Đảo Cát Bà - Viên ngọc không mài
VBĐVN.vn - Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) là một trong 12 huyện đảo của Việt Nam không chỉ có biển mà còn có núi non, hang động, rừng ngập mặn, bãi triều, rừng mưa nhiệt đới, ao hồ trên núi đá vôi, các rạn san hô rộng lớn. Đảo Cát Bà có hàng trăm bãi tắm lấp lánh mảnh sò, san hô, hàng trăm hòn đảo lô nhô trên biển cùng với khu dự trữ sinh quyển thế giới chờ du khách khám phá.
Du lịch Cát Bà bứt phá ngoạn mục
Vẻ đẹp hoang sơ của Đảo Cát Bà đã đặc biệt thu hút du khách quốc tế. Mùa du lịch chính ở đây kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9, nhưng vẫn đón khách quanh năm. Điều đặc biệt ở quần đảo này là có 139 bãi tắm cát vàng. Ngoài những bãi nổi tiếng như Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3 ngay gần trung tâm thị trấn, còn hơn 100 bãi tắm khác rải rác ở các đảo, ven vịnh, vắng vẻ nhưng quyến rũ. Công ty của Trung luôn có khách đăng ký được lặn biển ngắm san hô. Nhiều khách đến vịnh Lan Hạ rồi không muốn lên bờ.
Cát Bà có hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ. Quần đảo đặc biệt này vừa có biển, vừa có núi, vừa có làng chài lại có những khu rừng đặc hữu. Khách có thể thăm vịnh, bơi thuyền, khám phá hang động như ở Hạ Long, lặn biển ngắm san hô như ở Lý Sơn, nằm dài trên bãi cát dịu êm như ở Phú Quốc hay cũng có thể đi bộ xuyên rừng như ở Cúc Phương…
Cát Bà vẫn như một quần đảo mới được đánh thức, ẩn chứ nhiều tiềm năng du lịch.
Hướng đến Cát Bà xanh
Từ khi cầu Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á khánh thành (2-9-2017), huyện đảo Cát Hải được nối liền với trung tâm thành phố Hải Phòng. Qua cầu Lạch Huyện, khách chỉ mất 30 phút đi phà để sang đảo. Xe du lịch hay những chiếc xe 45 chỗ nối đuôi nhau đưa khách đến Cát Bà.
Ở huyện đảo này hiện có hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ, có thể phục vụ hơn 7.000 khách. Ngoài các khách sạn, nhà nghỉ tập trung ở khu vực trung tâm thị trấn, còn hàng trăm khu resort, homestay và khách sạn trên biển. Huyện Cát Hải định hướng để Cát Bà trở thành một địa chỉ "xanh", xanh từ thiên nhiên đến "hệ sinh thái du lịch". Ngoài việc bảo vệ môi trường, Cát Hải nỗ lực để có môi trường thân thiện, an ninh đảm bảo và xây dựng thương hiệu du lịch tin cậy.
Trong tương lai gần, Cát Bà quy hoạch là quần đảo không khói xe. Phương tiện di chuyển trên đảo sẽ là xe điện, xe đạp. Các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên các eo, vịnh sẽ được quy hoạch lại theo hướng giảm thiểu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.
Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà Hoàng Văn Thập cho rằng, để Cát Bà sầm uất như một "Hong Kong của Việt Nam" không khó, nhưng để Cát Bà trở thành hòn đảo du lịch "xanh" mới cần nhiều nỗ lực. Vị giám đốc đã gắn bó với rừng Cát Bà ngót 30 năm cho rằng không nên "đóng cửa rừng", mà cần tạo điều kiện để người dân nơi đây phát huy được tiềm năng của khu dự trữ sinh quyển.
Gần 30 năm trước, rừng Cát Bà bắt đầu quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên. Ông Thập là sinh viên lâm sinh mới ra trường, về Cát Bà làm kiểm lâm. Rừng Cát Bà ngày đó bị tàn phá nghiêm trọng. Lâm tặc liều lĩnh như hải tặc trong phim. Chúng cũng chạy xuồng, súng trường bắn không tiếc đạn. Nhiều lần bị kiểm lâm truy đuổi, chúng vừa lái xuồng chạy vừa quăng lựu đạn trở lại. Chuyện kiểm lâm đổ máu vì lâm tặc chống trả nhiều như cơm bữa.
Rừng Cát Bà quá phong phú, địa hình rừng đặc trưng núi đá, những con thú rất quý như sơn dương, khỉ… luôn bị lâm tặc săn lùng. Ông Thập trầm ngâm: "Một con sơn dương hiện nay có giá trị vài trăm triệu đồng, số tiền ấy có thể giúp một hộ nghèo đổi đời. Vì thế nếu bảo vệ rừng mà chỉ cấm săn bắt, tuần tra, canh gác, truy đuổi, đấu tranh… thì chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn giữ được rừng, không còn gì khác là phải để cho người dân thấy được giá trị của rừng và người ta được hưởng lợi".
Vườn quốc gia và các khu bảo tồn ở Việt Nam rất khác so với các khu bảo tồn khác trên thế giới, là người dân ở xen lẫn trong khu bảo tồn. Thậm chí, nhiều khu bảo tồn, rừng đặc dụng có làng bản trước khi có rừng. Nhà nước không thể di dời cả nghìn hộ dân ra khỏi các khu rừng, cho họ một nơi ở mới, kế sinh nhai mới tốt hơn nơi họ đã từng ở.
Chạy xe dọc con đường xuyên vườn quốc gia Cát Bà, hai bên vừa là núi, vừa là rừng và thấp thoáng những căn homestay xinh xắn. Những lão nông da đen sạm, cánh tay chằng chịt sẹo vì dao, vì gai rừng vừa cười ha hả vừa "bắn" tiếng Anh với khách. Hàng trăm hộ dân ở Cát Bà mấy năm nay sống khoẻ nhờ làm dịch vụ. Căn nhà cổ giữ lại cho khách đến chơi, gian nhà ngang mở rộng ra làm nơi bán đồ ăn cho khách, dưới mái hiên treo đầy hoa. Chủ nhà vừa là người bán hàng, vừa vác ba lo dẫn khách trekking trên núi.
Ở vùng lõi của vườn quốc gia, những phiến đá được xếp lại cho dễ đi. Con đường xuyên rừng kim giao ngày nào cũng có khách đi bộ. Cung trekking đặc biệt này chỉ hơn 2km, nhưng phải mất 3 giờ đi bộ. Khách bước qua những mỏm đá tai mèo, dưới tán cây lấp lánh bóng nắng. Thỉnh thoảng, những chú sóc giật mình vì khách lạ chuyền lên cành cao. Cung đường được khách chọn nhiều nhất là cung xuyên rừng kim giao - đỉnh Ngự Lâm, đỉnh cao nhất ở Cát Bà. Bên cạnh đó là các cung khám phá hang động, xuyên rừng quốc gia đến làng cổ Việt Hải…
Giám đốc Vườn quốc Gia Hoàng Văn Thập bật mí, ở Cát Bà luôn có những nơi để khách khám phá, nhưng có những khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, khách du lịch không được đến…
Con đường bê tông dẫn vào làng Việt Hải uốn lượn sát mép vịnh, một bên là vách núi một bên là mặt nước lặng như gương. Nguyễn Tiến Hùng, một cư dân của làng Việt Hải lái xe điện đưa khách về làng. Hùng đã từng theo bạn vào rừng chặt gỗ, bẫy thú, rồi lăn lộn làm thuê trên những con thuyền đánh cá xa bờ. Rồi Hùng trở về làng, mở cửa hàng cho thuê xe đạp, chạy xe điện và làm dịch vụ.
Căn nhà gỗ hơn 60 năm tuổi trở thành địa chỉ đón khách tham quan. Mẹ của Hùng và nhiều người khác trong làng khôi phục nghề nấu rượu truyền thống. Khách đến Việt Hải mùa này đa số là khách nước ngoài. Họ thích được trải nghiệm cuộc sống của một ngôi làng đặng trưng của nền văn minh lúa nước như Việt Hải. Điều đặc biệt ở ngôi làng này là được rừng, biển bao quanh. Đô thị hoá dường như không thể đến được với Việt Hải, vì được những cánh rừng nguyên sinh che chở.
Hùng tâm sự, "hồi trẻ chưa biết, còn lên rừng chặt cây. Bây giờ làm du lịch rồi mới thấy giá trị của rừng thế nào. Nếu không phải vì giữ được rừng, giữ được biển xanh thì chắc khách chẳng đến Cát Bà đâu".
Anh Lê Văn Chiến, từng bỏ hơn chục năm để đầu tư làm du dịch ở đảo Cát Ông, ngượng ngùng nói về những khó khăn. Câu chuyện đưa điện, nước ra đảo là một hành trình dài, rồi câu chuyện xây dựng, đầu tư làm sao để có chỗ nghỉ đẹp cho khách nhưng giữ lại được những nét nguyên sơ nhất của đảo. Mỗi lần sửa chữa, nâng cấp lại phải chờ đợi vì thủ tục.
Câu chuyện liên kết giữa các tỉnh cũng khiến nhiều đơn vị lữ hành không thể kết nối thêm tour. Từ Cát Bà chỉ mất hơn một giờ đi thuyền là đến Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), nhưng các đơn vị lữ hành ở Cát Bà không được phép đưa khách sang Hạ Long. Ngược lại, thuyền du lịch của Hạ Long vẫn có thể đến Cát Bà. Vì thế, nhiều khách đã chọn Hạ Long là điểm đặt chân mà trước đó họ muốn đến Cát Bà.
130 loài động vật có tên trong Sách Đỏ
Cát Bà là nơi sinh sống của khoảng 3.860 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có 130 loài được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới để bảo vệ. Đặc biệt, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài đặc hữu chỉ còn một quần thể với 70 cá thể phân bố duy nhất trên thế giới tại Cát Bà.
Hệ sinh thái đặc biệt của Cát Bà có trên 3.800 loài thực vật, động vật trên cạn và dưới biển. Trong đó, có đến gần 2.300 loài động vật và trên 1.500 loài thực vật. Khảo sát của vườn quốc gia Cát Bà cho thấy có đến hơn 660 loài cây dùng làm thuốc.
Đảo Cát Bà có đến 130 loài động, thực vật được Chính phủ Việt Nam và thét giới xác định là các loài quý hiếm, đưa vào sách Đỏ để bảo vệ. Trong số này có 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên Thế giới).
Thu Thảo (theo tuoitre.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận