Cùng ngư dân đưa Luật Cảnh sát biển vào cuộc sống

23:16 02-05-2022

VBĐVN.vn - Trở về sau chuyến đi biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Quỳnh, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Ðà Nẵng) lại bắt tay vào kiểm tra tình trạng tàu và ngư cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới.

Đón khách tới thăm tàu, ánh mắt ngời niềm vui, ông Quỳnh chia sẻ: “Nói mấy chú mừng cho, chuyến vừa rồi trừ chi phí, tàu tôi thu được hơn 450 triệu đồng. Vì thế, cả chủ lẫn bạn tàu ai cũng phấn khởi lắm. Hồi tháng 8 năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên làm ăn kém, đã thế, tàu lại bị sự cố hỏng máy thả trôi trong thời tiết xấu, tưởng mất cả người lẫn tàu. Thật may có các anh cảnh sát biển (CSB) ứng cứu kịp. Sau chuyến đó, tôi nản, tính bán tàu, bỏ nghề. Trong lúc khó khăn đó lại có các chú CSB đến động viên, giúp đỡ nên tôi mới ổn định tinh thần để tiếp tục nghề truyền thống của cha ông...”.

Theo ông Quỳnh, làm ăn giữa biển khơi, có sự đồng hành của các tàu CSB nên ngư dân như ông thêm vững tin, ấm lòng. Ngoài ra, nhờ sự tận tình hướng dẫn, nhắc nhở, tuyên truyền ý thức pháp luật của lực lượng CSB mà mấy năm nay, ông cùng đội đánh bắt gồm 14 tàu, thuyền luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm lãnh hải các nước lân cận. "Có lực lượng CSB giúp đỡ, hỗ trợ, kiến ngư dân rất yên tâm khi vươn khơi", ông Quỳnh bày tỏ.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp cận hỗ trợ tàu cá ngư dân làm ăn trên biển.

Trong khi đó, ngư dân Hoàng Văn Bờn (cùng ngụ tại phường Nại Hiên Đông), chủ tàu cá vỏ thép Đna90891TS cho biết, ông cảm thấy ngày càng tự tin và yên tâm hơn khi nắm chắc những kiến thức pháp luật lúc hành nghề trên biển. "Có được điều đó là nhờ tôi thường xuyên tham gia những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Vùng CSB 2 tổ chức. Những buổi tuyên truyền đó giúp ngư dân chúng tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu thêm về giá trị của biển, đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, Luật CSB, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...", ông Bờn chia sẻ.

Theo Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng CSB 2, Luật CSB Việt Nam sau gần 3 năm đi vào cuộc sống đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng CSB nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đồng hành với ngư dân vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Luật CSB Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, ngành và người dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần tự tôn dân tộc, tình yêu biển, đảo của ngư dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Để đạt được những thành quả trên, ngoài nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 còn có sự đóng góp to lớn của ngư dân và chính quyền địa phương ở vùng biển miền Trung. Ðó là nhờ lực lượng tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt thủy, hải sản hợp pháp rất lớn, các địa phương quan tâm hỗ trợ đóng nhiều loại tàu đánh bắt xa bờ; ngư dân yêu biển, quyết tâm bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi ngư dân, mỗi tàu, thuyền của ngư dân được ví như những "cột mốc sống", là "cánh tay nối dài", sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng, trong đó có CSB, kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các vấn đề về pháp luật, chủ quyền trên biển.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang