Đảo Quan Lạn ghi dấu chiến công của cha ông

17:15 28-06-2021

VBĐVN.vn - Đến với đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp của hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà còn được chiêm bái hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, ghi dấu những chiến công hiển hách của cha ông trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Đảo Quan Lạn nằm trong quần thể đảo lớn trên Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, là tuyến đảo phía ngoài cùng của Vịnh Bắc Bộ. Ngay từ thế kỷ 11, Quan Lạn đã là một trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập. Đảo nơi này được biết đến là điểm du lịch biển đẹp, hấp dẫn du khách bởi không gian trong xanh khoáng đạt, cảnh quan nguyên sơ, trong lành. Đặc biệt, du khách được tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa lịch sử của đình, chùa, miếu, đền Quan Lạn với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân biển.

Đình Quan Lạn- nơi lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ

Điểm đến đầu tiên, ý nghĩa nhất là việc viếng thăm đình Quan Lạn. Nằm giữa trung tâm của đảo, đình Quan Lạn được xây dựng vào những năm 1890-1900 vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ. Đình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ mần lái loài cây sinh ra và lớn lên trên vách các núi đá, chỉ có trên đảo đá Ba Mùn, Vân Đồn. Đây là loại gỗ được mệnh danh “siêu tứ thiết” có khả năng chịu thử thách của thời gian với độ cứng hơn gỗ lim và chịu được nước biển.

Trên nóc đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong, phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng”, thể hiện ước vọng của người dân trong vùng. Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỷ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng, trong đó hình tượng con rồng được tái hiện với một tỷ lệ cao, hình ảnh sinh động. Rồng được chạm khắc trên ba mặt của đầu dư, trên cửa võng, xà, kèo, cốn và chắn gió… mỗi một hình rồng là một nội dung với cách cấu tạo bố cục khác nhau: Rồng ngậm chữ thọ, rồng uốn mình trong lửa, rồng ẩn hiện trong mây, cá hóa rồng...

Đình Quan Lạn đặc biệt ở chỗ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn xưa (Quan Lạn ngày nay) năm 1149, mở mang giao thương buôn bán trong và ngoài nước. Đình còn thờ tướng Trần Khánh Dư- người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông và gắn bó với vùng đảo này. Hiện nay, đình Quan Lạn còn lưu giữ được 19 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn và đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cùng với quần thể di tích gồm đình, chùa, miếu, đền.

Liền bên đình Quan Lạn, chùa Quan Lạn có kiến trúc giản dị. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống vì kèo cột gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Chùa Quan Lạn thờ phật, thờ mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Cụ Hậu là người gốc Quan Lạn không có con, sống rất hiền lành phúc hậu, trước khi chết cụ đã hiến toàn bộ tài sản của mình còn lại cho nhà chùa, vì vậy mà người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật, tạc tượng cụ và đặt tượng cụ ở ngay trong chùa. Tượng cụ Hậu là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ trong chùa. Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.

Bên cạnh chùa Quan Lạn, đền Quan Lạn thờ 3 anh em họ Phạm gồm Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng. Theo bia đá ghi khắc tại đây thì ba vị tướng này là người Quan Lạn đã có công lớn trong chiến thắng Vân Đồn năm 1288. Ba danh tướng tài năng, quân sự sắc bén của quê hương Quan Lạn- Vân Đồn đã vào sinh ra tử sống chết để trấn giữ nơi cửa biển tiều tiêu phía Đông Bắc và lập nên những chiến công to lớn trong công cuộc Võ công Vệ quốc - vinh dự được vua Trần phong tặng. Ba anh em tướng lĩnh họ Phạm đã tham gia chiến đấu giúp tướng Trần Khánh Dư trong trận đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ 13 và các ông đã hy sinh ngay trên vùng biển Quan Lạn.

Tiếp tục cuộc hành trình du khách đến với đền thờ Trần Khánh Dư thắp nén hương tưởng nhớ công ơn của vị tướng trấn ải Vân Đồn, đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược. Năm 2010, ngôi đền này đã được trùng tu tôn tạo lại, là điểm di tích lịch sử nằm trong cụm di tích quốc gia xã Quan Lạn. Đền Trần Khánh Dư nằm ở xóm Thái Hà, bị hỏng nặng, năm 1995 được xây dựng lại theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Đền thờ tướng Trần Khánh Dư, người có công lao to lớn trong việc bảo vệ vùng biển biên ải Đông Bắc của Tổ quốc.

Cụm di tích đình, chùa, miếu, đền Quan Lạn thực sự là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân biển. Đặc biệt lễ hội ở đây cũng mang sắc thái riêng biệt gắn chặt với đời sống lao động của cư dân làng biển và truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Lễ hội Quan Lạn được tổ chức vào ngày 18 tháng 6 âm lịch, hàng năm dân làng vẫn tổ chức rước kiệu Trần Khánh Dư từ đình về nhân kỉ niệm chiến thắng Vân Đồn, đồng thời cầu cho nghề đi biển của ngư dân được bội thu, tôm cá đầy khoang.

Thu Thảo (theo congthuong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang