Điểm tựa của ngư dân trên tuyến biển Tây Nam

07:18 13-08-2024

VBĐVN.vn - Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn thực hiện tốt công tác hỗ trợ bà con ngư dân và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, thực sự là "điểm tựa" của ngư dân trên tuyến biển Tây Nam.

Vùng 5 Hải quân được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo Tây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc với hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan và Malaixia. Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời cũng là khu vực đánh bắt truyền thống của ngư dân nước ta. Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã luôn sát cánh, đồng hành cùng người dân, thực hiện tốt công tác hỗ trợ bà con ngư dân và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 689 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 11 của Đảng ủy Quân chủng Hải quân về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng 5 đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn về các biện pháp phòng tránh, ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu sập, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng chặt chẽ, nghiêm túc, sát với tình hình thực tế, nhiệm vụ của đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cứu kéo tàu cá Kiên Giang ra khỏi nơi mắc cạn.

Cùng với đó, Vùng 5 Hải quân cũng thường xuyên luyện tập các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn; đầu tư, mua sắm, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Nhờ đó, Vùng 5 Hải quân đã luôn chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Ông Phạm Văn Chiến, ngư dân ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, thuyền trưởng tàu KG 8778 TS xúc động nhớ lại, cách đây chưa lâu, trong khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Tây Nam, cách đảo Phú Quốc khoảng 5 hải lý thì bất ngờ bị thủng, nước biển chảy vào khoang. Trên tàu có 7 ngư dân. Nhận được tín hiệu đề nghị hỗ trợ của ngư dân, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã điều động 1 tàu, 2 xuồng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ làm dây cứu kéo tàu cá gặp nạn. “Ngư dân chúng tôi luôn biết ơn cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã đồng hành, giúp đỡ bảo vệ tính mạng, tài sản để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển”, ông Phạm Văn Chiến chia sẻ thêm.

Theo đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, xác định phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân địa phương với tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”. Trong 10 năm trở lại đây (2014 - 2024), Bộ tư lệnh Vùng 5 đã điều động trên 9.200 lượt cán bộ, chiến sĩ, 145 lượt phương tiện tham gia chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn 146 vụ. Cán bộ, chiến sĩ Vùng đã không quản khó khăn, hiểm nguy, sóng to, gió lớn, kịp thời dập cháy hơn 200 ha rừng, hàng chục nhà dân bị hỏa hoạn; cứu vớt được 43 lượt ngư dân, 55 phương tiện gặp nạn trên biển. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cung cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân đánh bắt gần đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau).

Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đó là luôn huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, các lực lượng với tinh thần trách nhiệm cao. Điển hình là dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã tiếp nhận, vận chuyển hơn 600m3 nước ngọt từ đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và từ Trạm cấp nước sinh hoạt xã Biển Bạch - Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cấp cho người dân.

Ngoài hỗ trợ nước sinh hoạt, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn trao hàng chục suất quà tặng các gia đình chính sách. Đơn vị cũng phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau trao 150 bồn chứa nước (loại 500 lít); 200 bình nước lọc tinh khiết (loại 20 lít) và 50 phần quà tặng các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn 3 huyện: Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắm, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá: “Trong thời điểm nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết. Điều này có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân”.

Chủ động, trách nhiệm trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân không chỉ góp phần quan trọng trong khắc phục hậu quả thiên tại, thảm họa; bảo đảm đời sống, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường đoàn kết quân dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; chủ động chuẩn bị tốt con người, phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các lực lượng đóng quân trên địa bàn ứng phó hiệu quả với các sự cố, thiên tai, thảm hỏa... không để xảy ra mất an toàn trong mọi hoạt động. Đồng thời, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời đề nghị cấp trên biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Nguyễn Dinh - Văn Định

(dangconsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang