Chuyện săn cổ vật dưới lòng biển. Bài 2: Phát huy di sản từ cổ vật tàu đắm
VBĐVN.vn - Cổ vật ở 9 con tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam lần lượt được khai quật thì trước đó, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã lặn được khá nhiều. Lướt qua các loại cổ vật cũng có thể kể được câu chuyện dài về những con tàu hải trình dọc bờ biển Việt Nam, giao thương với các nước. Khi tàu cập bờ thì các thương nhân dắt ngựa lên bờ để rong ruổi vào thời chưa có xe đạp, xe máy.
Ngựa theo tàu?
Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trưng bày một số cổ vật được vớt từ một chiếc tàu đắm tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong số các cổ vật là gốm sứ, chậu, hũ, lá đồng, thì có một bộ xương ngựa, gồm xương quai hàm, một số đốt xương đầu gối và những chiếc răng. Trong cuốn du ký của nhà thám hiểm William Dampier kể về những lần hải trình trên thuyền và đến Việt Nam vào năm 1688 thì không thấy ông nhắc đến việc ngựa trên tàu hàng, mà phần lớn tàu cập vào đất liền thì thuê thuyền chèo dọc con sông, sau đó, trả tiền công cho người dân địa phương dẫn đi thăm thú khắp nơi.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, số cổ vật này được trục vớt từ năm 1999 do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Công ty trục vớt Visal thực hiện. Chiếc tàu cổ được trục vớt vào năm 2013 tại vùng biển xã Bình Châu có chiều dài lên đến 21 mét, gồm 12 khoang, 3 tầng; riêng chiếc tàu cổ ở vùng biển Cù Lao Chàm dài 30 mét (hiện nay tàu đánh cá của ngư dân mới đóng kích thước phổ biến là 17-19 mét). Từ 500-700 năm trước, ngư dân đóng được các tàu lớn như vậy đã phản ánh về tuyến hàng hải qua nước ta phát triển ra sao.
Trong những lần tiếp cận cổ vật tại bảo tàng, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã viện dẫn từ những cổ vật để nói về những thương thuyền ngang dọc ở bờ biển Việt Nam, những thương cảng tấp nập vài trăm năm trước như Thu Xà ở tỉnh Quảng Ngãi; Hội An ở tỉnh Quảng Nam. Các nhà thám hiểm phương Tây từng viết lại cảnh tượng ở những thương cảng ở Xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài, mô tả nghi lễ lạ lùng nhất của người Việt Nam thời đó là thờ tượng Phật đặt trên nhành cây với một chiếc thang để trèo lên thắp hương.
Trong số các cổ vật trục vớt, mỗi khi có lẫn xương thì luôn là đề tài để các thợ lặn bàn luận. Vì khi lặn xuống, chạm tay vào cổ vật nhưng lòi ra xương thì cảm giác ớn lạnh. Ông Lâm Dũ Xênh, một nhà sưu tầm cổ vật tầm cỡ ở Quảng Ngãi, trong đó có nhiều cổ vật biển, khi nhắc đến sự linh thiêng của những cổ vật trăm năm, ông cười và nói: “Cả một gian nhà lớn như vậy, cứ đêm xuống là khua rục rịch. Chắc là chuột chui vô núi cổ vật, nhưng mà mình vẫn có cảm giác cổ vật như có linh hồn, vẫn thức giấc dậy và mình có sứ mệnh phải giữ lấy cổ vật cho đời sau”.
Du lịch với tàu cổ
Năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến thú vị của giới nghiên cứu khảo cổ dưới nước. Một sự kiện thu hút các nhà nghiên cứu khảo cổ đến từ nhiều quốc gia, đó là “Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Tham gia hội thảo có 170 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó, có 48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 120 nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý văn hóa trong nước.
Phó Giáo sư Mark Staniforth, Đại học Flinders của Australia phát biểu: “Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á trên con đường tơ lụa trên biển, với sự giao thương của nhiều nước trên thế giới. Do đó, tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam là rất lớn và bao gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại hàng nghìn năm… Do vậy, để khai thác, quản lý và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa dưới nước cần gắn với giáo dục cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng; tiến hành ở nhiều cấp độ bao gồm xã, huyện, tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế”.
Hàng loạt các cuộc triển lãm khảo cổ từ các con tàu đắm đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi. Doanh nghiệp xã hội Đoàn Ánh Dương là đơn vị đã nhiều năm tham gia trục vớt tàu cổ ở khắp vùng biển Việt Nam, trong đó, có khu vực đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam đã dồn hết cổ vật về Quảng Ngãi. Tại khu vực phía sau Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đầu tư xây dựng khu Thành Cổ Quảng Ngãi, sau đó, đưa hiện vật từ các con tàu đắm về trưng bày.
Thành Cổ Quảng Ngãi là nơi trải nghiệm thú vị nhất về di sản dưới nước. Du khách sẽ bước vào căn phòng được trưng bày các súc gỗ lớn là một phần của chiếc tàu cách đây vài trăm năm. Căn phòng này gắn với chủ đề “con đường gốm sứ trên biển”. Nhìn những cây gỗ màu đen sạn, thớ gỗ nở ra sau vài trăm năm ngủ yên dưới đáy biển, mọi người sẽ bắt đầu mở mang được kiến thức qua việc cha ông ta đã làm chủ biển cả như thế nào, những con thuyền xuôi ngược sát bờ biển, cập vào xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài.
Cổ vật đi vào cuộc sống
Phó Giáo sư Mark Staniforth, Đại học Flinders, chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về cổ vật từng nhắc đến việc phải biến những di sản dưới nước đó thành bài học hiện hữu để mọi người hiểu được quá khứ, phải hướng tới công tác bảo tồn các con tàu đắm, tuyên truyền nhận thức về di sản văn hóa cho cộng đồng, làm sao để phát huy, kể lại câu chuyện về tiền nhân...
Trong số hơn 4.000 cổ vật ở Thành cổ Quảng Ngãi, có hàng trăm chiếc cốc uống nước bằng gốm sứ có niên đại thế kỷ XVIII được trục vớt cách mũi Cà Mau 90 hải lý về phía Nam; đĩa gốm Chu Đậu vẽ men trắng xanh, niên đại thế kỷ XV được trục vớt từ vùng biển Cù Lao Chàm; nhiều hiện vật gốm sứ nắp ấm, lọ nhỏ men trắng mỏng, men xanh trắng, niên đại thế kỷ XVII, được trục vớt tại vùng biển Hòn Cau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các loại bình rót rượu tỳ bà, bình ken đi, súng đồng, chum, đĩa... Phải đi nửa ngày mới tham quan hết được kho cổ vật khổng lồ mà trong số đó có những cổ vật mang màu sắc, câu chuyện khá bí ẩn về quá khứ chưa thể giải mã được.
Giới sưu tầm cổ vật thường vẫn tới Quảng Ngãi để săn lùng, mua cổ vật từ các con tàu đắm và dừng lại rất lâu trước chiếc neo tàu kỳ lạ mà ông Lâm Dũ Xênh đã sưu tầm được. Chiếc neo gỗ có kích thước dài đến gần 5 mét, trên đầu có lỗ để buộc dây phi 30, mấu neo choãi ra hơn 2 mét để neo giữ tàu loại lớn.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận