Đánh thức tiềm năng du lịch biển, đảo Việt Nam

19:19 05-01-2023

VBĐVN.vn - Sở hữu trên 3.000km đường bờ biển với bãi biển đẹp, hòn đảo nguyên sơ, những thành phố ven biển cùng hạ tầng phát triển Việt Nam có đủ tiềm lực, tiềm năng để khai thác du lịch biển, đảo. Đứng trước cơ hội, lợi thế đó, ngành du lịch Việt Nam từ từng bước bứt tốc để trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Đà Nẵng 2022 thu hút 400 doanh nghiệp đến từ trên 30 tỉnh, thành phố và 12 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Trúc Hà

Tiềm năng du lịch biển, đảo

10 năm qua, Việt Nam đã nổi lên thành một điểm đến du lịch biển, đảo mới có sức hấp dẫn mạnh đối với khách quốc tế và cả khách trong nước. Các hoạt động du lịch biển, đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2019, ngành du lịch mang lại tổng thu đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể thấy, du lịch biển phát triển đã đóng góp lớn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác thông qua việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân địa phương ven biển.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển”. Trong đó nêu rõ: “Phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên kháng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”. Bên cạnh đó, vị thế, vai trò của phát triển du lịch biển, đảo tiếp tục được khẳng định tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó, xác định du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam.

Là một trong những ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn luôn cố gắng, tranh thủ mọi điều kiện để tổ chức các sự kiện và hoạt động kinh doanh khi có điều kiện. Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện hoạt động du lịch vào tháng 3/2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch như: Diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”; phối hợp cùng với Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam với Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022”; Hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”; tổ chức cho 25 doanh nghiệp lữ hành tham gia “ngôi nhà chung” Du lịch Việt Nam tại Hội chợ lữ hành thế giới WTM London 2022...

Sáng 9-12 vừa qua, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Đà Nẵng 2022, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức, chính thức khai mạc với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp đến từ trên 30 tỉnh, thành phố và 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chủ đề “Du lịch biển, đảo - Thế mạnh của du lịch Việt Nam”, VITM Đà Nẵng 2022 mang sứ mệnh làm cầu nối đưa Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. Hội chợ lần này được đánh giá là sân chơi chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch, điểm đến, các địa phương tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung có thể gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo “Phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” tổ chức chiều ngày 9/12 là hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Đà Nẵng 2022, các đại biểu đều có nhận định: Mặc dù du lịch biển, đảo đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Du lịch và du lịch biển, đảo Việt Nam vẫn như những mảnh ghép đẹp rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra được bức tranh hoàn chỉnh. Đó là hạ tầng còn lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch, Việt Nam vẫn chưa có một đội tàu du lịch nào. Quy định hoạt động du lịch biển ở mỗi địa phương mỗi khác. Rõ ràng, đã đến lúc cần có những chính sách phát triển du lịch biển một cách rõ ràng, thống nhất thì các chỉ đạo của Nghị quyết 36-NQ/TW mới có thể phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của đất nước.

Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức đón các du khách và thủy thủ đoàn tàu tại cảng Tiên Sa. Ảnh: Trúc Hà

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, theo định hướng, trong thời gian tới, du lịch biển, đảo Việt Nam sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, cần tìm ra các giải pháp hợp lý để khắc phục các hạn chế, tiếp tục phát triển du lịch biển, đảo tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển, đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam.

Bởi vậy mà Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” là dịp để các các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các chuyên gia trong ngành du lịch và các nhà quản lý doanh nghiệp tập trung trao đổi về những vấn đề nóng của du lịch biển, đảo Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, góp lên tiếng nói của doanh nghiệp du lịch Việt Nam đối với chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Thời gian tới, với mục tiêu sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như để du lịch Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của mình trong khu vực, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối lại thị trường, liên kết, hợp tác, hình thành các sản phẩm mới; thu hút, trao đổi khách giữa các địa phương, các điểm đến; đồng thời, củng cố, nâng cao đội ngũ lao động du lịch với chất lượng nghiệp vụ cao; đổi mới trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang