Điểm tựa bình an nơi chân sóng
VBĐVN.vn - Khi tính mạng của người dân đứng trước hiểm nguy, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã không quản ngại khó khăn nhanh chóng ứng cứu. Các anh được ví là điểm tựa giữa muôn trùng khơi, là ngọn hải đăng nơi chân sóng của các ngư dân.
Ngược sóng hành quân
Không khí nhộn nhịp vốn có của thành phố biển đã được thay thế bằng đêm tối im lìm vào đầu tháng 10-2022. Ngày hôm đó, mọi người dân đều đóng cửa ngủ sớm hơn, bởi hôm trước phải sơ tán do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Trong màn đêm im ắng, bỗng có ánh đèn điện vụt sáng từ trên biển. Cách bờ gần 20 hải lý, tàu cá của gia đình ông Dương Đe cùng 9 thuyền viên gặp sự cố về máy, đang dần chìm. Người thân của các ngư dân khóc lóc hoảng loạn trước tính mạng của cha mẹ, anh chị em họ đang mong manh trong đêm tối, sóng dữ.
Áo quân phục chưa kịp ráo mồ hôi sau những ngày giúp dân chống bão, khắc phục thiệt hại khi cơn bão vừa dứt, những người lính Biên phòng lại nhận lệnh hành quân trong đêm, ứng cứu ngư dân. Tàu của Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế do Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng trực tiếp chỉ huy, phối hợp với tàu cá của ngư dân do Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An huy động, ngược sóng ra khơi ứng cứu. Không đếm hết bao lần đã từng ra khơi tìm kiếm, cứu nạn, nhưng trước mỗi cuộc hành quân đặc biệt như thế, Thiếu tá Lê Văn Hải và đồng đội không khỏi lo lắng: “Ở trong bờ thời tiết bình thường, nhưng trên biển có mưa giông nên sóng và gió rất lớn, là trở ngại không nhỏ. Trong khi mỗi phút, mỗi giây lúc này đều là cơ hội quý giá cho tính mạng, sức khỏe của ngư dân”.
“Chúng tôi đang gấp rút đến. Chúng tôi đã liên hệ, huy động các tàu đang hoạt động gần nhất. Chúng tôi đang ở cạnh mọi người…” – đó là những thông điệp đầy trách nhiệm mà các chiến sĩ liên tục lặp đi, lặp lại trong quá trình giữ liên lạc, nhằm trấn an cho ngư dân giữ bình tĩnh. Qua Icom các chiến sĩ còn hướng dẫn tỉ mỉ những biện pháp để đảm bảo an toàn; hướng dẫn các ngư dân rời tàu trước khi tàu chìm hẳn.
Bao năm ra khơi vào lộng mưu sinh, ông Dương Đe và các ngư dân đã quen với sóng gió. Nhưng thời khắc sống chết chỉ cách nhau gang tấc, ai nấy không khỏi hoang mang sợ hãi. “Khi biết BĐBP đang đi về phía chúng tôi, tất cả các thuyền viên yên tâm, vững lòng nhiều lắm, dù lúc đó mưa gió vẫn không thôi vần vũ. Bởi chúng tôi biết, các anh không quản ngại gian nan, nguy hiểm để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân” - ông Đe nhớ lại.
Ông Đe và nhiều người dân Thuận An luôn ghi nhớ công lao Liệt sĩ - Binh nhất Lê Đình Tư và Anh hùng, liệt sĩ - Đại úy Phạm Văn Điền (Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế) đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi, khi cứu sống nhiều người dân trong trận lũ lịch sử năm 1999. Vậy nên, thời khắc được cứu, tính mạng đã an toàn, các ngư dân đều bật khóc xúc động, nước mắt nhòa cùng nước biển.
Mệnh lệnh từ trái tim
Cuối tháng 9, khi bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận tin báo về tàu chở hàng CHINA BOARD 1, quốc tịch Panama, trên tàu có 14 thuyền viên, hành trình từ Vũng Tàu đi Ma Cao (Trung Quốc) thì bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển thuộc xã Vinh An (huyện Phú Vang), cách bờ 2,8 hải lý. Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế điều động lực lượng và tàu của Hải đội 2 ra hiện trường tiếp cận, thông báo cho thuyền trưởng tàu CHINA BOARD 1 về hướng di chuyển và sức mạnh của bão Noru (bão số 4) khi đổ bộ vào gần bờ.
“Bão số 4 đang đổ bộ vào Biển Đông, lúc đó, sóng lớn cấp 5-6. Chúng tôi ra tiếp cận tàu gặp nạn, nắm các thông tin để tham mưu cho Bộ Chỉ huy chỉ đạo chính xác với tình hình thực tế trên biển.Tàu trọng tải gần 5 nghìn tấn, ở gần bờ nên rủi ro cao. Nếu đứt dây neo xảy ra tai nạn, sẽ dẫn đến sự cố tràn dầu. Thuyền trưởng tàu CHINA BOARD 1 đã liên hệ 3 đơn vị để cứu hộ, nhưng không có đơn vị nào tiếp nhận, vì tàu mất khả năng điều động, bão lớn nên không đảm bảo an toàn” - Trung tá Nguyễn Thái Bình, Trợ lý hải quân, cứu hộ, cứu nạn, Phòng Tham mưu, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo cứu người trước, đồng thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh về công tác phối hợp cứu tàu. 14 thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. UBND tỉnh huy động 2 tàu kéo thuộc Công ty cổ phần cảng Chân Mây, lai dắt tàu CHINA BOARD 1 ra vị trí thả neo mới, đảm bảo an toàn.
Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòngThuận An, Đồn BPCK cảng Thuận An chia sẻ, không ít ngư dân nhớ số điện thoại của anh và các đồng đội. Đối với Đại úy Nguyễn Minh Phú, Thiếu tá Lê Văn Hải và đồng đội, khi ngược sóng to, gió lớn ra khơi cứu người, các anh không chỉ chấp hành lệnh của chỉ huy, mà còn thực hiện mệnh lệnh từ trái tim của người lính, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
“Chính vì mệnh lệnh thiêng liêng đó, đồng đội của chúng tôi, liệt sĩ Lê Đình Tư và Anh hùng, liệt sĩ Phạm Văn Điền đã anh dũng hi sinh trong thời bình. Chúng tôi luôn mang theo trong hành trang của mình tấm gương hi sinh của đồng đội để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu hộ,cứu nạn” - Thiếu tá Lê Văn Hải xúc động nói.
“Chứng kiến nét mặt vỡ òa hạnh phúc của 9 ngư dân trên tàu cá gặp nạn tại vùng biển Phú Lộc được cứu sống trong cơn bão số 4 vừa qua, chúng tôi rất xúc động, tự hào và càng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng với tình cảm, niềm tin yêu của người dân dành cho BĐBP”.
Trung tá Nguyễn Thái Bình chia sẻ
Vậy nên, có những trường hợp người bị nạn trên biển tưởng chừng không còn cơ hội sống, nhưng BĐBP Thừa Thiên Huế đã gấp rút, quyết liệt phối hợp ứng cứu, giành lại sự sống cho ngư dân. Điển hình là trường hợp ngư dân Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Quảng Bình) bị tai biến khi đang đánh bắt trên vùng biển Thừa Thiên Huế, được BĐBP tỉnh ứng cứu kịp thời và đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, chữa trị thành công. Hay ngư dân Phan Ngọc (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) khi đang cùng các bạn thuyền theo luồng cá cách bờ 53 hải lý, bỗng nhiên đau bụng quằn quại, nôn ra máu, nguy hiểm đến tính mạng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lập tức chỉ đạo Hải đội 2 điều động xuồng tuần tra cao tốc, đưa bác sĩ vượt sóng đi cấp cứu, đồng thời đưa ngư dân Ngọc vào bờ, chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị kịp thời.
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) chân chất nói về những người lính Biên phòng: “Đối với ngư dân, các trạm kiểm soát Biên phòng là “ngọn đèn nơi chân sóng”, luôn dõi theo tàu, thuyền ra khơi và trở về để có thể hỗ trợ, ứng cứu bất cứ lúc nào. Họ luôn vững lòng khi vươn xa đánh bắt, vì đã có BĐBP làm điểm tựa giữa trùng khơi”.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho Đồn BPCK cảng Thuận An và Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế vì thành tích cứu nạn 9 ngư dân trong cơn bão số 4 vừa qua. Rất nhiều Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong cứu nạn, treo kín tường tại phòng họp của Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An, Đồn BPCK cảng Thuận An, Hải đội 2 và nhiều đồn Biên phòng ở ven biển Thừa Thiên Huế. Nhưng đối với những người lính Biên phòng, sức khỏe, tính mạng của người dân được “giành lại” trước hiểm nguy, trước lằn ranh sinh tử, chính là “Bằng khen” ý nghĩa nhất.
Theo bienphong.com.,vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận