Củng cố vững chắc "thế trận lòng dân" bảo vệ biên giới

22:04 04-03-2021

Kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc và quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách vận dụng vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới (BVBG) quốc gia; đặc biệt, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16-HĐBT về việc tổ chức Ngày Biên phòng 3-3 hằng năm, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị (HTCT), toàn dân, toàn quân tham gia BVBG.

Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Ảnh: HOÀNG VĂN.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tham mưu với Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật về BVBG và xây dựng lực lượng BVBG, như: Luật Biên giới quốc gia; tổ chức Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (ANBGQG) trong tình hình mới"; Chiến lược BVBG quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam... Tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp BVBG; đồng thời thể hiện rõ quan điểm dựa vào dân, lấy dân làm gốc và sự quan tâm, chăm lo, xây dựng lực lượng BVBG toàn dân rộng khắp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) và chuyên trách của BĐBP trong quản lý, BVBG.

Tận tâm với đồng bào biên giới

Triển khai thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, BĐBP vừa phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, vừa có nhiều giải pháp xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG. Trong huy động, tập hợp, phát huy vai trò của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” BVBG, BĐBP xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những yếu tố then chốt, quyết định, phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Trên các tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) BĐBP thực hiện “3 bám, 4 cùng” để tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng, chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân trong tham gia BVBG; cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, địa bàn biên giới để chống phá cách mạng...

Lãnh đạo Bộ tư lệnh BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình trò chuyện với bà con xã biên giới Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: HOÀNG VĂN

Thực tiễn chứng minh, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức, trách nhiệm của đồng bào ở khu vực biên giới (KVBG) được nâng lên; nhân dân hiểu rõ BVBG vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi; tự giác, tích cực tham gia cùng BĐBP làm tốt công tác quản lý, BVBG. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG trong tình hình mới” phát triển sâu rộng. Nhân dân đã tự nguyện đăng ký tự quản hơn 90% đường biên giới, mốc quốc giới; thành lập hơn 3.000 tổ tàu thuyền an toàn, đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; 463 bến bãi an toàn và 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh trật tự... góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân (BPTD), thế trận BPTD vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD và an ninh nhân dân ở KVBG.

Nhằm huy động sức mạnh của cả HTCT vào sự nghiệp BVBG, Bộ tư lệnh BĐBP đã ký chương trình phối hợp với 19 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình hướng về biên giới, hải đảo, tiêu biểu như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” xây dựng hơn 7.000 căn nhà, gần 300 công trình dân sinh với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng tặng đồng bào biên giới, hải đảo; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” trao 25.024 con bò giống trị giá 375 tỷ đồng tặng các hộ nghèo; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” huy động hơn 150 tỷ đồng hỗ trợ hội viên phụ nữ KVBG phát triển kinh tế gia đình... Các hoạt động, chương trình đã huy động sự chung tay, góp sức của cả HTCT, toàn xã hội hướng về biên giới, hải đảo; kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với quân và dân nơi biên giới.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của HTCT cơ sở, BĐBP đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để tham mưu, tham gia, phối hợp với địa phương xây dựng, củng cố HTCT cơ sở KVBG từng bước vững mạnh. Từ năm 1999 đến nay, BĐBP tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ cho các xã biên giới (hiện đang tăng cường 322 đồng chí, nhiều đồng chí giữ chức danh chủ chốt của xã); giới thiệu hàng nghìn lượt đảng viên đồn biên phòng (ĐBP) tham gia sinh hoạt chi bộ các thôn, bản biên giới (hiện đang giới thiệu 2.096 đảng viên). Đặc biệt, năm 2020, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu với QUTƯ, BQP đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương tăng thêm cán bộ ĐBP tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới, hải đảo nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng ủy BĐBP đang phối hợp với các tỉnh, thành ủy biên giới hoàn chỉnh thủ tục, chỉ định 198 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, 456 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã... Hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên ĐBP đã góp phần từng bước củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTCT cơ sở; đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và tổ chức thực hiện thắng lợi ở cơ sở; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết, tiềm lực chính trị tinh thần trong BVBG.

Trước tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) ở KVBG còn nhiều khó khăn, BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, như: Phân công hơn 9.660 đảng viên ĐBP phụ trách, giúp đỡ gần 42.250 hộ gia đình phát triển kinh tế; Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi ĐBP” hằng năm nhận đỡ đầu hơn 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở KVBG, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/cháu, nhận nuôi 355 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các ĐBP; Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” với kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng mỗi năm; Chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh” tham gia phát triển giáo dục, y tế vùng biên giới... Các hoạt động này có tính nhân văn sâu sắc, là sự tri ân của BĐBP với đồng bào các dân tộc ở KVBG; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao; góp phần tăng cường đoàn kết quân-dân, xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” BVBG.

BĐBP cũng triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân; thường xuyên và định kỳ tổ chức các chương trình: Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” với các nước có chung đường biên giới và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công; Giao lưu quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia; “Kết nghĩa đồn, trạm, LLVT hai bên biên giới” và tham mưu cho địa phương triển khai Phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với lực lượng BVBG các nước láng giềng; đẩy mạnh quan hệ giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện giao lưu, giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển KT-XH; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và phương châm bảo vệ Tổ quốc nói chung, BVBG nói riêng từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Tiếp tục củng cố “vành đai nhân dân”

Thời gian tới, tình hình trên các tuyến biên giới, biển đảo dự báo vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, địa bàn biên giới để chống phá cách mạng nước ta; các vấn đề an ninh phi truyền thống đang tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng... Trước tình hình đó, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” BVBG là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính chiến lược, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả HTCT; trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phải tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho CB, CS về vị trí, ý nghĩa, nhiệm vụ, trách nhiệm của BĐBP trong tham gia xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” BVBG; mọi CB, CS nắm chắc quan điểm: BVBG phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, LLVT làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách.

Hai là, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phù hợp với tình hình trên các tuyến biên giới, diễn biến của dịch Covid-19; tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và BVBG. Kịp thời định hướng, tuyên truyền cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia dân tộc ở KVBG, lợi dụng các vụ việc phức tạp liên quan đến biên giới, tình hình dịch bệnh và tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép trốn cách ly... để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động.

Ba là, tiếp tục tham mưu với QUTƯ, BQP, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, quản lý, BVBG quốc gia, trong đó tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Chiến lược BVBG quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam... Tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG trong tình hình mới” gắn với các phong trào, cuộc vận động ở từng địa phương.

Bốn là, tiếp tục tham mưu, tham gia, phối hợp xây dựng, củng cố HTCT cơ sở vùng biên giới vững mạnh. Phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ ĐBP tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; cán bộ tăng cường xã; đảng viên ĐBP tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và phụ trách các hộ gia đình ở KVBG trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng HTTC cơ sở, phát triển KT-XH với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng nền BPTD và “thế trận lòng dân” vững mạnh ở KVBG.

Tiếp tục tham mưu, tham gia cùng địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT-XH; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng dân tộc, từng ngành nghề truyền thống ở KVBG; tham mưu, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức, bố trí dân cư ở KVBG, kết hợp phát triển KT-XH với BVBG, xây dựng “vành đai nhân dân” trên biên giới. Tiếp tục thực hiện các chương trình, mô hình hiệu quả, như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi ĐBP”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”...

Năm là, tiếp tục tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động Ngày BPTD phong phú, thiết thực, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong nhân dân, để Ngày BPTD thực sự trở thành ngày hội biểu thị ý chí, quyết tâm của đồng bào các dân tộc KVBG với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tiếp tục tham mưu cho địa phương thực hiện có hiệu quả Phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, tạo điều kiện để nhân dân hai bên biên giới giao lưu, giao thương; phát huy vai trò của toàn dân trong hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” BVBG là vấn đề mang tính chiến lược, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả HTCT, vai trò chủ thể của nhân dân, vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, BVBG; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP, AN và đối ngoại; giữa xây dựng nền BPTD, thế trận BPTD với nền QPTD, thế trận QPTD dân gắn với thế trận an ninh nhân dân BVBG.

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cung-co-vung-chac-the-tran-long-dan-bao-ve-bien-gioi-653040

Nguồn:qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang