Cùng ngư dân trong chấp hành, tuân thủ pháp luật

10:27 20-01-2022

VBĐVN.vn - Có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu vươn khơi ở khắp các ngư trường từ Bắc vào Nam, tuy nhiên, TP Đà Nẵng là một trong ít những địa phương không có tàu đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Để có được những kết quả đó, chính quyền địa phương, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng đã luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

“Trang bị” kiến thức pháp luật

Những năm qua, BĐBP TP Đà Nẵng luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động ngư dân tích cực bám biển, vươn khơi, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển. Theo đó, các đồn Biên phòng đã tham mưu cho địa phương, xây dựng và duy trì các tổ tàu thuyền đoàn kết an toàn để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn và không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác, không vi phạm pháp luật khi tham gia khai thác hải sản.

Đồn Biên phòng Sơn Trà được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 4 phường ven biển gồm Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông và Phước Mỹ (quận Sơn Trà), có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất TP Đà Nẵng. Đặc biệt, trên địa bàn phường Thọ Quang có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang là nơi neo đậu, ra vào bán hải sản với hàng trăm tàu cá mỗi ngày từ các tỉnh, TP. Đồn Biên phòng Sơn Trà thường xuyên phối hợp Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng. Nội dung tuyên truyền thiết thực, không dàn trải để ngư dân dễ tập trung nắm bắt.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân quận Sơn Trà. Ảnh: Trúc Hà

Theo đó, cán bộ Biên phòng cung cấp cho ngư dân những thông tin quy định về hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp; quy định xử phạt một số lỗi thường gặp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và thẩm quyền của BĐBP theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ; chính sách của một số quốc gia có liên quan trong việc xử lý ngư dân, tàu cá nước ngoài vi phạm; tác động “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất, nhập khẩu thủy sản... Các thông tin này giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, góp phần cùng các cấp, các ngành tháo gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ông Lê Hữu Thảo, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2 (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho biết: “Ngư dân luôn ý thức về việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, qua đó, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển để lực lượng Biên phòng biết và xử lý. Tổ tàu thuyền đoàn kết không chỉ hỗ trợ, chia sẻ thông tin về ngư trường đánh bắt, mà còn giúp đỡ, tương trợ nhau khi gặp rủi ro trên biển. Được chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc cung cấp nhiều thông tin pháp luật, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Thủy sản năm 2007..., chúng tôi luôn chấp hành pháp luật khi lao động trên biển, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài. Mong rằng ngư dân các địa phương khác cũng tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”.

Đồng hành với ngư dân

Lao động trên biển, đặc biệt là ra khơi vào mùa biển động luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của ngư dân. Hiểu được điều đó, các đơn vị BĐBP TP Đà Nẵng đã tích cực, chủ động hỗ trợ ngư dân khai thác an toàn. Điều đó được thể hiện qua việc duy trì các đài trực canh thông tin 24/24 giờ. Qua việc liên lạc với các phương tiện, các đồn Biên phòng nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống trên biển.

Năm 2021, BĐBP TP Đà Nẵng đã duy trì gần 7.000 lượt liên lạc với các tàu, tiếp nhận, xử lý 83 vụ tai nạn (làm chết 13 người, 4 người mất tích, 18 người bị thương, 4 tàu bị cháy, 34 tàu bị chìm, 11 tàu hỏng máy, hư hại). Mùa mưa bão năm 2021, BĐBP TP Đà Nẵng đã hướng dẫn hàng trăm lượt phương tiện vòng tránh ra khỏi vùng nguy hiểm, sắp xếp hàng ngàn lượt tàu thuyền neo đậu tại các vị trí an toàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương tặng nhiều trang bị hỗ trợ ngư dân. Gần đây nhất, trong tháng 12-2021, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng phối hợp với Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên phường Thuận Phước (quận Hải Châu) tặng 18 tủ thuốc y tế, 80 chiếc áo phao cứu sinh đa năng; Đồn Biên phòng Phú Lộc tặng nhiều trang bị cứu hộ cá nhân gồm áo phao, áo mưa, dép, đèn pin, kính cho 15 chủ tàu; Đồn Biên phòng Sơn Trà tặng 300 cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ cho ngư dân các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà... Những trang bị trên góp phần giúp ngư dân phòng tránh thiên tai, sự cố, giảm nhẹ rủi ro khi lao động trên biển.

Ngư dân Lê Văn Kháng, trú tại tổ 38, phường Thuận Phước, quận Hải Châu chia sẻ: “Những năm qua, ngư dân luôn nhận được sự giúp đỡ của BĐBP. Nay nhận được áo phao, tôi rất vui, cảm thấy an toàn hơn cho bản thân. Các hoạt động hướng về biển, đảo là nguồn động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, tích cực cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Có thể thấy, sự đồng hành của BĐBP cùng ngư dân từ thay đổi nhận thức đến hành động chính là “bí quyết” để ngư dân Đà Nẵng phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang