Đánh thức “mặt tiền Biển Đông” Bài 8: Hành trình vươn mình kỳ diệu của TP Hạ Long và bài học “Mặt tiền Biển Đông” (hết)

15:23 30-06-2021

VBĐVN.vn - Đọc loạt bài “Đánh thức “mặt tiền Biển Đông” đăng trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, tôi rất tâm đắc và suy nghĩ nhiều về tầm nhìn, cách làm của người lãnh đạo để đất nước phát triển. Tư duy đột phá, hướng ra biển cũng là hướng đi đúng đã được minh chứng ở TP Hạ Long quê hương tôi.

Từ thị xã Hòn Gai bụi than, nhếch nhác…

Là một người đã sống ở tỉnh Quảng Ninh trên nửa thế kỷ, dài nhất vẫn là thị xã Hòn Gai đầy bụi than từ những năm xa xưa nay là TP Hạ Long rộng mở, xanh, sạch, đẹp tôi hiểu sâu sắc điều đó.

Hòn Gai trong quá khứ thuộc Pháp là một đô thị nhỏ nằm bên bờ Vịnh Hạ Long, xung quanh có vài mỏ than được khai thác chủ yếu bằng phương pháp thủ công, phố sá thì nhỏ, nhà thì thấp lè tè, chỉ có 2 tòa nhà xây kiên cố theo kiến trúc của Pháp, phục vụ cho tên Công sứ Pháp và 2 tên chủ nhất, chủ nhì nắm quyền Công ty than Bắc Kỳ, gồm 3 khu vực khai thác than: Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí. Phía bên kia Bãi Cháy có một bãi tắm nhỏ, và hai khu nhà 3 tầng trên đồi cao phục vụ cho bọn thực dân Pháp và một số quan lại triều đình nhà Nguyễn nghỉ điều dưỡng.

Một góc mỏ than Hòn Gai thời thuộc địa. Ảnh tư liệu.

Hòn Gai thời thuộc Pháp khi nhắc tới là người ta nghĩ về hình ảnh của những người phu mỏ mù chữ, lấm lem, nghèo khổ, bị chủ mỏ bóc lột bằng sức lao động của mình trên những khai trường than đầy bụi bặm.

Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, những người phu mỏ lầm than, đói khổ, điều kiện làm việc nguy hiểm, thiếu thốn. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Hòn Gai trong những năm miền Bắc hòa bình XHCN, với cuộc sống nhộn nhịp hơn, hình ảnh người công nhân vùng mỏ đã thay thế cho những người phu mỏ thời xưa, ngày đêm họ sản xuất than phục vụ cho các ngành công nghiệp của miền Bắc đang được hồi phục. Hòn Gai trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng bị tổn thất nhiều cơ sở sản xuất, nhà cửa dưới sự tàn phá của bom Mỹ...

Toàn cảnh Hòn Gai năm 1915 với những ngôi nhà thưa thớt. Ảnh tư liệu.
Vịnh Hạ Long năm 1915. Ảnh tư liệu.
Khách sạn Remblai được xây dựng bên phía Hòn Gai năm 1923. Ảnh tư liệu.

Đất nước thống nhất, ngành than ngày càng phát triển, nhưng Hòn Gai vẫn thế, vẫn là một đô thị bé nhỏ, ít thay đổi do chưa được đầu tư đúng mức.

Tháng 1-1975, tôi được xuất ngũ chuyển ngành về thị xã Hòn Gai công tác. Cuộc sống ở nơi phố mỏ chính thức bắt đầu, được trải nghiệm trên những con đường, phố xá, đầy bụi than. Mùa đông, mỗi khi có cơn gió mùa đông bắc tràn về phố mỏ, thì bụi càng nhiều, phủ đầy trên mái ngói. Hòn Gai khi đó có nhiều cơ sở sản xuất của ngành than nằm xung quanh thị xã, ngay cả trong trung tâm cũng có. Có ba kho chứa than lớn, một nhà sàng tuyển than, một phân xưởng than luyện, một nhà máy cơ khí, một bến cảng xuất than ngay đầu bến phà Hòn Gai sang Bãi Cháy, 2 con đường sắt vận chuyển than từ mỏ Hà Lầm, mỏ Hà Tu, ngày ngày chở than về kho than sàng tuyển. Than sản xuất càng nhiều, bụi than cũng nhiều lên. Thực trạng ấy tưởng như cứ kéo dài mãi mãi…

Quyết tâm dịch chuyển với tầm nhìn hướng biển

Ngay từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Đảng, Nhà nước xem xét cho chuyển dịch các cơ sở sản xuất ngành than ra khỏi khu đô thị. Song khó nhất vẫn là nhà sàng tuyển và bến cảng xuất than, cùng tháo dỡ 2 tuyến vận tải đường sắt. Đây là vấn đề then chốt.

Đầu những năm 90, khi tình hình kinh tế xã hội có nhiều thuận lợi hơn, lãnh đạo tỉnh báo cáo Đảng, Nhà nước, quyết tâm thực hiện chủ trương nêu trên. Với sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ ngành liên quan, kế hoạch đã từng bước được triển khai và năm 1993, thị xã Hòn Gai được nâng cấp lên TP Hạ Long.

Năm 1996, nhà sàng tuyển than bước một đã chuyển về Nam Cầu Trắng cùng với bến xuất than tại chỗ, tháo dỡ 2 tuyến đường sắt và mở rộng đường giao thông đô thị, nhà máy cơ khí cũng di chuyển, 3 kho than được giải phóng, chuyển công năng thành 3 tiểu khu đô thị. Một bộ phận cán bộ, công nhân ngành than đã được cấp đất xây dựng. Năm 2019 nhà sàng tuyển than Nam Cầu Trắng và bến xuất than đã được di chuyển giai đoạn hai cách xa TP Hạ Long về phía bắc sông Cửa Lục, tạo ra nhiều tiểu khu đô thị mới, khi con đường bao biển nối dài với TP Cẩm Phả kéo dài 14,5km hoàn thành cuối năm 2020. Lúc đó các phương tiện xe con, xe máy sẽ đi Cẩm Phả dọc theo con đường một chiều ven biển nên thơ.

Dịch chuyển thành công các cơ sở sản xuất kinh doanh của ngành than ra khỏi đô thị, là một thắng lợi lớn, có thể gọi đó là một cuộc cách mạng thay đổi về tư duy mới, mở đường cho quy hoạch mở rộng thêm TP Hạ Long trong tương lai.

Hạ Long thay đổi nhiều nhờ tư duy hướng ra biển... Ảnh: TTXVN.

Các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì tháo gỡ mọi trở ngại, chọn đúng mục tiêu định hướng cho TP Hạ Long phát triển trong tương lai là kinh tế du lịch – dịch vụ, với tiêu chí TP Hạ Long xanh – sạch – đẹp.

Những năm tiếp theo, TP Hạ Long được mở rộng theo nhiều hướng. Bãi Cháy ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn, mở rông khu vực bãi tắm, khu giải trí vui chơi, các nhà nghỉ, khách sạn, mở rộng đường giao thông, với tiểu khu đô thị Hùng Thắng sạch đẹp thoáng mát ven Vịnh Hạ Long. Bộ mặt của Bãi Cháy thay đổi chuyển mình rất nhanh, đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long. Đảo Tuần Châu đã được nối với đất liền bằng con đường giao thông, do đầu tư của doanh nghiệp tư nhân từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, để đến hôm nay, có được một Tuần Châu trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, rất hấp dẫn cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Bãi Cháy ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn, mở rộng khu vực bãi tắm, khu vui chơi, giải trí, mở rộng đường giao thông... Ảnh: Thanh Hải.

Bên Hòn Gai cũ, dự án lấn biển và con đường bao biển chạy dài qua 3 phường Hạ Long, Hồng Hải, Hồng Hà, xóa bỏ hoàn toàn những bãi sú ven biển nhếch nhác, đầy những dĩn, muỗi mà mỗi khi thủy triều lên, chúng lại tràn vào mọi nhà đốt người rất ngứa. Con đường bao biển với chiều dài 4,7km chạy dọc theo bờ Vịnh Hạ Long xinh đẹp, mở ra tiểu khu đô thị rộng lớn với nhiều công trình lớn được hình thành, những sinh hoạt văn hóa giải trí cho quần chúng nhân dân đều được tổ chức nơi đây. Hai con đường đi Hà Lầm, Hà Khánh đều được mở rộng, với nhiều khu chung cư mới cho mọi người dân chọn lựa. Hạ Long thay đổi nhiều lắm nhờ tư duy hướng ra biển.

Các cơ sở phục vụ khách du lịch tại thành phố Hạ Long ngày càng được đầu tư nâng cấp, mở rộng... Ảnh: Thanh Hải.

Có thể nói TP Hạ Long gần giống như một Đà Nẵng thu nhỏ.

Một góc TP Hạ Long ngày nay. Ảnh: baoquangninh.com.vn.

Theo tiến trình đổi mới cùng đất nước, Thị xã Hòn Gai xa xưa nhỏ bé, lấm lem bụi than đã đi vào quá khứ, bến phà gây trở ngại cho việc đi lại giữa đôi bờ sông Cửa Lục cũng đã đi vào quá khứ, nhiều người đi xa nay trở về đã không còn nhận ra được nữa. Những đổi thay mạnh mẽ, cùng sức lao động đêm ngày của con người, đã tạo ra một TP Hạ Long rộng mở, khang trang, với vịnh Hạ Long kỳ quan thiên nhiên của thế giới, với những món ăn hải sản độc đáo của miền biển, với những dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, phát triển, TP Hạ Long trong tương lai sẽ còn vươn mình cao hơn. Chỉ 5-10 năm nữa thôi, TP Hạ Long sẽ càng đẹp hơn, hấp dẫn cuốn hút lòng người hơn…

Văn Đoàn (theo qdnd.vn)

(Hết)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang