Đặc khu Phú Quý - động lực phát triển kinh tế biển và du lịch

07:42 03-07-2025

VBĐVN.vn - Từ ngày 1/7/2025, Phú Quý chính thức trở thành đặc khu duy nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Huyện đảo Phú Quý trở thành đặc khu Phú Quý và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7.

Việc thành lập đặc khu mở ra giai đoạn phát triển mới trong công tác điều hành, tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyên nghiệp hơn, phục vụ người dân hiệu quả hơn. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, tạo niềm tin và kỳ vọng lớn trong nhân dân về một tương lai phát triển bền vững của đảo.

Đặc khu Phú Quý được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại xã Ngũ Phụng. Đặc khu có diện tích tự nhiên 18 km², dân số khoảng 32.000 người, nằm cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120 km) về hướng Đông Nam. Phú Quý có vị trí chiến lược quan trọng trên Biển Đông và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, du lịch.

Người dân kỳ vọng khi trở thành đặc khu, Phú Quý sẽ có cơ chế quản lý riêng, tạo động lực khai thác hiệu quả thế mạnh về du lịch và kinh tế biển. Anh Lê Minh Sướng, người dân đảo Phú Quý bày tỏ mong muốn sớm có chính sách đặc thù để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn; đồng thời đề nghị Trung ương và địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo.

Ngay trong những ngày đầu đi vào hoạt động, Trung tâm hành chính công đặc khu Phú Quý đã vận hành hiệu quả, được người dân đánh giá cao. Ông Trần Huỳnh (xã Long Hải) chia sẻ: “Tôi thấy cán bộ làm việc rất chuyên nghiệp, tiếp dân niềm nở, giải quyết thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Mong chính quyền duy trì phong cách làm việc như vậy để phục vụ tốt hơn cho người dân”.

Ông Võ Văn Vâng (xã Ngũ Phụng) cho biết: “Thủ tục liên quan đến giấy tờ nhà đất được giải quyết nhanh gọn, hiệu quả. Việc này tạo thuận lợi rất lớn cho phát triển của đặc khu Phú Quý”.

Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý, chính quyền đã chủ động chuẩn bị từ tháng 6, hoàn thiện cơ sở vật chất, lựa chọn cán bộ đủ năng lực, đảm bảo khi đặc khu vận hành sẽ hoạt động thông suốt, phục vụ tốt người dân. Mô hình chính quyền đặc khu cho phép cấp xã trực tiếp giải quyết công việc, lắng nghe và xử lý kịp thời các phản ánh, nhất là liên quan đến tài nguyên, môi trường.

Thế mạnh kinh tế biển của Phú Quý tiếp tục được khẳng định với các ngành chủ lực như khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản xuất khẩu. Các ngành này đang mang lại giá trị gia tăng cao, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương. Song song với kinh tế biển, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai. Phú Quý có hệ sinh thái biển phong phú, cảnh quan hoang sơ, bãi cát trắng mịn, rạn san hô nguyên sơ và đời sống văn hóa ngư dân đặc sắc, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Với việc đặc khu chính thức đi vào hoạt động, người dân và chính quyền Phú Quý đặt nhiều kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bền vững, nâng cao đời sống người dân vùng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Nguyễn Thanh (TTXVN)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang