Đánh thức “mặt tiền” Biển Đông Bài 5: Đẹp giàu nhờ lấn biển - kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam
VBĐVN.vn - Để đánh thức "mặt tiền Biển Đông", một trong những việc cần làm là khai thác tối đa thế mạnh các vùng bờ biển, ven biển. Trong đó, việc lựa chọn lấn biển ở một số khu vực khả thi để hình thành các khu đô thị, khu kinh tế biển sầm uất là cách làm hiệu quả đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử đã tìm hiểu, biên dịch, ghi chép một số kinh nghiệm từ báo chí quốc tế có thể gợi mở nhiều bài học hữu ích cho Việt Nam.
Hà Lan - ví dụ điển hình
Nói về lịch sử lấn biển, cái tên đầu tiên cần được nhắc đến chính là Hà Lan. Quốc gia ở phía tây bắc châu Âu này được biết đến như một đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Khoảng 26% diện tích lãnh thổ của Hà Lan ở thấp hơn mực nước biển, vì thế mà người Hà Lan đặt tên quốc gia mình là Nederland, nghĩa là “vùng đất thấp”.
Diện tích Hà Lan rất nhỏ (gần 42.000km2) và dân số khoảng 17,4 triệu người cho nên đất là một tài sản vô cùng quý giá. Khoảng 21% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất “ở dưới mặt biển” ấy. Phần lớn diện tích đất ở Hà Lan hiện nay đều là vùng đất lấn biển.
Lịch sử của Hà Lan từ bao thế kỷ vẫn gắn liền với lịch sử chống lại lũ lụt và bồi đất lấn biển. Người Hà Lan đã nỗ lực giành đất từ biển và cải tạo đất bằng cách xây dựng những tuyến đê nhằm ngăn nước biển và tạo nên những vùng đất cao ráo có thể sinh sống và trồng trọt.
Người Hà Lan từ lâu nổi tiếng với câu nói “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”, thể hiện một niềm tự hào to lớn về những kỳ công xây dựng ngăn giặc nước, lấn biển đáng kinh ngạc. Vì thế, ngoài hình ảnh là xứ sở hoa tulip và đất nước của cối xay gió, Hà Lan còn được biết đến là một quốc gia đã lập nên kỳ tích đắp đê lấn biển hàng đầu thế giới.
Những công trình tầm cỡ
Một trong những nơi mà du khách nước ngoài rất muốn đến tham quan và tìm hiểu về kỳ tích lấn biển ở Hà Lan là Volendam, một thị trấn nằm bên bờ Biển Bắc, nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ vào các tuyến đê biển và những giá trị văn hóa, lịch sử mà 22.000 cư dân nơi đây còn bảo lưu được. Xa xưa, Volendam là vùng đầm lầy ven biển. Những con đê đầu tiên được xây dựng cao khoảng 1-2m tuy giúp tránh được tình trạng ngập lụt hằng năm nhưng cũng biến Volendam thành “ốc đảo” chật chội, không thể đáp ứng nhu cầu đất đai để ở và canh tác khi dân số ngày càng tăng lên. Thay vì nâng cao đê cũ, từ năm 1927 đến 1932, Hà Lan xây dựng đê mới Afsluitdijk dài 32km, rộng 90m, cao hơn 7m ngăn biển với hồ Ljmeer, tạo ra những chỗ trống cho nước dâng tự nhiên. Những khoảng trống này rất quan trọng, vừa làm giảm sức mạnh của dòng nước dẫn đến giảm bớt thiệt hại do lũ lụt, vừa có thể lợi dụng lớp trầm tích bồi lắng lâu ngày để cải tạo thành đất đai canh tác. Mực nước biển ngoài đê cao hơn mặt bằng các khu dân cư ở trong đê khoảng 5m.
Trong khi đó, Nhật Bản lại có một kiểu “đảo sân bay” nhân tạo độc đáo và đầu tiên trên thế giới, đó là sân bay Kansai thuộc thành phố Osaka. Ý tưởng về sân bay mới trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000m và rộng hơn 1.200m ra đời từ thập niên 1980. Dự án chính thức khởi công vào năm 1987, cách bờ khoảng 5km. Đội ngũ kỹ sư khởi công dự án bằng cách đào 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48.000 khối bê tông, mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu mét khối đất lấy từ ba ngọn núi được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30m. Năm 2007, một đảo nhân tạo thứ hai đi vào hoạt động để giảm tác động của máy bay lên đường băng và nhà ga số 1. Đảo nhân tạo này có đường băng dài 4.000m và nhà ga số 2. Bên cạnh những thành tựu đáng ngưỡng mộ về kiến trúc và kỹ thuật, sân bay Kansai còn là một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Á. Bên cạnh đó, sân bay còn sử dụng các phương tiện chạy bằng khí hydro, áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải.
Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5km2 ở thập niên 1960 lên 697,25km2 ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100km2 nữa đến năm 2030. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands mở cửa vào ngày 27-4-2010 được xây trên diện tích lấn biển với lượng cát được đổ từ những năm 1970. Đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, toạ lạc bên bờ vịnh Marina, gồm 3 tòa tháp cao 55 tầng với 2.590 phòng, 1 khu triển lãm và hội thảo rộng 120.000m2, khu trung tâm mua sắm với 300 cửa hàng và một sòng bạc siêu hiện đại có diện tích 15.000m2, bể bơi vô cực trên sân thượng có thể ngắm toàn cảnh thành phố.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng có 2 công trình lấn biển nổi tiếng là Palm Jumeirah và Deira Islands ở Dubai. Palm Jumeirah có hình dáng giống một cây cọ với thân vây và 17 cành. Khu tổ hợp này được bao quanh bởi một hòn đảo hình lưỡi liềm dài gần 11km. Đây là nơi có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng xa xỉ. Dự án này được khởi công vào năm 2001 bởi công ty Nakheel Properties. Công trình này có hơn 60km bãi biển, tiêu tốn 12,3 tỷ USD và 7 năm để hoàn thành. Trong khi đó, Deira Islands là dự án có quy mô lớn gấp 8 lần Palm Jumeirah, được giới thiệu vào năm 2004. Tuy nhiên, tới năm 2013, chủ đầu tư Nakheel Properties đã chuyển sang xây dựng 4 hòn đảo nhân tạo nhỏ hơn thay vì một đảo lớn. Hai trong 4 hòn đảo của dự án dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng vào năm 2020 và có ít nhất 250.000 người đến sinh sống. Dự án bổ sung thêm 21km vào đường bờ biển của UAE.
Khởi công vào năm 2002, Quận Kinh doanh Quốc tế (IBD) là dự án được xây trên đất lấn biển tại Songdo, Hàn Quốc với tổng diện tích 9,29km2. Dự án được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2020 với vốn đầu tư 40 tỷ USD, với cơ sở hạ tầng giao thông ưu tiên dành cho xe bus, tàu điện ngầm, xe đạp... nhằm loại bỏ nhu cầu sử dụng ôtô riêng của cư dân. Khoảng 40% diện tích được bao phủ cây xanh nhằm khuyến khích cư dân đi bộ. Một điểm đặc biệt nữa của IBD là ở đây không có xe tải chở rác. Thay vào đó, hệ thống ống khí nén sẽ hút rác từ các tòa nhà chung cư tới thẳng hệ thống xử lý rác thải trung tâm chỉ trong vài giây - nơi chúng được tái chế. Đến nay mới chỉ có khoảng 70.000 người làm việc tại Songdo, ít hơn nhiều so với mục tiêu 300.000 người của chính quyền thành phố này. Vì vậy, hiện giờ vẫn là quá sớm để nói liệu Songdo có trở thành một đô thị thịnh vượng hay không.
Về phần mình, Monaco, quốc gia độc lập nhỏ thứ hai thế giới (sau Vatican), đang trong quá trình triển khai một dự án khu đô thị lấn biển rộng khoảng 15ha ở phía đông nước này. Dự án chưa được đặt tên này được thai nghén từ năm 2006 và được khởi xướng bởi Hoàng tử Monaco Albert II. Nó bao gồm nhiều khu căn hộ và khách sạn cao cấp, khu văn phòng làm việc, các công trình phúc lợi xã hội, công viên và một khu sinh hoạt văn hóa đặc sắc có thể sánh ngang với nhà hát con sò ở Sydney (Australia) hay viện bảo tàng Guggenheim tại Bilbao (Tây Ban Nha). Monaco dự kiến bỏ ra khoảng 8 tỷ Euro và huy động 5 kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker (“Nobel” kiến trúc) như Frank Gehry, Rem Koolhaas, Daniel Libeskind… để thiết kế cho khu đô thị mới của mình. Đáng nói, với 1/5 lãnh thổ là đất lấn biển và chỉ có 20% dân số trong tổng số 32.000 cư dân là người bản địa, Monaco đang lên cơn sốt về xây dựng và các công trình lấn biển.
Bài học và gợi mở cho Việt Nam
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Trên thế giới đã có nhiều quốc gia ven biển có nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt cho các dự án lấn biển để chúng ta tham khảo. Như phía tây nam của Hà Lan, một quốc gia có nhiều vùng đất thấp ven biển, có cao độ thấp hơn mực nước biển đã sử dụng giải pháp đê biển, kè biển để từng bước sử dụng phần đất thấp đó và lấn biển phía trong đê/kè. Tại Nhật, một trong những thí dụ điển hình là sân bay mới được lập ngoài khơi Kansai (TP Osaka). Một kiểu “đảo sân bay” nhân tạo duy nhất trên thế giới với tư tưởng mới không chỉ lấn biển (kiểu bán đảo) mà còn tiến ra biển (kiểu đảo mới). Singapore đã và đang hoàn thiện dự án công viên ven biển bên bờ Vịnh Mariana…
Việt Nam cũng đã có một số dự án hiệu quả như Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN – cảng biển – phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy – Quảng Ninh) rộng 224ha; Khu đô thị Đa Phước rộng 210ha nằm ở phía tây cầu Thuận Phước (Đà Nẵng). Đặc biệt, sau 20 năm xây dựng, khu lấn biển TP Rạch Giá (Kiên Giang) – khu đô thị lấn biển đầu tiên của Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang, là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và du khách. Dự án đô thị lấn biển Rạch Giá được Thủ tướng phê duyệt năm 1999, có tổng diện tích 420 ha. Từ vùng đất sình lầy, hoang vắng nay đã thành khu đô thị hiện đại. Sau thành công từ dự án lấn biển đầu tiên vào năm 1999, năm 2015, TP Rạch Giá tiếp tục khởi công dự án lấn biển thành phố tại khu Tây Bắc với diện tích gần 100 ha và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 ha. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khởi công, bấm nút khởi động thêm một dự án khu lấn biển mới có vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng ở TP. Rạch Giá.
Việt Nam có lợi thế với hơn 3.200km bờ biển nên việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất mà còn chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Hơn nữa, chúng ta không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Địa phương nào có điều kiện lấn biển thì nên lấn và nơi nào chưa làm thì nên nghĩ đến trong tương lai. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở, làm kè biển, đê biển, san lấp phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mở, vừa có thêm quỹ đất vừa đảm bảo công tác an ninh quốc phòng tại các khu vực xa đất liền.
Tuy nhiên cần phải đặc biệt quan tâm lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển là sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, đời sống của người dân ven biển và đặc biệt là biến đổi khí hậu trong thế kỉ XXI.
Trước khi thực hiện lấn biển, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ về tác động biến đổi sinh thái, môi trường, khí hậu, tham khảo và mời các chuyên gia đầu ngành nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra. UAE cần tới 92 triệu m3 cát để xây dựng Palm Jumeirah, trong đó chủ yếu là hút từ vùng biển lân cận lên. Công trình đã phá vỡ dòng chảy tự nhiên ngoài khơi, khiến cát bị cuốn khỏi một số khu vực của bãi biển tự nhiên đi nơi khác. Cần phải có giải pháp để lấy nguyên liệu lấn biển rẻ, sẵn có và hiệu quả. Ví dụ như ở Quảng Ninh, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc sử dụng xỉ than khi lấn biển ở Cẩm Phả. Việc dùng loại nguyên liệu này không chỉ giải quyết được vấn đề xử lý xỉ than tại chỗ mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có của địa phương.
Phần việc đầu tiên và quan trọng bậc nhất của một công trình là đảm bảo an toàn cho nền móng. Nếu không được xử lý một cách đúng đắn, chúng sẽ có khả năng gây nên những tác hại khó lường. Các kỹ thuật viên Nhật Bản đã quyết định đóng 1 triệu cọc thép có đường kính 40cm vào tầng đất nhão, sau đó đổ đất lên gây áp lực cho nước ở dưới tầng đất thoát ra ngoài để tạo móng chắc. Tiếp theo, họ xây dựng một con đê bảo vệ lấy vùng biển sẽ xây đảo. Sau khi làm xong con đê này, họ mới bắt đầu đổ đất cát thành đảo. Trải qua 3 năm thi công không nghỉ, người ta đã đổ vào đó 180 triệu m3 cát, hoàn thành một hòn đảo nhân tạo cao 33m từ đáy trở lên.
Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hà Lan là xây dựng những bức tường bê tông khổng lồ, tạo nên đường bao ngoài ổn định cho công trình. Những bức tường này được biết đến với tên gọi tường trong đất. Với độ dày phải đảm bảo an toàn, tường trong đất là các phân đoạn bê tông gia cố thép, được đóng sâu xuống dưới 50m. Chúng hình thành nên những vòng khép kín có khả năng chống thấm nước, đảm bảo an toàn cho công nhân và máy móc làm việc cả ngày lẫn đêm. Các kè chắn sóng, cống xoay, đập ngăn lũ, đê biển phải đảm bảo an toàn cho con người sinh sống ở phía sau, với tần suất là 1/10.000, tức cho phép rủi ro chỉ xảy ra một lần trên 10.000 năm.
Cách làm của Singapore cũng là một tham khảo cho Việt Nam. Quốc đảo sư tử biển tập trung bồi lấp vùng ven biển, đầm vũng hoặc nối các hòn đảo với nhau. Quy trình lấn biển gồm 5 giai đoạn là nhồi cọc xuống lòng biển có độ sâu không quá 15m để gia cố nền đáy, dựng tường cát để đẩy nước biển ra xa, đổ cát vào để san bằng và nén cát, xây tường đá granite ngăn cát rửa trôi, phủ xanh cây cỏ để chống xói mòn bền vững. Sau 1-5 năm, đất mới đã có thể phục vụ hoạt động xây dựng.
Văn Đoàn (theo qdnd.vn)
Bài 6: PGS, TS Phạm Văn Song: Lấn biển, phát triển kinh tế ven biển là con đường tương lai của Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận