Cô gái có tình yêu đặc biệt với biển

22:52 10-02-2022

VBĐVN.vn - Là hướng dẫn viên du lịch, chuyên tour lặn ngắm san hô, bởi vậy mà chị Trà Thanh Tú (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có tình yêu đặc biệt với biển. Chị không tiếc thời gian và công sức để “giải cứu” sinh vật, dọn rác dưới những rạn san hô khu vực biển Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Hạnh phúc của chị là thấy môi trường biển được trả lại sự trong lành.

Chị Trà Thanh Tú. Ảnh: Ngọc Hà

Không muốn biển bị xâm hại

Lần đầu tiên lặn ngắm bãi san hô dưới biển Sơn Trà, chị Trà Thanh Tú đã bị cuốn hút bởi những sinh vật bé nhỏ trong nước. Những sinh vật có nhiều hình dáng, màu sắc và lúc nào cũng như tỏa ánh sáng khiến chị Tú mê mẩn. Công việc chuyên tổ chức tour đưa đón khách, trải nghiệm thiên nhiên quanh vùng biển Sơn Trà giúp chị có nhiều trải nghiệm. Điều khác biệt của hướng dẫn viên này là mỗi lần đưa khách đi tham quan, chị luôn nhắc nhở du khách phải có ý thức giữ gìn môi trường, không xả rác bừa bãi. Trong hành trình dẫn khách, gặp rác ở đâu là chị cúi xuống nhặt bỏ vào bao như một thói quen, cũng một phần muốn nhắc nhở du khách. Có những lần, nhóm khách ăn nhậu vứt vỏ lon bia, lá, giấy... bừa bãi ra cát, chị nhẹ nhàng góp ý.

Thế nhưng, không phải ai cũng thiện chí, có người không những không nghe mà còn ném vứt ra xa hơn. Những lần như thế, chị Tú lại đợi khi họ tan cuộc rồi quay lại dọn rác. Những lần đi dạo trên bờ biển, thấy lưới câu mực, câu tôm vương vãi trên bãi cát, chị lại cặm cụi nhặt gom lại. Thấy một cô gái hiện đại, ăn mặc “thời thượng” lại tỉ mẩn đi nhặt rác quanh bãi biển, nhiều người xì xào, nhưng chị không để ý mà tập trung vào việc mình đang làm, bởi chị không muốn nhìn thấy biển bị ô nhiễm bởi rác thải.

Có đợt, du khách đến lặn ngắm san hô bãi Nam (bán đảo Sơn Trà), nhìn san hô đẹp, họ bẻ nhánh đem về trưng bày. Thấy mỗi người cầm một bịch san hô, chị Tú “xót” quá chạy tới xin họ thả lại xuống biển. “Họ không biết rằng san hô còn sống cứng đẹp vậy thôi, ra khỏi môi trường nước biển, nếu không biết cách xử lý sẽ bị bốc mùi, thối rữa rồi mang về cũng phải vứt đi. Ngoài những người không có ý thức, cũng có một số du khách vô tình đạp gãy san hô, hoặc để rơi rác xuống biển. Tôi cảm thấy đau lòng khi mỗi lần lặn xuống biển thấy vỏ lon, hộp, chai nhựa lơ lửng trong nước. Tôi yêu biển và không thể làm ngơ khi thấy biển bị đối xử không công bằng như vậy” - Chị Tú chia sẻ.

Những năm qua, do nhiều nguyên nhân, công tác bảo tồn các rạn san hô tự nhiên ở bán đảo Sơn Trà đang bị xâm hại nghiêm trọng. Là người trực tiếp làm ngành nghề du lịch, chị Tú cho rằng, nếu để khai thác du lịch một cách bền vững thì việc bảo vệ biển nói chung và bảo vệ san hô, các sinh vật biển là vấn đề vô cùng cấp thiết. Trong đó, đòi hỏi ý thức cao của những người làm du lịch, khách tham quan, cộng thêm chế tài, quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những hành vi tác động tiêu cực đến môi trường biển như xả rác, đánh bắt hải sản, san hô trái phép...

Người dọn rác dưới biển

Khi hướng dẫn khách lặn ngắm san hô, trong túi chị Trà Thanh Tú luôn có một chiếc kéo sắc để phục vụ cho việc cắt lưới ma, giải cứu cá, san hô dưới đáy biển. Lưới ma là lưới của những người đánh bắt cá không chuyên, chủ yếu là những người đi du lịch, thả lưới xuống bắt cá, tôm rồi lưới bị vướng san hô không kéo lên được. Cá, tôm nhỏ mắc vào lưới không thoát ra khỏi, dần dần chết và thối rữa, trong đó, có rất nhiều loài cá quý hiếm. Những tấm lưới sau khi mắc bị sóng đẩy qua lại kéo gãy rạn san hô. Bỏ lại một tấm lưới, xả vài túi bóng, vỏ lon xuống biển, ai cũng nghĩ “không đáng gì”, nhưng không biết rằng, việc làm đó đã hủy hoại đến đời sống sinh vật biển, môi trường và thiên nhiên.

Chị Trà Thanh Tú dọn rác dưới các rạn san hô ở khu vực biển Sơn Trà. Ảnh: Ngọc Hà

Dưới biển cũng lơ lửng nhiều dây câu do khách vứt lại. Chị Tú cho biết, mình đã từng bị dây câu cuốn cổ chân một lần, nên biết rõ sự nguy hiểm trong trường hợp này, đó là khi chị vừa cắt lưới ma khỏi đám san hô lớn, khi lên mặt nước còn cách 1 gang tay thì bị dây câu cuốn chân. Với người có kinh nghiệm như chị, có thể bình tĩnh lặn xuống và cắt dây thoát lên bờ, nhưng đối với người mới biết bơi hoặc không có kinh nghiệm sông nước thì hậu quả sẽ rất khó lường. Vì vậy, việc cắt lưới không chỉ để cứu động vật biển, mà còn để giảm bớt nguy cơ đối với những du khách tò mò muốn lặn biển ngắm san hô.

Yêu thiên nhiên, thích bơi lặn, nên cứ đôi tuần chị Tú lại lặn biển một lần để dọn rác. Bơi như một con rái cá, chị gom vỏ lon, rác thải nhựa, cắt lưới ma giải cứu sinh vật biển bị mắc kẹt. Nếu trời không quá lạnh hay biển có sóng lớn, được sử dụng ống thở và chân nhái thì chị có thể lặn sâu nhất tới khoảng 15m, bơi cả ngày mà không sợ bị đuối sức. Những lúc lặn cùng bạn bè, họ thấy chị cắt lưới cứu cá và san hô nên cũng làm theo. Việc làm dần dần tạo thành thói quen không ai bảo ai, khi xuống biển, mỗi người đều tỏa ra lượm rác vớt lên bờ.

Hai năm qua, do dịch bệnh nên ít người lên Sơn Trà lặn biển, nhờ đó mà môi trường cũng sạch hơn, các rạn san hô được hồi phục nhanh, có những rạn bị đạp gãy nay đã nảy mầm mới. Ngắm biển “khỏe” hơn, chị Trà Thanh Tú rất mừng và ấp ủ những dự định mới. Dự định của chị là sẽ tổ chức nhiều hơn các tour miễn phí cho học sinh, sinh viên, đồng thời tham gia làm sạch rác trôi dạt vào các bãi hoang. Chị muốn bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi tư duy từ những bạn trẻ, những người sẽ nắm giữ tương lai của đất nước sau này.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang