Đầu tư phương tiện, nhân lực, nâng cao chất lượng khảo sát, đo đạc biển
VBĐVN.vn - Sau 25 năm gắn bó với vùng biển Tây Nam, Tàu 632 thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 vừa được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định điều chuyển về Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân.
Oi bức đang ở thời kỳ cao điểm cuối tháng Bảy. Hơi nóng bốc lên hầm hập trên cầu cảng Hải đội 695. Tàu 632 cập sát cầu cảng. Chúng tôi vịn tay vào lan can nóng như rang để bước xuống tàu. Thời điểm này, cả Hải Phòng và Quân chủng Hải quân đều đang tập trung những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phòng dịch Covid-19 nên 100% quân số của Hải đội có mặt tại đơn vị.
Đại úy Lương Ngọc Hải, Thuyền trưởng Tàu 632 bước ra chào và đón chúng tôi. Là người miền biển cộng thêm nắng gió mùa này nên nước da chàng thuyền trưởng trẻ này hết sức “mặn mòi”. Hải cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ Tàu 632 đang bảo quản, kiểm sửa, huấn luyện đi biển đồng thời tiếp tục rà soát lại VKTBKT của các ngành, xây dựng kế hoạch công tác toàn tàu, từng bộ phận, huấn luyện làm chủ các vị trí trên tàu”.
Tàu 632 là loại tàu vận tải quân sự do Nhà máy X51 đóng. Sau khi hạ thủy, ngày 30/7/1996, tàu được Vùng 5 đưa vào biên chế của Hải đội 512, Lữ đoàn 127. Tàu có nhiệm vụ SSCĐ; huấn luyện; vận tải chi viện cho các đảo; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đối ngoại quốc phòng và tìm kiếm cứu nạn trên biển, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai…
Sau 25 năm hoạt động trên vùng biển Tây Nam, ngày 14-6-2021, Tư lệnh Hải quân ra quyết định điều chuyển Tàu 632 về Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển.
Lật xem cuốn sổ truyền thống của Tàu 632, chúng tôi không khỏi khâm phục, tự hào về thế hệ cán bộ, chiến sĩ của tàu trước đây: Ngày 10-5-1999, Tàu 632 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì đã “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong cơn bão số 7 năm 1998”. Năm 2004, Tàu được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen trong hoạt động chống cướp biển ở vùng biển giáp ranh với nước bạn và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trung tá Đoàn Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, người trực tiếp tham gia đoàn công tác vào Vùng 5 để nhận tàu thông tin thêm với chúng tôi: “Vùng 5 tổ chức bàn giao Tàu 632 cho Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, không điều chuyển nhân sự. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 632 phần lớn là từ Tàu 630 của Hải đội điều chuyển sang... Tuy nhiên, Tàu 630 và 632 lại cùng thế hệ nên chúng tôi rất yên tâm. Trước khi đi nhận tàu, khung tàu đã được huấn luyện 2 tuần tại đơn vị. Khi vào đến Phú Quốc, anh em tiếp tục huấn luyện tại bến và huấn luyện đi biển. Trong hành trình ra Bắc, chúng tôi vừa kết hợp huấn luyện thực hành trên biển cho cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ Tàu 632 đã thuần thục các vị trí tác nghiệp, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
- Vậy các anh có thể cho biết tàu sắp làm nhiệm vụ gì? Tàu có phải trang bị lại không? Chúng tôi hỏi Thượng tá Lê Văn Tặng, Phó Chính ủy Đoàn.
- Đoàn đang chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên của Tàu chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật biển và từng bước đề nghị cải hoán, lắp đặt trang thiết bị đo đạc phục vụ nhiệm vụ đo đạc, nghiên cứu biển đồng thời huấn luyện cho cán bộ, nhân viên Tàu 632 trước khi chuyển giao, lắp đặt.
- Phạm vi hoạt động của tàu này so với Tàu 888, con tàu khảo sát đo đạc biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á của Đoàn có gì khác không, thưa đồng chí?
- Phạm vi hoạt động của tàu phụ thuộc vào thiết kế tàu, tính chất nhiệm vụ khảo sát, đo đạc. Còn trang bị thì tàu nào cũng có đủ hệ thống đo sâu đa tia, đo địa vật lý, đo hải dương, đo khí tượng và các hệ thống phần mềm đo đạc, thu thập, xử lý số liệu. Như nhiệm vụ sắp tới của tàu mà tôi đã nói thì phạm vi hoạt động của tàu rộng, tàu đi dài ngày, xa bờ, địa hình khảo sát, đo đạc đa dạng, phức tạp.
- 632 không phải một con tàu hiện đại. Như vậy, việc bổ sung Tàu 632 vào đội hình tàu đo đạc, khảo sát biển có góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của Đoàn hay không?
- Chúng tôi quán triệt sâu sắc nghị quyết của Quân ủy Trung ương, của Đảng ủy Quân chủng về xây dựng quân đội, xây dựng Hải quân tinh, gọn, mạnh, hiện đại, nhất là quan điểm “người trước, súng sau”. Trong chiến tranh, trang bị tàu thuyền còn đơn giản nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đoàn vẫn hoàn thành nhiệm vụ đo đạc phục vụ các hoạt động xây dựng và chiến đấu của Quân chủng. "Khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, làm chủ kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" là truyền thống quý báu của Đoàn. Tôi nghĩ trước khi Đoàn tiếp tục có những con tàu hiện đại như 888 thì phải có những cán bộ, nhân viên khảo sát, đo đạc xứng tầm điều khiển những con tàu như vậy trước đã.
- Vậy là công tác cán bộ, chiến lược “chất xám” của Đoàn đã đi trước một bước so với vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT)?
- Vâng! Ngành Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển của Việt Nam so với các nước trên thế giới và khu vực còn non trẻ. Để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao và mở rộng phạm vi hoạt động của ngành, sánh kịp với trình độ các nước trong khu vực và thế giới thì ngành phải luôn nhạy bén, đi trước, đón đầu trong chiến lược đào tạo. Cùng với việc cử cán bộ, nhân viên thủy đạc đi đào tạo thạc sĩ tại Ấn Độ, công tác đào tạo, sử dụng cán bộ ở Đoàn cũng được sắp xếp hợp lý, bảo đảm năng lực làm chủ trong khai thác, sử dụng, bảo quản VKTBKT, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển là đơn vị duy nhất đảm nhiệm nhiệm vụ đo đạc, khảo sát và biên vẽ hải đồ toàn bộ vùng biển Việt Nam. Ngày 22-9-2009, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đoàn vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ có độ chính xác cao, phục vụ nhiệm vụ quân đội, phục vụ quy hoạch, xây dựng khai thác kinh tế biển, nghiên cứu biển của quốc gia, quân đội và hội nhập quốc tế, Đoàn đang được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, tàu thuyền, cơ sở hạ tầng, doanh trại chính quy, hiện đại. Việc điều chuyển Tàu 632 về Đoàn là một bước đi cụ thể trong lộ trình đó.
Còn với Đại úy, Thuyền trưởng Lương Ngọc Hải, nguyên Phó Thuyền trưởng Tàu 630; Đại úy QNCN Nguyễn Văn Bình, nguyên Nhân viên hàng hải; Đại úy QNCN Lưu Quang Sinh, nguyên Nhân viên Máy tàu, Tàu 630-những người chúng tôi đã trò chuyện, họ đều có chung tâm nguyện: Phát huy năng lực của mình, phát huy truyền thống của thế hệ Tàu 632 trước đây để phấn đấu, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hải đội, của Đoàn trong thời kỳ mới.
Mai Trang (theo baohaiquanvietnam.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận