Điểm tựa của người dân vùng biển Cà Mau
Những năm gần đây, khí hậu, thời tiết nước ta diễn biến phức tạp, hiện tượng giông lốc xoáy, nước dâng, sạt lở đất, tai nạn trên biển thường xuyên xảy ra. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau luôn xác định công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị trong thời bình.
Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, BĐBP Cà Mau đã tập trung lãnh đạo đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng... Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng duy trì hiệu quả các đài canh dân sự, hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị với các phương tiện hoạt động trên biển. Chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, kịp thời thông báo cho ngư dân khi có tình huống xảy ra, bổ sung kế hoạch, phương án và huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Vì vậy, khi có tình huống xảy ra, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều chủ động, nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, trực tiếp và phối hợp với các lực lượng tại chỗ của địa phương xử lý hiệu quả mọi tình huống.
Điển hình, ngày 15-3-2020, tàu cá KG 90532 TS và KG 91696 TS đang hoạt động cách cửa biển Rạch Gốc (Cà Mau) khoảng 60 hải lý về hướng Đông, thì tàu KG 90532 TS bị chết máy, nên 3 thuyền viên trên tàu là Trần Minh Chắn, Doanh Trọng Nhân và Trần Quốc Khánh được đưa sang tàu KG 91696 TS do ông Trịnh Ngọc Minh làm thuyền trưởng chở vào đất liền. Khi đang hành trình trên biển thì 4 thuyền viên gồm Trần Minh Chắn, Doanh Trọng Nhân và Trần Quốc Khánh (đi trên tàu KG 90532 TS) và Nguyễn Tử Trọng (đi trên tàu KG 91696 TS) đã tự ý kết bè bằng phao, nhảy xuống biển bơi vào bờ, nhưng bị sóng đánh trôi dạt trên biển.
5 năm qua, BĐBP Cà Mau đã điều động 32 lượt phương tiện/583 lượt cán bộ, chiến sĩ, huy động 101 phương tiện/379 ngư dân tìm kiếm cứu nạn được 193 ngư dân, hỗ trợ lai dắt 18 phương tiện bị nạn trên biển đưa vào bờ an toàn; giúp nhân dân sửa chữa, khắc phục 735 căn nhà bị sập, hư hỏng; chằng néo 15.195 căn nhà chống bão, gia cố 800m đê phòng hộ biển Tây.
Khi nhận được thông tin xảy ra vụ việc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho các tàu đánh cá đang hoạt động gần khu vực đảo Hòn Khoai hỗ trợ tìm kiếm. Mặt khác, chỉ đạo Đồn Biên phòng Hòn Khoai sử dụng tàu tuần tra của đơn vị ra khu vực có ngư dân bị nạn phối hợp tìm kiếm. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng Đất Mũi cử lực lượng và trưng dụng tàu đánh cá của ngư dân địa phương cùng phối hợp cứu nạn các thuyền viên trôi dạt. Đến 14 giờ 10 phút, ngày 16-3-2020, tàu đánh cá của ông Phan Văn Toàn, trú tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau làm nghề đánh lưới cá khoai đã phát hiện, cứu vớt thành công 4 thuyền viên trôi dạt gần khu vực cách cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi) khoảng 7 hải lý. Lúc này, sức khỏe của 4 thuyền viên rất yếu, vì vậy, ông Toàn nhanh chóng đưa các nạn nhân về Đồn Biên phòng Đất Mũi để được chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, ngày 18-2-2020, Đồn Biên phòng Sông Đốc nhận được tin, tàu CM 2548 TS do ông Nguyễn Văn Trí, 50 tuổi, trú tại xã Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm thuyền trưởng, cùng đi trên tàu có con trai là Nguyễn Thành Công, 20 tuổi, đang chạy từ đảo Hòn Chuối vào cửa biển Sông Đốc thì bị sóng to đánh chìm, hai cha con ông Trí bị trôi dạt trên biển. Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã cử 5 cán bộ và trưng dụng 1 tàu đánh cá của ngư dân địa phương ra khu vực 2 bố con ngư dân gặp nạn để tổ chức cứu vớt. Đồng thời, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho các tàu đánh cá đang hoạt động gần tàu bị nạn hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. Sau đó, lực lượng cứu nạn của ngư dân và Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phát hiện, cứu vớt được 2 nạn nhân và đưa vào bờ chăm sóc sức khỏe.
Để hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển, BĐBP Cà Mau thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền cho ngư dân đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Đặc biệt, vận động chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, cam kết không vi phạm quy định trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản và không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện nay, BĐBP Cà Mau đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 10 đội tàu thuyền an toàn với gần 1 nghìn thuyền viên. Đây là lực lượng trực tiếp và thường xuyên có mặt trên biển để giúp BĐBP làm công tác cứu hộ, cứu nạn và thông báo tình hình an ninh trật tự trên biển, góp phần quan trọng cho BĐBP hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện, BĐBP Cà Mau đã đặt 8 đài thông tin liên lạc, trong đó, có 4 đài đặt tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Đồn Biên phòng Rạch Gốc, có khả năng kết nối với điện thoại di động và điện thoại bàn cố định. Ngoài ra, còn 4 đài khác được đặt tại các Trạm kiểm soát Biên phòng Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc, Hố Gùi và Khánh Hội, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và nắm tình hình trên biển. Đặc biệt, hiện nay, đã có thêm thiết bị giám sát hành trình tàu cá sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Các đồn Biên phòng cũng thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình khí hậu, thời tiết để chủ động thông báo cho nhân dân hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ tại địa phương nơi đơn vị đóng quân, sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra...
Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau cho biết: “Mùa mưa bão đang đến gần, để công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của BĐBP Cà Mau đạt hiệu quả cao nhất, các đơn vị BĐBP Cà Mau đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí khu neo đậu tàu thuyền vào tránh bão. Quy hoạch dân cư phù hợp với từng cụm tuyến đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn khi có tình huống bão, lốc xảy ra. Các đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh, xử lý tình huống khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, các đồn Biên phòng chủ động và thường xuyên giữ liên lạc thông suốt với các phương tiện đang hoạt động trên biển, nhất là phát huy hiệu quả mạng thông tin của đài canh dân sự với ngư dân”.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận