Dành cả đời cho những con tàu đi giữ chủ quyền biển, đảo
VBĐVN.vn - Trong ngôi nhà của ngư dân Trà Chí Thu (sinh năm 1951) ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên treo khá nhiều Giấy khen, trong đó có Giấy khen của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên tặng ông vì thành tích tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhưng tôi lại đi ngược dòng xa hơn, hỏi về cuộc đời bám biển của ông để tới bây giờ, ông trở thành “hình tượng bám biển” của người dân vạn chài nơi đây.
Đầu tư, kế nghiệp
Tại cảng cá Phú Lạc, dù chỉ là một con lạch hẹp giống như được con người đào đắp, không có bến bãi rộng bát ngát và được thiên nhiên ưu đãi như các cửa biển ở Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, nhưng các tàu cá ở cửa biển này thực sự đáng nể ở thành tích đánh bắt và tầm vóc vươn khơi. Những ngư dân trên các con tàu hiện đại, mỗi năm bạn chài đi cùng có thu nhập cao nhất trong số này là trên 120 triệu đồng/người. Vậy nhưng họ vẫn nói “biết sự tích nghề biển và phát triển bây giờ, về Hòa Hiệp Trung hỏi ngư dân Trà Chí Thu thì mới rõ”.
Ở các làng biển miền Trung, nơi nào có đội tàu cá hiện tại phát triển thì lùi lại quá khứ đều do một số ngư dân giỏi, giống như “ngọn đuốc” dẫn đầu để ngư dân theo đó mà vươn khơi. Ở vùng biển này có vài “ngọn đuốc” như vậy, trong đó có ngư dân Trà Chí Thu, hiện nay là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa. Ông Thu cười và nói, còn nhiều ngư dân thời đó còn giỏi hơn ông.
Ông Trà Chí Thu tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang đang được xây dựng và gật đầu khi nói về chuyện thuở ban đầu cứ kiên nhẫn mãi rồi tới lúc thành công, từ chỗ đi đánh cá bằng 30 tấm lưới, hiện nay là 130 tấm lưới. Ông Thu đúc kết về bản thân là “đi biển thì có bao nhiêu vàng bạc là cứ đưa hết xuống biển, sắm lưới, mua tàu tái đầu tư. Cứ như vậy thì ngư dân mới không bị tụt hậu và đời cha hết làm biển thì chuyển lại cho đời con”.
Ông Thu kể chuyện và thỉnh thoảng lại hỏi thăm tin tức 2 con tàu lớn của gia đình do 4 người con trai cầm lái đang bám biển ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đó là tàu PY95869TS và tàu PY95979TS.
Tàu gỗ lim
Đi dọc vùng biển miền Trung, dễ nhận ra ở một số làng biển từng có những ngư dân nổi tiếng, nhưng sau đó sớm lùi vào dĩ vãng do không có bài toán đầu tư và kế nghiệp như ông Trà Chí Thu. Ở thị xã Đông Hòa, điều đầu tiên mà ngư dân nhắc tới ông là “ổng dám bung hết tiền, đi vay mượn thêm để đóng con tàu có sườn bằng gỗ lim”. Ban đầu nghe có vẻ khó tin, vì đây là loại gỗ có giá thành đắt đỏ, nhưng khi đóng lên tàu thì trở thành con tàu có độ bền bỉ, ngư dân có thể đồng hành với con tàu đó tới hết cuộc đời đi biển.
Ông Trà Chí Thu cười khà khà, khuôn mặt ánh lên đường nét của một người chịu chơi và ông khoát tay bảo, “người ta nói đúng đó; gỗ lim và toàn là lim làm khung xương cho tàu”. Ông Thu cho biết, ở miền Trung, ngư dân đóng tàu thì có 2 lựa chọn là tới xưởng đặt đóng, hoặc tự đi kéo gỗ về và thuê thợ. Ông Thu vốn nổi tiếng là người quyết chí phát triển nghề biển nên chọn phương án tự đi mua gỗ tốt về đóng tàu. Ông nói với mọi người là “đóng tàu tốt thì mới đánh bắt xa bờ an toàn, vươn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để giữ gìn chủ quyền lãnh hải”.
Khi đóng tàu, hệ thống nâng đỡ ván tàu ốp vào trông giống như xương sườn được gọi là giang đà. Ông Thu đã đi lùng mua gỗ lim tốt và bắt đầu hành trình ròng rã đóng chiếc tàu dài hơn 21 mét. Gỗ lim quá tốt nên những loại cưa tay khi cắt thử thì lưỡi cưa nóng ran và bốc khói, khối gỗ cứ trơ ra như cục sắt. Các ngư dân gật đầu bảo, “thú dữ đó, loại này đi biển 50 năm không hề hấn gì, khi ván ngoài cũ thì có thể tháo ra thay, nhưng khung sườn tốt thì tàu sẽ sử dụng được mãi. Khi ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thì ngư dân đi bạn ai cũng yên tâm”. Chiếc tàu này có tổng đầu tư lên đến gần 11 tỷ đồng, riêng phần gỗ trên tàu là gần 2 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống động lực như máy tàu, máy phát điện đều được gia đình ông đầu tư máy mới 100%.
Bài toán liên kết
Ông Trà Chí Thu hiện nay là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Hòa Hiệp Trung luôn gương mẫu, đi đầu trong xây dựng các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển, phát huy ý thức trách nhiệm của ngư dân vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 2 chiếc tàu của gia đình ông Thu đã liên kết với các tàu cá khác để hình thành một đội 13 tàu cá với gần 100 ngư dân. Hằng ngày bám biển, các ngư dân thường xuyên nắm bắt tình hình và thông báo kịp thời cho BĐBP xử lý các vụ việc phát sinh trên biển.
Ông Thu cho biết, để phát huy được vai trò các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển thì trước tiên phải đảm bảo đánh bắt, khai thác hải sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì làm ăn có hiệu quả thì ngư dân mới nhiệt tình vươn khơi, bám biển.
Những năm trước đây, các mô hình tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển do BĐBP xây dựng, nhưng sau nhiều năm, các ngư dân tự định hình lại các tổ này, vì nếu tàu cá trong tổ thì phải đánh bắt cùng nghề nghiệp, đồng lòng trong việc san sẻ thông tin về luồng cá đối với các tàu đánh cá khác. Ông Thu thống kê, hiện nay có rất nhiều tổ tàu thuyền đoàn kết và mỗi tổ có từ 8 đến 13 tàu đánh cá, liên kết làm ăn rất hiệu quả.
Ông Thu ngồi điểm lại, cả đời mình đã trải qua 5 con tàu, từ chiếc thuyền có lườn lót bằng mê nan dài 8 mét được cha ông giao cho vào năm 1973 và trước khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới 1986, ông đã nâng cấp con tàu đầu tiên được đóng bằng gỗ hoàn toàn, dài 12 mét. Thời gian trôi qua, ông liên tục hoán đổi tàu lớn hơn, sau đó phải đánh bắt thành công để trở thành “ngọn đuốc” dẫn dắt cho ngư dân dám đầu tư tàu lớn, vươn khơi, làm giàu và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận