh thoảng vẫn nghe giới săn cổ vật nhắc đến, tìm kiếm.
Đáp lại câu hỏi trên, nhiều ngư dân chỉ mỉm cười, với ánh mắt ẩn ý. Cách đây vài năm, các ngư dân vẫn tiếp tục rà dọc bờ biển để kiếm cổ vật. Ban đêm, những chiếc tàu nhỏ bật đèn, thả thợ lặn đi gần bờ, sử dụng ống thổi cát để xoi xuống lòng biển một cách kiên nhẫn. Vì khu vực vùng biển từ thôn Châu Thuận Biển đến gần xã Bình Phú được nhận định là có nhiều chiếc tàu cổ vào tránh bão bị chìm. Tỉnh Quảng Ngãi từng tổ chức khai quật tàu cổ vào năm 2013 tại eo biển này.
Làng chơi cổ vật
Ở vùng biển Việt Nam đã có 9 con tàu cổ được khai quật. Những hình ảnh ấn tượng và suốt nhiều năm sau vẫn được nhắc, đó là con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ XI, với phần lớn đồ gốm Hải Dương. Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương - đơn vị đứng ra trục vớt, cho rằng, việc giải mã bí ẩn của các con tàu cổ rất có ý nghĩa về mặt chính trị, đặc biệt là minh chứng cho tuyến đường giao thương trên biển của người Việt.
Xã Bình Châu giờ đây được mệnh danh là làng chơi đồ cổ, làng chuyên lặn kiếm cổ vật. Vì có những ngư dân từ đó đến nay cứ nghe tin nơi nào có cổ vật thì tới lặn. Nghe nói chuyện cổ vật, một ngư dân tóc nâu, da chì ở thôn Châu Thuận Biển cho biết, ở làng này nhà nào cũng có cổ vật. Nhà ít nhất thì cũng vài cái ché, bộ ly; nhà nhiều thì số cổ vật lên đến hàng trăm món.
Đến thăm nhà các ngư dân ở các thôn Định Tân, Châu Thuận, Phú Quý, nhà nào cũng chất đầy cổ vật trong tủ kính, gồm bát, đĩa, bình tỳ bà bằng gốm men nâu, men xanh được chạm khắc hoa văn rất cầu kỳ. Nhiều nhất vẫn là đĩa gốm có đường kính 35cm có in hoa văn màu xanh, niên đại thế kỷ XV. Có ngư dân nhiều cổ vật đến mức lấy chén đĩa ra làm gạt tàn thuốc, trồng cây kiểng đặt trên bàn.
Bà con ngư dân tâm tình, cứ đánh lưới, lặn cá thì vô tình vớt được cổ vật. Ban đầu thì mọi người giữ bí mật, nhưng sau một thời gian thì rộ lên, vậy là các cơ quan chức năng tiến hành quản lý, tổ chức khai quật. Tại nhà ngư dân Nguyễn Quang, Nguyễn Văn Hiếu, một chiếc tủ trưng đầy cổ vật được vớt lên từ nhiều chiếc tàu cổ chìm ở vùng biển Việt Nam.
Các ngư dân bắt đầu kể về chuyện những năm tháng đi biển, cứ thấy cổ vật dính lưới là tổ chức lặn. Ngư dân ở địa phương vốn giỏi nghề lặn, mang theo bình hơi, dây lặn để xuống khám phá đáy biển. Hỏi chuyện có bức tượng nào, hoặc bình độc bản còn cất giữ chưa mang ra bán, nhiều ngư dân cười, nói kiểu khép mở rằng, nếu hỏi những thứ độc đáo ở các con tàu cổ thì có lẽ nhiều ngư dân vẫn còn giữ bí mật, chờ dịp công bố.
Bài 2: Phát huy di sản từ cổ vật tàu đắm
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận