“Cuộc chiến kép” trong tâm bão số 5

14:45 16-09-2021

VBĐVN.vn - Với diễn biến phức tạp và khó lường, bão số 5 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung bộ. Điều đáng nói, đây là thời gian chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố miền Trung đang phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Trước tình hình đó, những người lính Biên phòng đã nỗ lực chạy đua với thời gian để giúp người dân ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra nhưng vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP Đà Nẵng giúp người dân cứu hộ tàu bị trôi dạt. Ảnh: Trúc Hà

Nhanh chóng, chủ động

Hiện nay, bão số 5 đã gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Được dự báo là cơn bão có diễn biến phức tạp, khó lường, chính quyền các tỉnh, thành phố đều xây dựng kịch bản với tình huống cao nhất là bão đổ bộ trực tiếp để nâng cao mức cảnh báo, từ đó chuẩn bị chu đáo công tác phòng, chống bão. Không khí diễn ra hết sức khẩn trương, tất cả như chạy đua với thời gian bởi ai cũng hiểu rằng, việc chuẩn bị là yếu tố then chốt để giảm thiệt hại do bão gây ra.

UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng tiếp nhận các tàu ngoại tỉnh vào tránh bão. Mặc trời mưa tầm tã, gió giật từng hồi nhưng những người lính Biên phòng vẫn kiên trì sử dụng ca nô để hướng dẫn, sắp xếp chỗ neo đậu cho gần 200 phương tiện với hơn 1.000 lao động ngoại tỉnh. Trường hợp tàu cá QNg98436TS của ông Võ Thành Não (trú tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) khi chạy tới khu vực cửa vịnh Mân Quang thì bị nước phá, gây chìm. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà đã kêu gọi các tàu xung quanh cứu được 2 thuyền viên, tổ chức đánh dấu vị trí tàu chìm để đảm bảo lưu thông luồng lạch và phục vụ việc trục vớt sau bão.

Do ảnh hưởng của bão số 5, ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị xuất hiện mưa to khiến nhiều khu vực bị ngập, người dân bị cô lập. Tại xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa), mưa lớn làm cầu tràn trên đường từ trung tâm xã vào thôn Cù Bai, hệ thống cống tràn tại bản Sê Pu, ngầm tràn trên tuyến đường vào 2 bản Tri, Cuôi bị nước lũ cuốn trôi khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Tại khu vực biên giới xã A Ngo (huyện Đakrông), nước suối dâng cao, chảy xiết khiến nhiều ngầm tràn cũng bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Tại các vị trí này, Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập rào chắn, bố trí cán bộ trực, không để người dân đi qua cho đến khi nước lũ rút.

Trước tình hình trời mưa to, nước sông A Sáp và các suối dâng nhanh khiến diện tích lúa của nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang bước vào kỳ thu hoạch có nguy cơ mất trắng. Đối với đồng bào Pa Cô, Tà Ôi trên đỉnh Trường Sơn này, ruộng lúa là nguồn thu đáng kể nhất trong năm, bởi vậy, nếu bị ngập, cuốn trôi hoặc vùi lấp thì người dân chắc chắn sẽ thiếu đói. Hiểu rõ điều này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế đã “đội mưa” gặt lúa giúp người dân trên địa bàn.

Trong quá trình kiểm tra các điểm xung yếu tại xã Hương Phong, huyện A Lưới, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã phát hiện 5 người dân đi làm nương bị mắc kẹt lại bên kia sông A Sáp do nước dâng cao. Sau 2 giờ vật lộn với nước lớn, tổ công tác và lực lượng chức năng đã đưa được người bị mắc kẹt qua sông an toàn.

Đảm bảo thành quả phòng, chống dịch Covid-19

Thời điểm bão số 5 đổ bộ vào đất liền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng đang “căng mình” chống dịch Covid-19, bởi vậy, yêu cầu phòng, chống dịch được đặt song song với nhiệm vụ phòng, chống bão. Theo đó, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng đã sớm xây dựng kế hoạch di dời người dân tại “vùng đỏ”, khu phong tỏa và cách ly y tế để tránh bị động, bất ngờ. Ban quản lý các cảng cá, âu thuyền chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch khi các phương tiện vào tránh trú bão.

Tại âu thuyền Thọ Quang, các phương tiện ngoại tỉnh được bố trí neo đậu tại khu riêng biệt, các thuyền viên tự cách ly trên tàu và được yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc “5K”. Lực lượng y tế tổ chức test nhanh và đưa vào nhà quản lý của âu thuyền và Trạm thông tin của Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng nếu bão đổ bộ trực tiếp. Tại buổi kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Quản, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đánh giá cao năng lực của BĐBP và Ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang trong việc tổ chức công tác phòng, chống bão. Các hoạt động được tiến hành bài bản, nhanh chóng và luôn quan tâm tới lợi ích của ngư dân. Tại các tỉnh đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 như Quảng Trị, Quảng Nam… thì yêu cầu “bảo vệ thành quả của công tác phòng, chống dịch” khi có bão lại càng ở mức cao hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp người dân thôn Ba Lạch, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới thu hoạch lúa trước khi bão số 5 vào đất liền. Ảnh: Võ Tiến

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết, trước, trong và sau bão, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, thường xuyên kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị quan tâm hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái, khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. “Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra nhưng các đơn vị phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, bảo vệ các “vùng xanh” - Đại tá Lê Văn Phương nhấn mạnh.

Bão số 5 là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung trong năm 2021 và được coi là “cuộc tập dượt” cho phương án phòng, chống bão trong điều kiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung đã có thêm bài học kinh nghiệm để sẵn sàng cho mùa mưa bão được dự báo sẽ còn rất khắc nghiệt.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang