Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
VBĐVN.vn - Hơn 250 cán bộ thôn, tổ dân phố cùng chức sắc các tôn giáo, già làng, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã được tiếp cận những thông tin mới nhất về tình hình biển, đảo Việt Nam. Để từ đó, mỗi cá nhân sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại địa bàn dân cư, giúp nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền các nội dung về biển, đảo là hoạt động quan trọng được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng triển khai thường niên trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng sâu, vùng xa để người dân hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo - bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp nghe kể chuyện về biển Đông từ các cán bộ của Vùng 4 Hải quân. Vậy mới biết những chiến sĩ bộ đội hải quân đã và đang vất vả thế nào để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc”, già làng Lơ Mu Ha Djô (Thôn 6, xã Đạ Sar) chia sẻ sau khi lắng nghe buổi tuyên truyền do báo cáo viên của Vùng 4 Hải quân thông tin về tình hình biển, đảo Việt Nam.
Khi các phương tiện nghe nhìn hiện đại đều được các gia đình tiếp cận, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những thông tin thời sự về biển, đảo cũng được bà con dân tộc thiểu số biết đến. Tuy nhiên, theo già làng Lơ Mu Ha Djô, người dân vẫn chưa thực sự thấu hiểu được tầm quan trọng của biển, đảo.
Trong 5 ngày, từ ngày 7-11/8, đoàn công tác Vùng 4 Hải quân do Thượng tá Vũ Viết Bằng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 162 làm Trưởng đoàn đã hoàn thành thực hiện 12 buổi tuyên truyền trên địa bàn các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lạc Dương và Di Linh. Đã có gần 3.000 cán bộ, giáo viên, chức sắc các tôn giáo, già làng, người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp những thông tin nổi bật về tình hình biển, đảo trong thời gian qua; quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những kết quả nổi bật trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển...
“Qua hội nghị này, tôi cùng với các chức sắc tôn giáo, già làng uy tín khác trong vùng đã biết được rằng trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bảo vệ đất nước không phải của riêng ai. Bản thân mỗi người đều có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo, bởi vì đó cũng là cách để bảo vệ hòa bình, giúp phát triển kinh tế xã hội cho đất nước, giữ bình yên cho buôn làng”, già làng Lơ Mu Ha Djô chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương cho biết, những năm qua, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Lạc Dương cũng đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Vùng 4 Hải quân tổ chức các lớp tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt, giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện. Năm nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Huyện ủy triển khai một buổi tuyên truyền riêng cho các đối tượng là chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng nhằm phát huy vai trò của lực lượng này trong tuyên truyền, vận động tín đồ tôn giáo và đồng bào các dân tộc cùng chung tay, góp sức xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Huyện Lạc Dương có hơn 65% đồng bào dân tộc thiểu số và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Chính vì vậy việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những thông tin về tình hình biển, đảo là rất cần thiết. Chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng sẽ trở thành cầu nối nhằm làm tốt công tác tuyên truyền về biển đảo đối với cộng đồng, góp phần chống lại những âm mưu lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam để hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Giang chia sẻ.
Bằng những câu chuyện thực tế và hình ảnh sinh động, Thượng tá Vũ Viết Bằng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 162 nhấn mạnh: “Lịch sử xa xưa cho tới nay và mãi mãi về sau, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Và chúng ta có đầy đủ chứng cứ về lịch sử, pháp lý và thực tế để khẳng định điều đó”.
Hiện nay tình hình biển, đảo đang hàng ngày, hàng giờ có những diễn biến phức tạp bởi những tranh chấp về lợi ích của các nước và vùng lãnh thổ trên khu vực biển Đông. Với những nội dung được cập nhật mới, trọng tâm, phù hợp, cán bộ, giáo viên, chức sắc các tôn giáo, già làng, người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu thêm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo.
Hồng Thắm (baolamdong)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận