Đảo Trần - chốt tiền tiêu mặn từng thớ đất
Khi biết mình sẽ có chuyến công tác ra đảo Trần, như một thói quen, tôi đã gõ Google tìm kiếm địa danh này để cập nhật một số thông tin sơ bộ về nơi sẽ đến. Thật bất ngờ, với cụm từ “đảo Trần”, Google đã cho ra một loạt kết quả về… quạt đảo trần, tên một thiết bị điện máy. Như vậy hòn đảo xa xôi này còn khuất bóng trên xa lộ thông tin, những gì thuộc về nơi đây như vẫn đang được “bảo tồn” tại chỗ. Nhưng chính điều đó đã kích thích tôi lên đường với một niềm phấp phỏng về một địa danh với những câu chuyện, những con người còn đang phong kín giữa thời đại thông tin không khoảng cách.
Từ cảng Mũi Ngọc, thuộc phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, chúng tôi ra đảo bằng xuồng cao tốc. Đảo Trần theo địa giới hành chính thuộc xã Thanh Lân của huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, nhưng nếu đi từ đất liền, con đường ngắn nhất lại là xuất phát từ hướng Trà Cổ. Đó là nơi mà nếu nhìn trên bản đồ luôn được ví như một hạt vừng vãi xuống nền xanh của biển cả. Hạt vừng ấy tưởng như dễ bị bỏ qua, dễ bị mờ nhạt giữa những đảo Vĩnh Thực, Thanh Lân, Cô Tô và nhiều đảo lớn nhỏ khác… của tuyến đảo Đông Bắc, nhưng không, với vị trí xa nhất về phía Đông Bắc, gần đường phân giới vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhất, đảo Trần thực sự là một chốt tiền tiêu án ngữ cửa ngõ của Tổ quốc. Bởi thế, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh chính trị, quốc phòng và kinh tế. Qua đảo Vĩnh Thực với dải núi rộng dài như một vành đai sừng sững trên biển, tiếp tục hướng về đường phân giới vịnh Bắc Bộ, cuối cùng thì hòn đảo bé nhỏ cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, xanh khiêm nhường và nhã nhặn giữa muôn trùng sóng.
Hai chiếc xuồng máy vẽ một vòng những viền bọt trắng xóa trong âu tàu lặng sóng ghé vào trạm kiểm soát biên phòng. Một người lính mang hàm thiếu tá đón chúng tôi bằng cái bắt tay siết chặt ngay khi từng thành viên trong đoàn bước qua cây dầm gỗ bắc xuống xuồng làm cầu lên đảo. Tôi ngó biển tên thì biết anh là Phạm Hồng Thái. Chúng tôi nhanh chóng thực hiện hành trình leo lên điểm cao nhất ở ngọn núi cao nhất của đảo Trần (188m so với mực nước biển), nơi ấy có cột cờ Tổ quốc, một “cột mốc” thiêng liêng mà hào hùng nơi hòn đảo tiền tiêu này. Từng bậc leo nâng chúng tôi lên cao dần, cho đến một lúc, toàn bộ hòn đảo đã nằm trong tầm mắt. Sau khi làm lễ thắp hương tại nhà thờ Bác Hồ, cả đoàn kí tên vào một lá cờ tượng trưng có kích thước 6m x 12m mà chúng tôi mang ra, rồi tất cả tập hợp dưới chân cột cờ. Hệ thống ròng rọc để kéo cờ lên cột bị hỏng, có hai người thợ đang loay hoay sửa. Sốt ruột, thiếu tá Phạm Hồng Thái, người lúc trước vừa được giới thiệu là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đảo Trần, cũng xoay trần cùng tham gia quay ròng rọc hạ dây cáp treo cờ xuống để lắp lá cờ mới do đoàn công tác mang ra thay cho lá cờ đã bị gió biển vùng Đông Bắc vốn hào phóng làm cho rách tướp táp. Khi nền đỏ sao vàng của lá cờ mới vừa được kéo lên nổi bật giữa màu xanh của biển, của đảo, của trời... những cánh tay đồng loạt giơ cao vẫy chào lá quốc kì đang được gió vờn bay vừa mềm mại vừa kiêu hãnh giữa vời vợi đất trời nơi địa đầu Đông Bắc.
Sau lễ thượng cờ, đoàn công tác gồm các nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội có một cuộc gặp gỡ nhỏ tại hội trường đồn biên phòng. Lão nhà văn Võ Bá Cường thay mặt đoàn có đôi lời tâm tình với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Còn tôi, theo dự kiến từ trước, nhanh chóng tiếp cận và làm quen với một người phụ nữ đặc biệt: chị Cảnh.
Đến đảo Trần mà không ghé thăm trưởng thôn Cảnh thì coi như chưa đến. Trước khi ra đảo, tôi cũng đã được nghe thông tin về người phụ nữ mà tôi phải dùng từ “đặc biệt” này. Trong những câu chuyện ít ỏi về đảo Trần, gần như nhắc đến hòn đảo nhỏ là người ta nhắc đến chị Cảnh như một sự gắn bó khó có thể tách rời. Theo tài liệu, thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô được thành lập có diện tích tự nhiên 556ha, dân số 16 hộ/71 khẩu. Nhưng thực tế có sự khác biệt, số dân hiện tại chỉ 54 người với 12 hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Cảnh là trưởng thôn, kiêm chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Tổ ấm của chị nằm nép mình khiêm tốn dưới chân núi. Đó là một căn nhà nhỏ kiểu cấp bốn lợp ngói đơn giản. Trước nhà có một bể nhựa chứa nước. Có lẽ nổi bật nhất vẫn là lá cờ Tổ quốc tung bay trước sân, in trên nền xanh của sườn núi. Căn nhà không có nhiều đồ đạc, đáng chú ý nhất là hai chiếc tủ mát dùng để trữ đồ đông lạnh.
Ấy thế mà nó gắn với vợ chồng chị biết bao kỉ niệm.
Chị Cảnh là người dân đầu tiên chọn đảo Trần sinh cơ lập nghiệp từ 13 năm trước, năm 2006. Khi ấy, đảo chỉ có bộ đội đóng quân. Chị không phải vợ bộ đội như nhiều người vẫn suy luận và nhầm tưởng, bởi trước khi đến với đảo chị đã có gia đình. Nguyên do từ bố mẹ chị làm công việc buôn bán nhỏ trên biển, ông bà thường ghé vào các đảo. Anh Hà Đức Sinh khi ấy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh trên đảo Trần thi thoảng có đi nhờ thuyền của ông bà vào đất liền. Khi biết chị xây dựng gia đình xong vẫn chưa có việc làm thì nói ông bà cho vợ chồng chị ra đảo làm ăn. Không biết vị chỉ huy tiểu đoàn khéo miệng thế nào mà vận động được ông Nguyễn Minh Đức và bà Đinh Thị Sửu cùng vợ chồng cô con gái. Chị Cảnh và chồng đồng ý ra đảo Trần, cậu con trai nhỏ được gửi lại ông bà trong Hà Cối. Năm ấy chị Cảnh 29 tuổi, còn bây giờ, trước mặt tôi là người phụ nữ ở tuổi 42. Cậu con trai ngày anh chị ra đảo mới 4 tuổi phải gửi lại ông bà, nay đã là chàng trai 18 tuổi cao trên mét bảy đang học trường nội trú tỉnh. Ngày anh chị ra, trên đảo chẳng có một người dân nào ngoài bộ đội. Anh Hà Đức Sinh cho bộ đội vào rừng chặt cây dựng giúp một căn nhà nhỏ thưng cót ép. Chị cùng bộ đội tiểu đoàn vào rừng kiếm gỗ, khi chở về qua đèo dốc phải vít đuôi xuống cho cây quẹt vào đất để phanh. Vợ chồng chị sống bằng nghề biển, ngoài ra bán thêm vài thứ hàng tạp hoá. Thế là từ đó đảo Trần đã có dân - một hộ dân duy nhất. Căn nhà tí xíu nép vào vách núi như tô điểm cho hòn đảo vốn quạnh hiu và là nơi dừng chân của những người lính bảo vệ đảo. Một mình một cõi cũng buồn. Vào mùa gió chướng, những tấm cót ép mỏng manh không ngăn nổi những cơn xô táp đến rung giật, anh Hiển chồng chị lên thuyền cá kiếm việc làm, chị ở nhà đóng chặt cửa nằm ôm con giữa bốn bề gió rít. Có lần, đến mấy ngày không thấy chị ló mặt ra ngoài, đơn vị anh Sinh phải cho người xuống gọi hỏi xem có chuyện gì không, có an toàn không. Sự động viên, đùm bọc của những người lính bảo vệ đảo khiến vợ chồng chị cảm thấy ấm áp, đó có lẽ cũng là lí do để đôi vợ chồng trẻ tiếp tục bám đảo giữa muôn vàn gian khó. Căn nhà cót ép năm xưa, sau vợ chồng chị, dưới sự giúp sức của bộ đội đã kiên cố hóa, xây tường gạch, lợp tấm lợp xi măng. Nói thì vắn tắt thế nhưng làm là cả chuỗi ngày vất vả. Đầu tiên, lấy cát từ biển đem lên phơi cho mưa rửa hết mặn mới có thể dùng đóng gạch pa panh. Đủ gạch mới tính đến chuyện xây. Dù sao có căn nhà kiên cố cũng yên tâm trước bão gió.
Bây giờ thì đảo Trần đã có 16 ngôi nhà do nhà nước xây dựng khang trang, mỗi căn rộng cả trăm mét vuông cho các hộ ra với đảo sinh sống, nhưng vợ chồng chị Cảnh vẫn ở ngôi nhà năm xưa gắn với nhiều kỉ niệm, căn nhà mà chúng tôi đang ngồi ôn lại những câu chuyện về nó. Chỉ lên mái ngói đã ngả màu, chị Cảnh hỏi tôi:
- Chú có biết mái nhà này từ đâu ra không?
Tất nhiên là tôi không biết. Nhưng cũng đâu đợi tôi trả lời, chị trầm giọng kể. Trong một chuyến công tác tại đảo Trần, đồng chí Phương Minh Quang - khi ấy là Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh - tới thăm nhà anh chị. Ngồi trong căn nhà nhỏ duy nhất trên đảo, ngắm nghía chiếc mái với tấm lợp đơn sơ, đồng chí Chính ủy hỏi thân mật, “em muốn có một mái nhà mới không?”, chị cười tưởng anh hỏi vui vậy thôi, ai ngờ sau chuyến công tác, Chính ủy Phương Minh Quang đã giao cho Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh quyên góp ủng hộ gia đình chị mái ngói thay cho mái cũ. Rồi chính các chiến sĩ biên phòng cùng nhau dỡ tấm lợp xi măng thay bằng mái ngói đỏ au này. Cuối cùng thì một mái nhà mang bản sắc văn hóa Việt Nam cũng đã hiện hình tại hòn đảo xa xôi nhất nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc. Bây giờ, sau gần chục năm, dưới cái nắng cái gió nơi đảo xa, mái ngói đã bạc màu, nhưng câu chuyện về nó vẫn được vị nữ chủ nhân kể lại với giọng hồ hởi và trân trọng như một điểm son về tình quân dân, về sự yêu thương đùm bọc. Nói về người tiểu đoàn trưởng năm xưa, chị Cảnh ngắn gọn: Anh Sinh sống tình cảm, coi dân như chiến sĩ trong đơn vị.
Cho đến giờ chị Cảnh vẫn không thể quên những ngày đầu gian khó trong cuộc sống sinh hoạt. Cả đảo có mỗi chiếc giếng phía tiểu đoàn bộ binh. Chị phải dậy từ ba giờ sáng để đi canh nước, vì do thủy triều lên xuống, đến giờ ấy nước mới có, và do ban chiều còn phải ưu tiên cho bộ đội lấy nước tắm giặt. Bộ đội cũng chung cảnh ngộ, nước cạn rồi nước lại đầy, nên cứ ba giờ sáng khi nước lên là lại gặp nhau ngoài giếng. Mà nước lấy về còn phải lọc chứ đâu dùng được ngay. Ngày ấy, mỗi lần thuyền của bố mẹ chị ghé đảo là lại tranh thủ tiếp tế nước sạch cho con gái và con rể có cái dùng. Bây giờ thì gia đình chị đã tự khoan được giếng. Nước đã đủ dùng cho sinh hoạt. Nhưng khó khăn vẫn còn, ấy là điện. Thực hiện dự án đưa điện lưới quốc gia ra các đảo của huyện Cô Tô, một số đảo như Cô Tô, Vĩnh Thực, Thanh Lân đã lần lượt có điện, nhưng đảo Trần thì chưa. Mà nghề đi biển, con tôm con mực đánh được nếu không có điện chạy ướp lạnh thì khó mà giữ tươi để bán. Hiện các hộ gia đình ở đảo Trần dùng điện chạy máy nổ, tiền dầu rồi tiền công cho người trực máy cùng góp lại, chi phí rất cao. Như nhà chị Cảnh, mỗi tháng phải chi tới bốn triệu đồng cho tiền điện, tôi ngầm so sánh với số tiền điện già một triệu của gia đình mình tại Hà Nội nhưng không dám nói.
Năm 2014, khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án đưa dân ra đảo thì mới lập thôn Đảo Trần. Lập thôn thì phải có trưởng thôn. Chị Cảnh, vốn trước khi ra đảo đã tham gia công tác Đoàn Thanh niên tại địa phương, với sự am hiểu, gắn bó cùng đảo, chị đã được chính quyền huyện Cô Tô, xã Thanh Lân động viên đi học bồi dưỡng sơ cấp chính trị, rồi bồi dưỡng kết nạp Đảng và động viên giữ vị trí Trưởng thôn. Số dân khiêm tốn chỉ hơn năm chục người nên đảo Trần, với diện tích 4,5km2, là một đảo độc lập nhưng theo đơn vị hành chính vẫn chỉ là một thôn của xã đảo Thanh Lân, một thôn nhưng là một đảo - thôn Đảo Trần. Mỗi lần đi họp chị phải sang xã Thanh Lân, thuyền bè cách trở, sinh hoạt chi bộ cũng ở bên ấy. Bởi thế, trước mỗi lần “lên xã” chị lại vòng quanh các hộ trên đảo một vòng để gom góp giấy tờ và những gì cần xác nhận đóng dấu để làm cho bà con.
Câu chuyện với chị Cảnh đã cuốn gần hết buổi chiều trên đảo, tạm chia tay vị nữ trưởng thôn, chúng tôi đi thăm thú một vòng hòn đảo nhỏ bằng chiếc xe máy do anh em trong đồn biên phòng cho mượn. Khi màn đêm buông, tôi và anh bạn đồng nghiệp lại phi xe ngược con đường vừa đi, cắt rừng ra phía cầu cảng. Theo gợi ý của Đồn trưởng Phạm Hồng Thái, chúng tôi sẽ ăn tối với anh em tàu tuần tra để có thêm trải nghiệm và hiểu hơn cuộc sống của những người lính. Chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng trong ánh trăng đêm lành lạnh. Cả không gian lặng phắc, chiếc xe máy cà khổ vất vả leo dốc ì ạch như chỉ muốn dừng lại biểu tình. Con đường xuyên đảo này được đặt tên Trần Khánh Dư, để ghi nhớ công lao khai khẩn vùng biển đảo Đông Bắc của nhà Trần. Khi chúng tôi ra tới cầu cảng, đại úy Vũ Văn Phúc, thuyền trưởng cùng đại úy Lê Đức Cường đã ngồi chờ từ lâu. Đối diện phía bên kia là hai gương mặt trẻ, hai chiến sĩ tên Vũ và Hưng. Chiều nay, tổ công tác của tàu vừa đi làm nhiệm vụ trên biển về. Nhiệm vụ của tàu cũng như các tàu tuần tra, trinh sát khác của các đồn trên vùng biển Đông Bắc, ngoài kiểm soát tàu ra vào qua lại, kiểm tra hàng cấm, hàng trốn thuế, hàng phi pháp ra, còn một nhiệm vụ quan trọng hơn là hỗ trợ ngư dân, hướng dẫn giải thích để bà con thực hiện đúng quy định về vận tải, đánh bắt hải sản cũng như ý thức về quyền chủ quyền, tham gia cùng lực lượng biên phòng duy trì trật tự, an ninh trên biển. Trong báo cáo của đồn Biên phòng Đảo Trần, tôi đã đọc thấy con số hàng trăm lượt tàu vi phạm hàng năm với những hàng hóa trốn lậu lên đến con số nhiều tỉ đồng, cứ năm sau số vụ lại cao hơn năm trước. Nhưng lúc này, bên mâm cơm tối, thuyền trưởng Phúc luôn gạt những câu chuyện ấy sang một bên bởi anh coi đó là nhiệm vụ thông thường mà đồn biên phòng trên biển cửa ngõ nào cũng phải làm. Cũng đúng thôi, trăng đang sáng quá, cảnh này, tình này khó mà nói những chuyện “nghiêm túc”. Vầng trăng non chênh chếch, chúng tôi ngồi, cảm giác như lọt thỏm xuống biển, sát với lòng biển hơn so với ban chiều vì thủy triều rút, con tàu tụt xuống so với vách cầu cảng gần một mét. Ngồi trên boong ngắm trời mây non nước, những vệt núi ngậm trăng huyền ảo, xa xa, trên điểm cao nhất đảo kia, lá cờ chúng tôi mang ra đảo sáng nay vẫn in thẫm uy nghi trên nền trời, dù chỉ một chấm nhỏ bé cũng rất dễ nhận ra. Đại úy Vũ Văn Phúc bảo, điểm cao ấy tính cả chiều cao cột cờ là 208m. Ngồi ở đây vừa có chút ngông ngạo với cảm giác làm chủ đất trời vừa thấy mình nhỏ bé vô cùng trước mênh mang trời biển.
Chúng tôi trở về đồn khi đã khuya lắm. Không dám làm kinh động, tôi tắt máy xe dắt bộ, người lính làm nhiệm vụ gác đêm tiến lại gần và hướng dẫn chúng tôi về phòng nghỉ. Đồn nhìn ra vụng biển. Cảnh sắc nên thơ. Phía biển, trăng vẫn nhuộm vàng óng ả và thao thiết. Đêm nay tôi sẽ có một đêm nghỉ lại đảo Trần. Khi được chỉ chỗ sẽ nghỉ qua đêm, tôi còn thấy nguyên xi những vật dụng của chủ nhân, chiếc điện thoại kèm dây sạc vẫn để đầu giường. Tôi hơi ái ngại, vì người có giường sẽ phải “sơ tán” đi ngủ chỗ khác. Nhưng ở đảo là thế, nhà báo ra công tác thì cũng như bộ đội đơn vị thôi, tôi cũng không thể từ chối vì dù sao cũng cần một chỗ ngủ. Rồi chủ nhân chiếc giường xuất hiện nhoẻn cười. Đó là một chàng trai dong dỏng, nước da nâu khỏe khoắn. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại cậu bảo, em qua phòng khác còn đầy giường mà anh. Tôi hiểu phòng khác là phòng chiến sĩ, đông người, còn đây là phòng sĩ quan nên chỉ có hai giường, VIP hơn nên ưu tiên cho khách.
Sáng hôm sau, trong nội dung làm việc của chúng tôi có chụp ảnh một số hoạt động của bộ đội. Một tổ công tác được điều làm nhiệm vụ tuần tra. Nhìn chàng sĩ quan trẻ chỉ huy nhóm chiến sĩ, tôi ngờ ngợ nhận ra vị chủ chiếc giường mình ngủ tối qua bèn hỏi:
- Hôm qua anh ngủ giường em phải không?
Chàng trai khẽ cười đáp:
- Vâng ạ!
Thì ra Phạm Khả Lân là Đội trưởng vũ trang của đồn, cấp hàm Thượng uý. Một bất ngờ nữa, sau vài câu hỏi thăm, tôi được biết Lân cũng ở Hà Nội, ngay đường Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, cách nhà tôi chừng hai cây số. Bất ngờ bởi đa số anh em bộ đội tôi gặp trên đảo đều quê Quảng Ninh, một ít ở các tỉnh lân cận vùng Đông Bắc, riêng Lân có vẻ như ở xa nhất, lại hẳn Hà Nội.
- Nhà em có ai bộ đội không?
- Có ạ. Bố em là bộ đội, từng tham gia chiến đấu tại Campuchia.
- Vất vả thế sao em vẫn chọn bộ đội?
- Em thích.
Lân trả lời ngắn gọn. Cậu là con út trong gia đình có bốn anh chị em. Học xong cấp ba Lân chọn thi Học viện Biên phòng. Cả khoá có duy nhất cậu chọn trường quân đội và thi đỗ, giờ ra trường công tác đã năm năm. Đảo Trần xa xôi cách trở là thế nhưng trước khi làm nhiệm vụ ở đảo tuyến đầu Đông Bắc này, Lân còn ở tận Khánh Hoà. Tôi cũng từng ở Trường Sa, Tây Nguyên... bộ đội thế là thường, nhưng với một chàng trai Hà Nội thì nó vẫn gây cho tôi một sự bất ngờ nhẹ, và cảm mến. Sau khi thực hiện xong nội dung chụp ảnh chúng tôi ngồi nghỉ trên ghềnh đá nhìn ra biển cùng trò chuyện. Tôi hỏi Lân:
- Thế cứ đi suốt thế này, chuyện vợ con thế nào?
- Kệ! Còn trẻ cứ đi đã anh ạ.
Ừ nhỉ! Lân còn trẻ. Có những thứ tuổi trẻ không làm về sau sẽ mãi mãi không làm lại được.
Chẳng riêng gì Lân, mỗi cán bộ chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Đảo Trần đều có một tuổi trẻ xông pha như thế. Mỗi người đều có những câu chuyện hậu phương của riêng mình. Đêm hôm qua, tôi cũng đã ngồi với Đại úy chuyên nghiệp Lê Đức Cường, nhân viên hàng hải và anh em trên boong tàu trinh sát. Sau bữa tối đến tuần trà. Chén trà, điếu thuốc với mỗi người lính dường như cần thiết hơn, thân thuộc và gắn bó hơn với những người đàn ông khác. Nhất là với những người lính vùng biên ải. Từng có những năm tháng ở Trường Sa nên tôi thấm thía điều đó. Trong những ngày biển động, không rau xanh, không thực phẩm tươi, sự thiếu vắng, nhạt mồm nhạt miệng đến độ nôn nao trước sóng cồn gió giật. Khi ấy, ấm trà điếu thuốc còn quý hơn vàng. Trên boong tàu, chúng tôi vừa nhâm nhi những chén trà vừa thưởng nguyệt. Cường sinh năm 1978, cũng trạc tuổi tôi, có con trai đầu mười tuổi, cũng trạc tuổi con tôi. Cả tuổi trẻ của Cường là những năm tháng trên các vùng biển đảo. Như đại đa số những cô cậu bé con nhà lính khác, hai con của Cường lớn lên bên mẹ và những người thân khác là chủ yếu, bởi bố cứ biền biệt xa nhà. Kể về tổ ấm nhỏ ấy ánh mắt Cường buông rộng ra mặt biển, nơi ánh trăng lai láng dát vàng, rộng mãi vào trong ấy là bờ bãi, xa nữa về phía ấy ba trăm cây số là tổ ấm nhỏ của anh. Nhà Cường ở Quảng Yên, cũng là Quảng Ninh, cùng chung một vầng trăng, một khoảng trời Đông Bắc đấy mà xa xôi cách trở. Mỗi lần về phép phải lựa ngày sóng yên bể lặng mới đi xuồng được vào bờ. Rồi từ bờ bắt xe ôm lên Móng Cái, rồi từ Móng Cái mới có xe để về nhà. Nếu thuận tàu thuận xe thì còn đỡ, chẳng may có trục trặc gì, quãng đường ấy như kéo dài mãi ra. Cường vẫn nhớ lần về phép bảy năm trước, khi anh làm nhiệm vụ tại một đồn trên biển Đông Bắc. Chặng trên biển ổn, về Móng Cái cũng ổn, duy chỉ có chặng tưởng như thuận lợi nhất lại gặp sự cố. Một xe container bị lật chắn ngang đường, thế là con đường độc đạo bị tắc nghẽn, xe nọ dồn đuôi xe kia khiến xe cứu nạn cũng chẳng đến được nơi mà cứu, mãi không giải tỏa được, cả đoạn đường vài cây số bị dồn chặt cứng. Mắc kẹt không sao thoát ra được, hành khách đi xe trở thành… hành khất. Mì tôm lên giá bốn mươi nghìn một gói, cục xôi bằng nắm tay năm chục nghìn. Chuyến ấy Cường mất toi bảy ngày cho việc đi lại trong số những ngày phép ít ỏi. Bảy ngày bị bớt ấy sẽ là bớt đi những vòng tay âu yếm với người vợ đếm từng ngày gần chồng, sẽ là bớt đi những phút hàn huyên với bạn bè thân hữu, sẽ là bớt đi những động viên tâm sự với bậc sinh thành, những khoảnh khắc vui đùa cùng các con chứ chưa nói đến việc ngó ngàng vào bài vở, góc học tập của chúng. Mẹ Cường năm nay đã tám lăm, còn bố anh đã mất năm 2000. Có lẽ những lời hỏi thăm của tôi đã chạm đến phần sâu thẳm nhất của mỗi người lính vốn được dồn nén, bị khuất lấp đi trong những nhiệm vụ thường nhật. Thoáng chút trầm ngâm trên gương mặt sạm nắng gió của người lính tuổi bốn mươi. Có lẽ anh đang nhớ về những đêm trăng nơi quê nhà, về những kỉ niệm ấu thơ chăng, nhất là vào một đêm trăng đẹp như đêm nay.
Trong những lần làm việc tại Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chúng tôi đã được nghe về chính sách luân chuyển cán bộ mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã vận dụng khá thành công trong lực lượng để tạo sự công bằng, đó là việc đảo quân giữa các đồn miền Nam và miền Bắc, như một sự san sẻ những khoảng cách hậu phương người lính. Và sau đó vài năm, trong những chuyến đi về các đồn biên phòng, chúng tôi đều gặp những mảnh ghép của chính sách ấy, mỗi người lính quân hàm xanh như đều dự phần vào chính sách nhân văn này. Cứ vỗ vai hỏi bất kì một sĩ quan, một quân nhân chuyên nghiệp ở một đồn biên phòng nào cũng rất dễ gặp một người như thế, như tôi từng hỏi Đại úy Lê Đức Cường rằng, trước khi ở đảo Trần anh ở đâu, câu trả lời là đảo Vĩnh Thực, tôi tiếp tục hỏi Cường, trước Vĩnh Thực ở đâu, câu trả lời là Nha Trang. Vĩnh Thực gần đảo Trần thôi, nhưng Nha Trang là khoảng cách cả ngàn cây số. Khoảng cách này với Thượng úy Nguyễn Lê Tùng, Đội trưởng Đội Tham mưu - Hành chính còn được nâng lên gần gấp đôi bởi trước khi về với vùng đảo Đông Bắc này anh làm nhiệm vụ mãi tận Tịnh Biên, An Giang, nơi giáp ranh với nước bạn Campuchia. Bù lại, đoạn đường từ đảo Trần về nhà của Tùng gần hơn Cường, quãng đường ngắn thôi, “chỉ có” hai trăm cây số, vì nhà anh ở thị xã Đông Triều. Thì cứ tạm hiểu, hễ một người lính chia tay gia đình vào Nam nhận nhiệm vụ sẽ có một người lính khác được chuyển nơi đóng quân từ trong Nam ra Bắc, cũng là xa nhưng dù sao vẫn gần nhà hơn. Mỗi người cống hiến một chút, san sẻ sự hi sinh một chút để niềm vui nhân lên nỗi buồn vơi đi, để hơi ấm người chồng, người cha tỏa đều trong mỗi căn nhà lính khắp mọi miền quê, mọi xóm làng.
Đông Triều cũng là quê hương của Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đảo Trần Đào Xuân Nguyên. Tuổi trẻ của anh cũng là những cái tết ăn hết ở đồn này đến đồn khác, đến nỗi khi tôi hỏi anh đã ăn bao nhiêu cái tết ở đơn vị Nguyên cứ ngẩn ra, vì làm sao mà nhớ ngay được. Đông Triều cũng là nơi đóng quân của bốn cựu chiến binh vùng Đông Bắc là những vị khách trong đoàn ra với đảo gồm PGS.TS. Hoàng Đăng Trọng, các bác sĩ Nguyễn Trọng Khìn, Nguyễn Văn Trung và Phạm Đức Vy. Những người lính già trẻ nhanh chóng nhận ra điểm chung. Thế nên câu chuyện về vùng đất này, về những ngày tháng 2 năm 1979 khi họ có mặt tại vùng Đông Bắc cũng là lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra cứ chảy tràn. Trong những câu chuyện ấy, có hai người Hải Dương đã nhận ra nhau là người quen. Hay nói đúng hơn, một bệnh nhân đã nhận ra bác sĩ của mình. Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thành Hưng, Nhân viên vũ trang của đồn vốn là chàng trai Gia Lộc, Hải Dương. Anh đã gặp bác sĩ Phạm Đức Vy trong một lần về phép. Lần ấy, không gặp sự cố tắc đường như Đại úy Lê Đức Cường nhưng anh Hưng lại phải san sớt những ngày phép của mình cho một việc khác. Lần về thăm nhà ấy anh bị đau dây chằng không chịu nổi nên phải tìm đến phòng khám ở thành phố Hải Dương, bác sĩ Vy chính là người thăm khám cho anh. Tôi hỏi thăm về vụ đau dây chằng, anh Hưng cho biết, năm 1999, khi ấy anh ở Đồn Biên phòng Cái Chiên, vào rừng lấy củi cho đơn vị do mang vác nặng nên bị giãn dây chằng. Năm 2012, Nguyễn Thành Hưng lại được điều động vào tăng cường cho phía Nam tại Đồn 352 ở Phú Yên, trong một dịp giúp dân chạy triều cường, do mang vác quá sức cái lưng của anh lại tiếp tục giở chứng. Đó là nguyên do anh có mặt tại phòng khám và được vị bác sĩ đang đứng trước mặt thăm khám kê đơn thuốc. Là quân nhân, có bảo hiểm y tế tại bệnh viện quân đội nhưng vì đang nghỉ phép, lại đau bất ngờ nên anh đi khám gần nhà cho tiện và kịp thời. Thật tình cờ khi hôm nay cặp bệnh nhân - thầy thuốc ấy lại có cuộc hội ngộ tại hòn đảo tiền tiêu xa xôi này trong một danh xưng thật gần gũi: đồng hương. Tất nhiên, Hưng cũng có một mái ấm với những đứa con tại quê nhà như nhiều đồng đội khác và việc nuôi dạy con cũng chủ yếu qua… điện thoại.
Thế đấy, dưới những mái nhà nào đó có những đứa trẻ “cứ tự nhiên mà lớn” thì ở phía bên kia, nơi chân trời góc bể nào đó, sẽ có những người bố “cứ tự nhiên mà già”. Tôi chợt nhớ đến bài thơ Đỉnh núi của nhà thơ Trần Đăng Khoa, hình ảnh này đã được anh khái quát thành những hình tượng thơ lay động: Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già. Bài thơ viết về những người lính biên phòng ở đồn rừng, nhưng đã là lính biên phòng thì đồn rừng hay đồn biển đều vất vả như nhau cả thôi. Năm tháng qua đi, vừa tết, ngoảnh đi ngoảnh lại đã lại tết, mái tóc xanh dần điểm bạc, và họ cứ lặng lẽ già đi lúc nào không biết.
Đất ở đảo có mặn hơn ở đất liền không? Hơn một lần, trong những suy nghĩ vẩn vơ về biển đảo tôi đã tự hỏi mình như thế. Hơn ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ trải dọc khắp dải đất hình chữ S này lặng lẽ chẳng thể trả lời cho tôi. Nhưng tôi tin là sẽ mặn. Trong bao la trùng dương, nhú lên từ biển cả một cái chóp tí xíu hà cớ gì không mặn? Mà như thể càng xa đất liền, càng nơi bờ xa dặm thẳm sẽ càng mặn hơn. Đảo Trần xét về khoảng cách cũng gần đất liền đấy, nhưng là chốt tiền tiêu, chắc hẳn độ mặn cũng lên màu, còn xa nhất như Trường Sa, Hoàng Sa thì ngoài mặn từ biển cả còn có vị mặn của máu đào các chiến sĩ cảm tử.
Đất ở đảo Trần mặn thật. Là cái mặn thuần túy về mặt thổ nhưỡng. Khi nhìn cơ ngơi mới được đầu tư xây dựng của đồn biên phòng, khuôn viên rất đẹp nhưng lại thiếu màu xanh vì cây cối còi cọc, tôi bày tỏ sự băn khoăn thì đồn trưởng Thái gãi đầu gãi tai thanh minh:
- Chúng em trồng mãi mà trồng cây gì cũng chết, do đất đảo mặn nên cây gì cũng khó trụ. Để ý mãi anh em trong đồn mới phát hiện ra chỉ có cây ổi là bám trụ được.
Vậy nên đồn trưởng Thái bèn cho nhân rộng loại cây này. Thái được coi là một đồn trưởng trẻ năng động, sinh năm 1983, đảm đương vị trí đồn trưởng sớm, thuộc diện cán bộ nguồn. Một cán bộ trong đoàn rỉ tai tôi, lẽ ra, theo quy trình Thái sẽ nhận cương vị đồn trưởng tại Đồn Biên phòng đảo Quan Lạn, nhưng ở đấy đồn trưởng chưa đến kì luân chuyển, và Thái đã tình nguyện ra với nơi được cho là gian khó nhất của biên phòng Quảng Ninh, đảo Trần. Mới nhận nhiệm vụ chưa đầy năm nhưng anh cũng đã có nhiều hoạt động góp phần làm thay đổi bộ mặt đơn vị, duy chỉ có việc trồng cây xanh có vẻ “khó xơi” với chàng đồn trưởng trẻ đầy hăm hở này. Đảo Trần là đảo đất, nhìn toàn đảo vẫn được bao phủ một màu xanh nhưng đó là những loại cây đã được sàng lọc tự nhiên, hợp với thổ nhưỡng trên đảo, còn các loại cây trồng mang từ đất liền ra đều “quy tiên” không sớm thì muộn. Ngay cả rau xanh cũng không lên được, vì vậy việc tăng gia trồng trọt ở đây khó khăn không khác gì Trường Sa. Tôi phát hiện thấy một loại cây có lá một mặt xanh một mặt màu tía xòe như chân vịt trước hiên nhà của đội vũ trang. Hỏi thì được anh em cho biết đó không phải hoa, cũng không phải cây cảnh mà là một loại rau. Tuy trồng để ăn nhưng anh em cũng không ai biết rõ tên, không hiểu các thế hệ lính biên phòng đã tuyển lựa và mang về trồng từ khi nào, chỉ biết nó đã trở thành nguồn rau xanh cải thiện bữa ăn từ lâu, nhất là những ngày biển động, rau quả từ đất liền không ra với đảo được thì những cây rau này thật đáng quý.
Hỏi về việc trồng cây, bà con trên đảo cũng cùng chung nhận xét về sự khó khăn này. Chị Cảnh chỉ cho tôi vạt keo lá chàm trồng trên lưng chừng núi phía sau nhà.
- Trồng cả chục năm nay rồi mà nó cứ còi cọc thế đấy chú ạ.
Quả tình, nhìn những cây keo lòa xòa ngang thắt lưng, rất khó để hình dung chúng đã tiếp đất chừng ấy năm. Nếu ở đất liền, có lẽ chúng đã được thu hoạch gỗ, bởi keo là giống cây dễ sống, nhanh lớn và có vòng đời ngắn. Nhưng đó là đất liền, còn ở đây thì khác. Để trồng vạt keo này gia đình chị Cảnh đã phải trải qua bao vất vả. Chục năm trước, từ khi mới ra đảo, được bộ đội giúp sức, chị cùng những người lính đào hố trồng, mải mê đến nỗi bị ngã lăn lông lốc theo triền núi. Mà nguy ở chỗ khi ấy chị đang mang thai tháng thứ năm. Chị lăn như một quả bí, rồi không biết vì sao cũng dừng lại được. Xây xẩm mặt mày, nhưng lo cho mình thì ít, lo cho đứa con trong bụng thì nhiều. Cũng may mà thai nhi không bị ảnh hưởng, đứa bé vẫn sinh đủ ngày đủ tháng. Vậy nên cậu bé Việt Anh, con của anh chị có cùng tuổi với vạt keo lá chàm mà chúng tôi được thị sát. Việc trồng cây và “trồng người” được anh chị tiến hành song song, cây thì còi cọc nhưng người thì trộm vía hợp phong thủy. Việt Anh năm nay đã mười một tuổi, học lớp 5. Nhà cậu là hộ gia đình đầu tiên của đảo, còn Việt Anh là công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo, bởi anh cậu sinh ra ở đất liền và cũng được gửi ăn học trong đất liền. Khác với những cây keo cùng tuổi với mình, Việt Anh phổng phao với đôi má phúng phính. Cậu sẽ chỉ ở đảo nốt năm học này nữa thôi, sau đó, sang năm, khi lên lớp 6 sẽ vào đất liền “du học”, bởi ở đảo Trần mới chỉ có trường tiểu học. Gọi là trường cho oai chứ thực ra cả trường cũng chỉ có… bốn học sinh, tất nhiên, với độ tuổi khác nhau theo học các lớp khác nhau, một em lớp hai, một em lớp bốn và hai em lớp năm. Một mình thầy giáo Đặng Văn Tuấn vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên cho tất cả các lớp học. Cô Ngần Thị Minh phụ trách bậc mầm non cũng tương tự như thế. Ngoài Việt Anh, đảo chưa có công dân thứ hai, bởi các hộ còn lại đều ra đảo từ năm 2014, chưa cặp vợ chồng nào kịp hưởng ứng sự nghiệp “trồng người” cho đảo.
Ở chốt tiền tiêu này, đất dù có mặn cây cối vẫn rút ruột mà xanh. Con người cũng bấm chân trên đất mặn mà nghênh phong đón vũ. Đất đảo mặn mòi đã thẩm thấu, hun đúc cho họ một sự bình thản, như một thái độ sống, như một tâm thế tự nhiên với quê hương đất nước mà khi hỏi họ chỉ cười mộc mạc chẳng hề chạm đến một mĩ từ nào. Đất có mặn thì con người càng rắn rỏi. Trước khi chia tay, đồn trưởng Thái nói rằng, anh đang cho bộ đội thay đất cũ trong khuôn viên bằng đất mới đủ chất dinh dưỡng để làm lớp mồi cho cây bám rễ. Cùng với đó, một số giống cây vốn chịu được thời tiết khắc nghiệt nơi đảo xa cũng được ươm trồng. Sát bờ biển trước đồn, tôi đã bắt gặp hai cây bàng vuông được trồng vào rào chắn cẩn thận. Loài cây quen thuộc đã trở thành biểu tượng của Trường Sa này đã xuất hiện ở đây với những vầng lá xanh tốt, hứa hẹn một màu xanh mới cho đảo.
Tôi tin đến một ngày, rồi dòng diện sẽ vươn khơi đến với đảo Trần để thắp sáng hòn đảo nơi cửa ngõ biển Đông Bắc, để cuộc sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo đỡ vất vả hơn. Lúc ấy đảo Trần sẽ được thắp sáng về mọi mặt. Ý nghĩ ấy theo tôi mãi khi đã đứng trên chiếc xuồng nhỏ rời đảo. Tôi ngoái nhìn dải núi như một lá chắn mà cha ông đã dựng lên trên biển Đông Bắc với cờ đỏ sao vàng tung bay trên chóp núi. Xa xa trên nền trời, vầng trăng non đã nhú.
Đêm nay, sẽ lại một đêm trăng…
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận