Con của người lính biển

09:14 19-12-2019

Chạng vạng tối Triều mới từ ngoài cảng đi vào phố. Ðến ngã ba, bỗng chiếc xe đổ vật xuống đường, còn người thì như bất tỉnh. Ðúng hơn là Triều có nghe láng máng như tiếng người con gái, giọng rất nhỏ và run, vừa luồn tay dưới gáy nâng đầu anh lên, vừa nhỏ nhẻ: "Anh có đau lắm không?". Giây lát, vẫn giọng nữ trầm nhẹ ấy, nhưng vội vã, như nói với nhiều người, làm ơn giúp một tay đưa anh ấy lên tắc-xi... lên bệnh viện thành phố...

Mãi đến hôm Triều có thể nhận biết được tiếng nói và hình dáng người ở bên, anh mới vỡ vạc ra ít nhiều về cô gái đã tông xe vào anh ở ngã ba Tân Vũ. Ðấy là Hải, bác sĩ khoa ngoại, chính khoa Triều vào điều trị. Suốt bấy nhiêu ngày, ngoài giờ thăm khám cho bệnh nhân trong khoa, hầu như không ngày nào Hải không đến giường anh một vài lần, đứng nhìn Triều giây lát rồi quay ra. Những cử chỉ dịu dàng và sự chăm sóc thân tình của cô bác sĩ làm Triều nhiều lúc cũng thấy bớt ngần ngại trong chuyện trò. Việc ấy tưởng đơn giản, nhưng với Triều lại không dễ. Bởi dẫu là lính chuyên nghiệp hải quân hơn mười năm nay, nhưng cái tính rụt rè trong giao tiếp, với Triều vẫn như một cố tật.

Sau khi tốt nghiệp khoa máy, Ðại học Hàng hải Hải Phòng, Triều tình nguyện vào bộ đội hải quân, theo lời trăn trối của mẹ trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác: "Học xong lớp mười hai, dù thi đại học được hay không, con cũng phải vào bộ đội hải quân để dò tìm tung tích của bố. Mẹ tin bố con không lặng lẽ ra đi mà không để lại tung tích gì như thế. Nhất định phải có ai đó biết ít nhiều về bố con... ".

Mẹ chưa khi nào chịu tin bố đã hy sinh trong một chuyến vận tải vũ khí bằng đường biển vào miền Nam, dẫu trong giấy báo tử ghi rõ thế. Và rồi mẹ đã tìm thấy bố, không phải trong doanh trại hay trên con tàu nào, mà trong bảo tàng quân chủng hải quân. Cũng không chỉ một mình bố, mà bố còn đứng giữa đồng đội hân hoan đón một vị tướng xuống thăm, có lẽ là trước khi tàu rời bến. Nhưng cuộc gặp linh nghiệm ấy chẳng những không làm mẹ thỏa lòng, mà chỉ càng thêm thôi thúc mẹ đi tìm bố. Tìm mãi. Tìm mãi...

Triều vào bộ đội hải quân đã hơn mười năm, nhưng cũng bởi cái tính rụt rè cố hữu ấy mà đến tận bây giờ anh vẫn không biết gì hơn về người cha ngoài những gì ghi trong giấy báo tử. "Vâng, quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Dạ, cao thấp, béo gầy thế nào cháu cũng không được biết, vì cưới xong chỉ được ở với nhau đúng ba ngày, thì bố cháu phải trở về đơn vị. Rồi từ đó... ". Nung nấu là vậy, nhưng chưa lần nào anh có gan đánh bạo hỏi ai.

***

Sau hơn hai tuần, Triều được Hải - bác sĩ bệnh viện thành phố - chăm sóc như với người nhà, anh cảm thấy như không còn gì ngăn cách giữa một bệnh nhân với thầy thuốc. Nhưng khi Hải đưa cặp mắt đen lánh như hai giọt nước nhìn thẳng vào khuôn mặt vuông chữ điền có vầng trán dô bướng bỉnh của Triều với cái nhìn rất lạ, giọng thỏ thẻ: "Mai anh xuất viện rồi! Bố em bảo vào mời anh ra nhà chơi, ăn bữa cơm với gia đình, để bố con em được nói lời cảm ơn anh", thì Triều không ra nhận lời cũng không ra từ chối, lại nói: "Lẽ ra anh phải cảm ơn em và gia đình đã tận tình chăm sóc anh hơn hai tuần nay mới phải, chứ sao em và bố lại cảm ơn anh là thế nào". Hải nói ngay, giọng cởi mở, thân tình: "Chỉ đơn giản là em mới là người gây ra tai nạn làm anh phải nằm viện mà em vẫn như người vô can. Tất cả là do anh lại nhận lỗi về mình". Nói thế là hết lẽ. Triều đưa mắt nhìn Hải đang rạng rỡ cười, chỉ bật lên mỗi tiếng: "Em..!.

Hải đèo xe máy đưa Triều về đến nhà, trời vẫn chưa tắt nắng. Bố của Hải vẫn còn đang cuốc xới đám đất trồng rau ngoài vườn. Thấy tiếng xe vào sân ông biết là con gái đưa khách về, vội dừng tay, nói vóng vào: "Con mời đồng chí hải quân vào nhà, bố xong ngay đây". Nghe thế, Triều hiểu là cô con gái đã đọc lý lịch trích ngang của anh cho ông bố biết cả rồi.

Sau bữa cơm tối, bên chiếc bàn uống nước, câu chuyện giữa ông bố Hải và Triều càng cởi mở, thân tình, gần gũi hơn. Nhất là khi ông Thời, bố Hải, nghe Triều nói về người cha hy sinh trong một chuyến vận tải vũ khí vào Nam, thì ông Thời như nhoài người qua chiếc bàn uống nước, nắm chặt một bên cánh tay Triều lắc lắc, hỏi: "Cháu nói quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Thế bố cháu tên là gì?". Triều lắp bắp: "Bố cháu... Nhưng có khi chú chẳng biết đâu, vì bố cháu đi bộ đội hải quân, nghe đâu ở đơn vị đoàn tàu không... ". Tức thì, ông Thời như bật dậy: "Tàu không số! Thì chú cũng tàu không số đây!". Triều chưa kịp hỏi lại điều gì, đã nghe tiếng ông gạn hỏi: "Nhưng mẹ con cháu còn giữ được vật kỷ niệm nào của bố cháu để lại không?. Nghe đến đấy, Triều đứng dậy, đến bên ông Thời rút ví lấy ra tấm ảnh bằng bàn tay, bảo: "Chỉ còn mỗi vật này thôi, chú ạ". Ông Thời vội đón tấm ảnh. Lướt nhìn đã biết đây là ảnh chụp lại từ sách báo. Nhưng khi ông đứng dậy, với tay lên ban thờ lấy kính lão đeo vào, thì ông lại bỗng chỉ tay vào tấm ảnh, nói như reo: "Ố, tôi đây, bố anh đây, đúng anh Hệ rồi!". Chỉ được có thế, ông vội cầm tấm ảnh áp chặt vào ngực, như sợ có người giằng mất, rồi bỗng bật lên tiếng khóc nghẹn ngào: "Ối anh Hệ ơi là anh Hệ ơi, sao bao nhiêu năm anh không về báo tin tức gì cho vợ con, mà để vợ con anh tìm mãi thế, anh ơi!". Triều như lặng đi, môi mấp máy mà không sao bật lên thành lời, bố cháu đâu, người nào trong ảnh là bố cháu, hả chú, nhưng anh cứ trân trân nhìn ông Thời, miệng há hốc. Còn mọi người trong nhà, Hải và mẹ, bà chị dâu và cô cháu gái, nghe tiếng ông như người nhập đồng thế, bỗng sửng sốt đổ xô ra nhà ngoài. Bấy giờ ông Thời mới nhìn Triều, hỏi: "Sao cháu lại có cái ảnh này?". Triều bảo, hồi mẹ cháu còn sống, một lần vào bảo tàng hải quân, nhìn thấy cái ảnh này, mẹ cháu thiếu chút nữa ngã vật ra. May có cô hướng dẫn viên đỡ, không có thì mẹ cháu ngã đập đầu vào tủ kính. Khi tĩnh tâm lại, mẹ cháu nói với các cô chú trong bảo tàng, có cách gì cho mẹ con em được có tấm ảnh này thì đội ơn mấy cô chús quá. Một cô ghi lại địa chỉ nhà cháu. Thế là chỉ tuần sau bảo tàng hải quân gửi tấm ảnh chụp lại qua đường bưu điện về tận nhà cháu. Ông Thời nhìn Triều mà như nói với cả bà vợ và con gái, con dâu cùng cô cháu gái: "Ðây là anh em đơn vị tôi trên tàu không số đi chuyến ấy. Có lẽ cấp trên lường trước khó khăn, nên đồng chí Thiếu tướng Tư lệnh đã xuống tận tàu động viên trước khi rời bến".

Trước Tết Nguyên đán ba ngày, con tàu mang bí số 143 được lệnh xuất phát, với nhiệm vụ cụ thể đúng đêm Giao thừa phải cập bến Thuận Ðức, tỉnh Quảng Ngãi. Ðêm cuối năm trời tối đen như mực, nhưng khi tàu ra tới ngoài biển thì lại gặp gió mùa đông bắc tràn về, như tiếp sức cho tàu lao nhanh về hướng nam. Trời lạnh giá, nhưng anh em thủy thủ tàu vẫn thấy lòng ấm áp, vì được nhận nhiệm vụ đưa con tàu chở 38 tấn vũ khí vào chiến trường khu Năm đúng dịp đón xuân mới. Khi trời vừa hửng sáng, thuyền trưởng bỗng phát hiện ra sáu tàu chiến địch từ xa đang tiến lại. Anh phát lệnh tập trung hỏa lực, chuẩn bị chiến đấu. Chỉ giây lát, tàu 143 bị lọt giữa vòng vây bởi gần chục tàu chiến ngụy và khu trục hạm Mỹ. Cuộc đối đầu không cân sức diễn ra, một bên là con tàu nhỏ bé đang như cố thu mình lẩn tránh, một bên là những con tàu lớn, được trang bị hiện đại, đang muốn ăn tươi nuốt sống tàu 143. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, lúc này không cần giữ gìn gì nữa, tất cả các ụ vũ khí trên tàu được lột bỏ ngụy trang, gương cao nòng súng hướng về phía tàu địch nhả đạn. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co, quyết liệt, với quyết tâm đưa tàu vào được bờ, vì lúc ấy tàu chỉ còn cách bờ khoảng mười hai hải lý. Mọi người trên tàu đều bất chấp hiểm nguy. Lái trưởng bị trúng đạn, thuyền phó hàng hải điều người lên lái thay, nhưng anh nhất định không rời vị trí. Chỉ đến khi không còn sức bẻ bánh lái nữa, anh mới chịu gục ngay trên tay lái. Người lái trưởng ấy chính là anh Hệ, bố cháu đấy, Triều ơi! Ông Thời chỉ kịp nhìn Triều nói thế, là gục đầu xuống mặt bàn, hai vai ông rung lên bần bật...

Hải lẳng lặng đi lại bên bàn, kéo ghế ngồi cạnh Triều. Mải trôi theo dòng chuyện ông Thời đang kể, Triều như không biết gì, nếu như Hải không khẽ khàng ấp bàn tay lên bàn tay anh. Triều nhận ra cử chỉ dịu dàng, kín đáo ấy, khe khẽ nắm chặt bàn tay Hải đang nằm gọn trong lòng tay mình. Lát sau, ông Thời mới chậm rãi, giọng vẫn còn nghẹn lại: "Bố cháu là một chiến sĩ hải quân gan dạ, dũng cảm như thế đấy, Triều ạ!". Ông còn định nói gì nữa với Hải và Triều, bà vợ và con dâu cùng cô cháu gái. Nhưng ông lại quay sang nhìn Triều đang ngồi bên cô con gái, hỏi: "Mai anh Triều ra viện có về thăm quê, hay xuống thẳng tàu?". Triều lễ phép: "Dạ, cháu xuống thẳng tàu. Vì chuyến này cháu đi tàu chở hàng ra cho bộ đội và nhân dân huyện đảo ạ". Ông Thời nhìn con gái, bảo: "Bố có chút quà tặng anh Triều và anh em trên tàu, gọi là cái tình của người lính cựu hải quân gửi những người lính trẻ, con đi chuẩn bị, rồi đưa anh trở lại bệnh viện không muộn rồi đấy".

Lúc ấy không biết Triều có nghĩ gì về câu nói của ông Thời. Chỉ biết sau này, khi đón Hải ra bệnh viện huyện đảo, hai người được đơn vị dựng cho căn nhà, thì mỗi khi bạn bè quấn túm đông vui, Triều lại khoe với mọi người: "Chúng mình được thế này là nhờ ông bố vợ cả đấy!

Cao Năm

Nguồn:Nhân dân cuối tuần

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang