Dịch vụ hậu cần nghề cá ở quần đảo Trường Sa: Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi
Trên quần đảo Trường Sa, hiện nay, một số đảo đã có âu tàu. Đây được xem như những “ngôi nhà chung” giữa biển khơi giúp ngư dân tránh trú bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá. Những “ngôi nhà chung” trên biển đã giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vươn xa những những con tàu Việt Nam
Một ngày đầu tháng 5-2021, tàu câu mực số hiệu QNg 90585 TS của ngư dân Quảng Ngãi hướng mũi đi vào âu tàu đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Neo đậu an toàn trong âu tàu, ngư dân Nguyễn Thanh (quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu), cho biết sau hơn một tháng đánh bắt trên biển, tàu vào đây neo đậu để bơm thêm dầu và tiếp một số nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, nước ngọt để tiếp tục ra khơi. “Âu tàu đảo Song Tử Tây và những âu tại các điểm đảo khác là nơi ngư dân thường xuyên ghé vào để vừa tiếp nhiên liệu và các dịch vụ khác, vừa là nơi tránh trú an toàn cho mỗi chuyến đánh bắt xa bờ lâu ngày”, thuyền trưởng Nguyễn Thanh cho biết.
Tại âu tàu đảo Đá Tây A một ngày đầu tháng 5-2021, gần 100 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang neo đậu trong âu vừa sửa chữa vừa tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, nước ngọt. Vừa cập vào mạn cầu để lấy thêm đá lạnh giúp bảo quản hải sản, thuyền trưởng tàu NT 91007 TS anh Võ Văn Dự vui vẻ chia sẻ: “Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Ninh Thuận. Là những ngư dân đánh bắt xa bờ, từ ngày những âu tàu trên quần đảo Trường Sa được xây dựng, chúng tôi càng yên tâm, vững chí hơn để vươn khơi bám biển”.
Theo anh Dự, ngư trường Trường Sa là vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Ninh Thuận nói riêng. Mỗi chuyến đánh bắt tại Trường Sa thường kéo dài khoảng hai tháng.
“Từ khi có âu tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo, chúng tôi cảm thấy rất an tâm để vươn khơi, bám biển. Những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho đánh bắt cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều cả về nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt. Nếu như trước đây, những thứ này đều phải quay về bờ để lấy, nay trên đảo đã có sẵn. Giá dịch vụ trên đảo cũng bằng với giá ở đất liên nên thuận tiện và tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt”, ngư dân Võ Văn Dự phấn khởi cho biết.
Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển
Ông Nguyễn Xuân Mới, thuyền trưởng tàu Đá Tây 03 - phụ trách Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết: Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây là nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, dầu nhớt, nước đá cây phục vụ ngư dân đánh bắt trên ngư trường quần đảo Trường Sa. “Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo luôn nêu cao tinh thần hỗ trợ, phục vụ ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Những tàu thuyền của ngư dân sau khi gặp các sự cố, hỏng hóc cần sửa chữa, chúng tôi luôn hỗ trợ ngư dân tối đa, sửa chữa nhưng không lấy tiền công. Giá cả các dịch vụ như dầu nhớt, lương thực, thực phẩm, giá chỉ bằng với giá ở đất liền. Bà con lên âu tàu được cung cấp nước ngọt và thuốc men miễn phí”, ông Nguyễn Xuân Mới cho biết.
Theo Trung tá Nguyễn Đình Dũng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A, năm 2020 và quý I năm 2021, Trung tâm Y tế trên đảo đã khám và điều trị cho 1.581 trường hợp, trong đó có hơn 1.200 lượt ngư dân. Đảo Đá Tây A đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2.700 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, giúp đỡ ngư dân gạo, nước ngọt, nhu yếu phẩm khi tàu vào âu tránh trú bão. “ Những việc làm trên đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp giữa quân và dân. Đây cũng chính là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển”, Trung tá Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Mới cho biết, trên đảo Đá Tây luôn có tàu cứu hộ, cứu nạn thường trực. Trường hợp tàu của ngư dân bị nạn hoặc hỏng hóc trên biển, khi nhận được thông tin, những tàu cứu hộ như Đá Tây 03 sẽ tổ chức tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn lai dắt về âu sửa chữa giúp ngư dân.
“Vào những thời điểm sóng to, gió lớn hoặc gặp bão, Trung tâm phối hợp với chỉ huy đảo và các lực lượng tổ chức sắp xếp, bố trí giúp tàu của ngư dân vào âu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cho người và tài sản; đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế để ngư dân yên tâm tránh trú an toàn trên đảo”, ông Mới cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải cho biết, hiện nay quần đảo Trường Sa đã có một số âu tàu và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong thời gian qua, UBND huyện phối hợp với các lữ đoàn và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo thực hiện tốt việc giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa; tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khi bị hỏng hóc. “Những việc làm này đã giúp ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển”, ông Hải chia sẻ.
Đến với các đảo, các âu tàu trên quần đảo Trường Sa là đến với “ngôi nhà chung” của quê hương Việt Nam giữa mênh mông biển khơi. Nơi đây không chỉ giúp ngư dân thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận