Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
VBĐVN.vn - Đại tướng Phùng Quang Thanh, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (Khóa X, XI), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người có nhiều công lao đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên chính quy, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã nhiều lần đến thăm, động viên và giành nhiều tình cảm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói chung và quân dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 nói riêng.
Tháng 4-2002, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Phùng Quang Thanh (cuối năm thủ trưởng là Thượng tướng) đã ra thăm, kiểm tra, động viên bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Với cương vị là người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Phùng Quang Thanh đã tìm hiểu tỷ mỉ về công tác huấn luyện SSCĐ, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đời sống, sinh hoạt của bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Trực tiếp kiểm tra từng hầm hào, công sự và công tác SSCĐ, bắn đạn thật trên đảo; chứng kiến bộ đội huấn luyện thực binh..., đồng chí Tổng Tham mưu trưởng rất xúc động trước sự nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền của bộ đội Trường Sa với tinh thần “còn người là còn biển, đảo”.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo đồng chí căn dặn: “Chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, là tất cả; mất chủ quyền biển, đảo cũng đồng nghĩa với mất đi một phần máu thịt, hương hỏa của ông cha ta để lại, như thế là chúng ta có tội với tổ tiên, lịch sử dân tộc... Do đó, các đồng chí phải luôn cảnh giác, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các đảo, nhà giàn luôn là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển...”.
Sau chuyến đi, Trung tướng Phùng Quang Thanh đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu đề xuất với để Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp chiến lược nâng cao sức mạnh, khả năng SSCĐ cho các đảo trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, tạo thế đứng chân vững chắc, thực sự là những chốt tiền tiêu chiến lược của Tổ quốc.
Trước những khó khăn về đời sống, sinh hoạt của bộ đội trên đảo và nhà giàn, đồng chí Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo củng cố nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt của bộ đội; đầu tư, qui hoạch lại một số đảo, xây thêm các bể chứa nước mưa, khu tăng gia, tăng khẩu phần ăn cho bộ đội....
Trước sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sâu sát của Tổng Tham mưu trưởng đối với Trường Sa, DK1, Quân chủng đã đẩy mạnh tuyên truyền biển, đảo thu hút các nguồn lực, nhất là các địa phương, doanh nghiệp chung tay ủng hộ. Nhờ đó, Trường Sa, DK1 từng bước đổi thay. Các trạm phát sóng điện thoại, intenet, hệ thống năng lượng mặt trời, các công trình văn hóa do các đơn vị, địa phương tài trợ; các công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế như âu tàu, làng chài... được đầu tư đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân dân Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Từ năm 2006, trên cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhiều lần đến thăm, làm việc với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân; thăm, kiểm tra, nắm tình hình các đơn vị Hải quân ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu, vùng sâu, vùng xa như Vùng 4, Trường Sa, Vùng 5 (Phú Quốc)...
Qua các chuyến thăm, làm việc ấy, với tầm nhìn và tư duy nhạy bén của một cán bộ dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đồng chí Phùng Quang Thanh nhận thấy tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nước ngoài có những động thái mới... nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới và rất khẩn trương, do đó phải sớm đầu tư hiện đại hóa Hải quân Nhân dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; đồng thời điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”...
Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư, mua sắm các VKTBKT hiện đại, đặt nền móng xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại từ năm 2010.
Nhiều lực lượng mới, hiện đại như: Tàu ngầm, tên lửa bờ, không quân hải quân... phát triển, lớn mạnh trong những năm qua đều có dấu ấn đặc biệt về sự quan tâm, động viên, chăm lo của Đại tướng. Đến thăm Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân NDVN (tháng 5-2015), Đại tướng căn dặn: “Hải quân phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình; bình tĩnh, nhạy bén, đánh giá, dự báo chính xác để đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước các tình huống trên biển để đất nước không bị bất ngờ, không để nước ngoài tạo cớ gây xung đột... Chúng ta có vũ khí hiện đại không phải để đi xâm lược nước khác mà để tự vệ, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...”
Thấu hiểu nhiều phương tiện tàu chất lượng còn hạn chế hoặc cũ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, Đại tướng đã đồng ý với đề xuất của Quân chủng Hải quân về đóng mới các tàu chở quân, tàu quân y chuyên dụng, tàu đo đạc nghiên cứu biển, tàu cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu... Nên từ năm 2012, Quân chủng có các tàu vận tải, tàu bệnh viện hiện đại, tiện nghi bảo đảm việc chở quân, phục vụ cho nhiệm vụ đưa các đoàn công tác ra thăm, kiểm tra, khám chữa bệnh cho quân dân Trường Sa, DK1; đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển...
Trong số các lực lượng mới của Quân chủng Hải quân, Đại tướng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Lữ đoàn Tàu ngầm 189. Đến thăm, động viên Kíp tàu ngầm số 1 trước khi sang Liên bang Nga học tập ngày 26-2-2011 tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại tướng căn dặn: “Các đồng chí phải nỗ lực học tập thật tốt để khai thác, làm chủ thế hệ tàu ngầm rất hiện đại mà tới đây chúng ta sẽ có. Đây là VKTB hiện đại nên quá trình học tập sẽ rất vất vả. Các đồng chí phải thật cố gắng mới tiếp thu được kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu; nhất là ý thức tổ chức kỷ luật phải nghiêm, phải luôn đoàn kết, thấy rõ niềm tự hào, vinh dự là quân nhân ưu tú của Quân đội và Hải quân Nhân dân Việt Nam được lựa chọn sang học tập tại nước bạn...”.
Mỗi lần đến thăm, kiểm tra các đơn vị ở khu vực Cam Ranh, đồng chí luôn giành nhiều thời gian đến với bộ đội tàu ngầm. Ngoài việc quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt của bộ đội tàu ngầm, Đại tướng luôn căn dặn bộ đội tàu ngầm phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, huấn luyện, khai thác làm chủ tàu ngầm, bảo đảm an toàn tuyệt đối đồng thời phải có ý thức giữ gìn, bảo quản tàu thật tốt để sử dụng lâu dài. Cán bộ, thủy thủ phải luôn đoàn kết, chia sẻ thương yêu nhau như anh em một nhà, thường xuyên tích lũy kiến thức mới; phải rất khiêm tốn, không được có biểu hiện kiêu binh...
Trong giai đoạn xây dựng Quân chủng chính qui, hiện đại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù, bảo đảm kinh phí ngân sách cho các nhiệm vụ... Qua các chuyến thăm, kiểm tra các đơn vị, với tác phong sâu sát đơn vị cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến bộ đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã quan tâm, chỉ đạo, có những quyết sách kịp thời để Quân chủng Hải quân từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2011, cán bộ, chiến sĩ công tác ở Căn cứ Cam Ranh được hưởng phụ cấp; các chế độ đặc thù của lực lượng mới như Tàu ngầm, Không quân Hải quân... trong phạm vi quyền hạn của Bộ Quốc phòng đều được đồng chí ban hành kịp thời, tạo điều kiện để bộ đội yên tâm công tác, cống hiến, gắn bó với biển, đảo. Một số cán bộ, QNCN ở đơn vị Tàu ngầm, Không quân Hải quân; các đối tượng chính sách có vợ con ở ngoài Bắc đã được Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho tuyển dụng vào làm việc các đơn vị tại Cam Ranh để hợp lý hóa gia đình.
Phong cách giản dị, luôn gần gũi, quan tâm và thương yêu cán bộ, chiến sĩ là điều mọi người đều cảm nhận được khi tiếp xúc với Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Xuất phát từ vị trí địa chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của vịnh Cam Ranh, qua nhiều lần khảo sát, nắm tình hình thực tế, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đồng ý với đề xuất của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân về việc đầu tư xây dựng Căn cứ Cam Ranh trở thành một căn cứ liên hợp, hiện đại.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Phùng Quang Thanh, từ năm 2011, Căn cứ quân sự Cam Ranh được đầu tư xây dựng với nhiều công trình qui mô, hiện đại, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân trong thời kỳ mới. Nhà máy X52, Khu đô thị căn cứ, doanh trại của lực lượng tàu ngầm, tàu mặt nước... đều là những công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực. Cảng Quốc tế Cam Ranh đang là điểm đến tin cậy của tàu hải quân các nước trên thế giới, góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng của Quân đội và Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh còn quan tâm đến các đơn vị Hải quân ở vùng sâu, vùng xa, các đài, trạm ra đa... Chứng kiến điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 (Phú Quốc) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Đại tướng đã chỉ đạo, cân đối, tiết kiệm các nguồn chi khác để ưu tiên đầu tư xây dựng cơ quan Bộ tư lệnh Vùng và các đơn vị trực thuộc; đồng ý giải quyết các chính sách đặc thù, nhà ở, đất ở, giảm bớt khó khăn cho quân nhân nơi đây.
Trước sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Đại tướng Phùng Quang Thanh dành cho Quân chủng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; xây dựng Quân chủng phát triển theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám bám biển, phát triển kinh tế biển; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo baohaiquan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận