Điểm A1 - Uy nghiêm Hòn Nhạn
BĐVN.vn - Trải qua 8 năm (2015 - 2023), PV Thanh Niên mới hoàn thành ước muốn của mình: đặt chân tới 11 điểm đánh dấu đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam (gọi tắt là điểm cơ sở) -11 cột mốc trên biển. Những nơi, chủ yếu là điểm xa xôi khó khăn, hiếm người biết đến.
Sau 3 lần ra Thổ Châu rồi lại... quay về, cuối tháng 11.2021, chúng tôi quyết định ở lại đảo cả tuần, chờ cho được lúc thời tiết tốt để đổ bộ lên điểm A1 - Hòn Nhạn cùng bộ đội Đồn biên phòng Thổ Châu (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang).
Từ đất liền ra TP.Phú Quốc (Kiên Giang) thì đơn giản vì có nhiều chuyến bay và tàu cánh ngầm, phà biển. Nhưng từ Phú Quốc ra xã đảo Thổ Châu (trực thuộc TP.Phú Quốc) thì hơi khó, bởi chuyến tàu khách duy nhất chỉ hoạt động 1 chuyến/tuần. Ra hôm trước, hôm sau về Phú Quốc và khi biển động, tàu dừng hoạt động, có khi vài tuần.
Từ đảo Thổ Châu (hay còn gọi là Thổ Chu) phải đi thêm 1 chuyến tàu nữa mới ra tới đảo Hòn Nhạn - điểm A1 đường cơ sở Việt Nam. "Hòn Nhạn nằm ở phía tây nam đảo Thổ Châu, cách cầu cảng đảo khoảng 5 km đường chim bay. Chỉ có thể ra Hòn Nhạn khi sóng yên biển lặng, người lái rành rẽ luồng lạch và biết chỗ lặng sóng để thả thuyền nhỏ, cập vào đảo", ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, cho biết.
Liên tiếp trong 2 năm, chúng tôi theo tàu vận tải quân sự của Vùng 5 Hải quân đi chúc tết cuối năm ở Thổ Châu để tranh thủ thời gian 1 - 2 ngày ở lại đảo, để ra Hòn Nhạn, nhưng đều bất thành vì thời tiết.
Cuối tháng 11.2021, chúng tôi từ Phú Quốc ra Thổ Châu theo tàu khách và ở lại đợi đến chuyến tàu sau, tròn 1 tuần mới về lại, để ra bằng được Hòn Nhạn - điểm A1 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam.
Ngày thứ 4, biển lặng sóng. "Tranh thủ đi ngay", trung tá Danh Hiếu, Chính trị viên Đồn biên phòng Thổ Châu, gấp gáp và hối chúng tôi ra cầu cảng chính. Chiếc tàu cá chạy gần 1 tiếng đồng hồ mới tới Hòn Nhạn. Thuyền trưởng Tư An kéo chiếc thuyền nhỏ cập mạn để đội tuần tra của Đồn biên phòng Thổ Châu và chúng tôi trèo lên, lạch tạch chạy vào, tìm đúng chỗ ghềnh đá ít sóng, lần lượt mọi người chờ mũi thuyền ngang bờ, nhảy vụt lên đảo.
Trung tá Danh Hiếu rành rẽ: Hòn Nhạn là một hòn đảo trong quần đảo Thổ Châu. Đảo có diện tích khoảng 3,37 ha, cấu tạo từ đá trắng xếp chồng lên nhau, tạo thành nhiều hang cạn cho chim nhạn sinh sống. Đỉnh cao nhất cách mặt nước biển khoảng 40 m, không có nguồn nước ngọt, chỉ có cây bụi và cỏ dại.
Những năm qua, bộ đội Đồn biên phòng Thổ Châu và Trung đoàn 152 (Quân khu 9) đã tích cực mang các giống cây con ra đảo trồng và chăm sóc, để xanh hóa Hòn Nhạn.
Năm 2017, mốc cơ sở theo đường cơ sở A1 đã được xây dựng trên điểm cao nhất của Hòn Nhạn. Đường đi từ mép đảo lên mốc cũng được làm bằng những bậc bê tông, giúp đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Trong chuyến tuần tra cuối năm 2021, chúng tôi cũng chứng kiến bộ đội Đồn biên phòng Thổ Châu vẽ hình cờ đỏ sao vàng ở vị trí 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cạnh hình chữ S đất nước Việt Nam, trên 4 tấm biểu tượng tròn phù điêu trống đồng, gắn ở chân 4 mặt cột mốc.
Ở mặt phía đông cột mốc, vẫn còn nguyên vẹn dòng chữ "Điểm cơ sở A1 theo tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Tọa độ: N09˚15'00" - E103˚27'00" thuộc đảo Hòn Nhạn - tỉnh Kiên Giang. Tọa độ mốc cơ sở: N09˚15'22" - E103˚28'07", cách điểm cơ sở 2154 m theo phương vị 251˚57'29"".
Mặc dù thời tiết biển khắc nghiệt, nhưng những cây trồng do bộ đội Đồn biên phòng Thổ Châu mang ra vẫn sinh trưởng tốt do được chăm sóc thường xuyên. Hiện tại, mốc A1 trên đảo Hòn Nhạn là điểm đến của nhiều đoàn công tác, du khách khi ra thăm - làm việc tại xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang). (còn tiếp)
1. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính theo Tuyên bố này;
2. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của 2 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia) nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) và PouLo Wai (Campuchia), đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị, Việt Nam), theo các tọa độ ghi trong phụ lục nói trên"…
(Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, ngày 12.11.1982)
Tọa độ các điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam
Điểm 0 nằm trên ranh giới phía tây nam của vùng nước lịch sử của nước CHXHCN Việt Nam và CHND Campuchia.
Điểm A1 tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang: N9˚15'0" - E103˚27'0"
Điểm A2 tại Hòn Đá Lẻ ở đông nam Hòn Khoai, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau - PV): N8˚22'8" - E104˚52'4"
Điểm A3 tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo: N8˚37'8" - E106˚37'5"
Điểm A4 tại Hòn Bông Lang, Côn Đảo: N8˚38'9" - E106˚40'3"
Điểm A5 tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo: N8˚39'7" - E106˚42'1"
Điểm A6 tại Hòn Hải, nhóm đảo Phú Quý, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận - PV): N9˚58'0" - E109˚05'0"
Điểm A7 tại Hòn Đôi, tỉnh Thuận Hải: N12˚39'0" - E109˚28'0"
Điểm A8 tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên - PV): N12˚53'8" - E109˚27'2"
Điểm A9 tại Hòn Ông Căn, tỉnh Phú Khánh: N13˚54'0" - E109˚21'0"
Điểm A10 tại đảo Lý Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi - PV): N15˚23'1" - E109˚09'0"
Điểm A11 tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Quảng Trị - PV): N17˚10'0" - E107˚20'6"
(Phụ lục đính kèm Tuyên bố ngày 12.11.1982 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận