Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, nuôi cá lồng bè trên biển bền vững

14:15 21-09-2022

VBĐVN.vn - Vừa qua, tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức diễn đàn “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển”.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Theo Tổng cục Thủy sản, tại Việt Nam, nhất là một số tỉnh phía Bắc có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ thuận lợi cho nuôi lồng bè. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha; trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha.

Nhiều loại cá nuôi lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển... Cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con và 387 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, sản lượng sản xuất thực tế đạt 41,1 tỷ con. Số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý: 6.506 cơ sở. Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp. Thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển.

Tuy nhiên, nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển.

Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Sử dụng cá tạp làm thức ăn, dễ gây ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn hạn chế. Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn, nhiều tham luận, ý kiến đề xuất của đại biểu nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển.


Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển cần chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng cá biển, tôm biển, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE (lồng nuôi có khung làm bằng nhựa HDPE), sử dụng thức ăn công nghiệp giảm thức ăn cá tạp, ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ đàn cá nuôi cho người dân. Hơn nữa, việc xây dựng mô hình, dự án nuôi cá biển, tôm hùm có trách nhiệm gắn với các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân trong đó lấy hợp tác xã là nòng cốt, nông dân làm trung tâm với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho ngư dân.


Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cá biển, nhuyễn thể. Đặc biệt Quảng Ninh còn phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc và hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch. Diện tích nuôi trồng thủy hải sản đạt 32.092 ha.


Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thuỷ sản của miền Bắc; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ các vùng nuôi biển tập trung xa bờ tại Quảng Ninh. Phát triển các mô hình trang trại nuôi biển quy mô công nghiệp gắn với du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm.


Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, để phát triển bền vững nghề nuôi cá biển, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ từ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chính sách (đặc biệt chính sách khuyến khích doanh nghiệp), phát triển thị trường, đầu tư... Nhà nước cần tiếp tục các chương trình nghiên cứu phục tráng, chọn giống nguồn gen cá biển nhằm cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mặt khác, quản lý, kiểm soát về chất lượng các nguồn giống ngoại nhập; đầu tư nghiên cứu phát triển vacine phòng bệnh cho một số loài cá biển nuôi chủ lực, sử dụng bổ sung các chế phẩm probiotics để nâng cao sức đề kháng, qua đó hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình ương nuôi.

Nuôi cá lồng bè tại vùng biển Cẩm Phả, Quảng Ninh

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển ở các tỉnh gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Đặc biệt, xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước; các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD.

Thu Thảo

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang