Đánh giá tải lượng chất thải trong nuôi biển để phát triển bền vững

10:50 13-12-2023

VBĐVN.vn - Việc đánh giá tải lượng chất thải trong nuôi biển là giải pháp cần thiết và quan trọng để làm căn cứ xác định mật độ lồng nuôi phù hợp, tránh ô nhiễm môi trường.

Các nhà khoa học Viện III bố trí thí nghiệm nuôi cá chẽm để xác định tải lượng chất thải trong quá trình nuôi biển. Ảnh: KS.

Cần thiết xác định tải lượng chất thải trong nuôi biển

Nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg, ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đề án đặt mục tiêu xác định phát triển nuôi biển phải trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…

Với bờ biển dài, nhiều đầm vịnh, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đã tận dụng tiềm năng vốn có để phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển khá mạnh. Các đối tượng nuôi chính gồm cá biển các loại (chá chẽm, cá chim vây vàng, cá bớp…) và tôm hùm (tôm hùm xanh, tôm hùm bông, tôm hùm tre…) với hình thức nuôi chủ yếu bằng lồng, bè kiểu truyền thống.

Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển) ở Nam Trung bộ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, mà góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản các địa phương có biển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển phát sinh một lượng chất thải, góp phần làm cho chất lượng môi trường vùng nuôi biển suy giảm ở các vũng vịnh kín gió, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin lượng hóa cho hoạt động này.

Mô hình thí nghiệm được bố trí 3 nghiệm thức được lặp lại 3 lần xác định nguồn chất thải ở dạng hòa tan và dạng không hòa tan. Ảnh: KS.

Theo kết quả quan trắc môi trường hàng năm tại một số tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) cho thấy, vùng nuôi lồng tôm hùm trên biển ở vịnh Xuân Đài, vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh có nhiều thông số quan trắc định kỳ vượt ngưỡng giới hạn cho phép ở một số thời điểm trong năm như hàm lượng a mô ni, ni trít, ni trát, phốt phát, nhu cầu oxy hóa học, mật độ coliform, vibrio,... trong mẫu nước ven bờ và khu nuôi tôm hùm lồng.

Trước thực trạng trên, nhằm xây dựng cơ sở khoa học, thu thập dữ liệu về nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển tại khu vực Nam Trung bộ, từ đó đề xuất giải pháp quản lý, Bộ NN-PTNT giao Viện III chủ trì thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2023 - 2025.

Bắt tay nghiên cứu lượng thải từ nuôi cá chẽm

Cá chẽm hay còn gọi cá vược hiện chiếm một phần quan trọng trong sản lượng nuôi trồng thủy sản trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Chúng có thể sống cả ở biển và nước ngọt, dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, giá trị dinh dưỡng cao nên đang được quan tâm đưa vào nuôi biển theo quy mô công nghiệp.

Vì vậy, cá chẽm cùng với 2 đối tượng khác có giá trị kinh tế gồm tôm hùm, hàu được Viện III thực hiện để xác định tải lượng chất thải khi nuôi lồng trên biển. Trong năm 2023, các nhà khoa học Viện III đã bố trí thí nghiệm nuôi cá chẽm để xác định tải lượng chất thải từ các hoạt động nuôi biển. Mô hình được triển khai theo dõi gồm 2 giai đoạn gồm: (1) giai đoạn ương cá giống và (2) giai đoạn nuôi thương phẩm trong bể composite để đánh giá tải lượng chất thải ở từng giai đoạn nuôi.

Hàng ngày, nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các yếu tố môi trường. Ảnh: KS.

Dẫn chúng tôi tham quan, Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (đơn vị trực thuộc Viện III) là người chủ trì thực hiện nhiệm vụ này cho biết, mỗi giai đoạn được bố trí các nghiệm thức (mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần) gồm nuôi theo kiểu truyền thống, cho ăn bằng thức ăn tươi, là các loài cá tạp; nuôi theo kiểu công nghiệp, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hiện có trên thị trường; và một nghiệm thức gồm 3 bể không thả cá chẽm trong bể để làm đối chứng.

Hàng ngày, nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các yếu tố môi trường nước cơ bản như nhiệt độ, pH, DO, độ mặn… đồng thời thu nhập lượng phân thải ra, cũng như nguồn thức ăn dư để có thể tính toán lượng thải theo từng thời gian nhất định.

Theo Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Trâm, để tính toán tổng lượng thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển nhóm nghiên cứu tính toán từ 2 nguồn thải chính. Một là, nguồn chất thải ở dạng hòa tan được tính toán thông qua các thông số chủ yếu là tổng ni tơ và tổng phốt pho. Hai là, nguồn chất thải hữu cơ ở dạng không hòa tan được tính từ lượng thức ăn dư và phân của cá thải ra.

“Hiện nay thí nghiệm đã triển khai gần 2 tháng, tỷ lệ cá sống cao. Chúng tôi cũng có số liệu nhất định để có thể bước đầu tiến hành đánh giá được tải lượng thải từ hoạt động nuôi cá chẽm trong điều kiện thí nghiệm”, Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Trâm chia sẻ.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện III cho biết, việc đánh giá nguồn thải và lượng chất thải trong nuôi trồng thủy sản trên biển được cho là giải pháp cần thiết và quan trọng, để làm căn cứ xác định mật độ nuôi, mật độ lồng nuôi phù hợp nhằm tránh quá sức tải môi trường vùng nuôi. Đây là nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao cho Viện III trong năm 2023.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, mục tiêu chính của nhiệm vụ này là nhóm nghiên cứu phải đánh giá được hiện trạng chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; xác định được nguồn thải, lượng chất thải trong nuôi thủy sản trên biển với các đối tượng khác nhau. Từ đó, đề xuất giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý phục vụ nuôi trồng thủy sản biển bền vững.

“Khi có giải pháp về kỹ thuật và quản lý để giảm được tải lượng thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản biển, đó cũng là góp phần đưa ngành nuôi biển phát triển một cách bền vững”, PGS.TS Võ Văn Nha nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, trong những tháng cuối năm 2023, nhóm nghiên cứu của Viện III đã thực hiện công việc đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ hoạt động nuôi cá chẽm trong hệ thống thí nghiệm, sử dụng các loại thức ăn khác nhau, tương ứng với kiểu nuôi truyền thống và nuôi công nghiệp hiện nay. Từ đó, tính toán được tải lượng chất thải hữu cơ ở dạng không hòa tan và tải lượng chất thải ở dạng hòa tan trong quá trình nuôi. Đây cũng là cơ sở để nhóm nghiên cứu tính toán được lượng thải cho hệ thống nuôi lồng bè trên biển hiện nay và cùng với những nghiên cứu khác nữa, tính toán khả năng chịu tải của một vùng biển cụ thể.

Kim Sơ - Phương Chi (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang