Điểm tựa pháp lý để ngư dân vươn khơi, bám biển
VBĐVN.vn - Bằng nhiều cách làm thiết thực, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 đã giúp ngư dân trên địa bàn tiếp cận và thực hiện hiệu quả Luật CSB Việt Nam, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật của ngư dân trong quá trình làm ăn trên biển.
Trở về từ ngư trường Hoàng Sa sau chuyến đi biển dài 45 ngày, anh Nguyễn Đó, trú tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cùng các bạn thuyền lại hối hả bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Thấy chúng tôi tới thăm, anh đon đả đưa khách lên tàu tham quan, giới thiệu tỉ mỉ về con tàu, từ khoang bảo quản cá hiện đại tới khoang máy, máy định vị vệ tinh, máy giám sát hành trình theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rồi từ ca-bin khoang lái, anh hồ hởi đưa chúng tôi xem tập tài liệu pháp luật với nhiều loại như sổ tay đi biển an toàn, sổ tay pháp luật, quy trình xử lý khi gặp sự cố trên biển và tự tin chia sẻ: “Đây là những tài liệu quan trọng do CSB, Bộ đội Biên phòng cấp phát. Cẩm nang đi biển an toàn có ở hết trong này, gặp khó khăn gì cứ làm theo sách hướng dẫn, gọi theo tần số cứu hộ... sẽ được CSB hướng dẫn, ứng cứu kịp thời nên chúng tôi yên tâm lắm”.
Anh Đó cho biết: Vào tháng 12-2023, trong lúc đánh cá trên vùng biển Việt Nam, tàu của anh bị hai tàu nước ngoài tới xua đuổi. Lúc đó, lưới đang thả dưới biển, bỏ chạy thì thiệt hại vô cùng mà ở lại thì rất nguy hiểm. Đang chưa biết xoay xở ra sao thì may mắn gặp tàu của Vùng CSB 2 đang trên đường tuần tra tới can thiệp, bảo vệ. Thấy có lực lượng chức năng của ta, hai tàu nước ngoài nhanh chóng rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chuyến đó, các anh CSB còn tặng cả bản đồ hàng hải cùng cuốn “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân”. Nhờ sự tận tình hướng dẫn, nhắc nhở của cán bộ, chiến sĩ CSB và làm theo những điều ghi trong sổ nên anh Đó và các bạn tàu trong Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Phú Lộc luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp. “Có lực lượng CSB Việt Nam đồng hành, chúng tôi rất yên tâm khi vươn khơi, bám biển”, anh Đó chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: "Huyện Phú Lộc có bờ biển dài hơn 65km, trải dài trên 9 xã và 2 thị trấn, ngoài ra, có khoảng 11.400ha đầm, phá, gồm 2 đầm chính là đầm Cầu Hai và đầm Lập An. Hiện địa phương có khoảng 86.520 khẩu sống ở ven biển và đầm, phá, chiếm 66,3% dân số toàn huyện. Tổng số tàu, thuyền là 2.951 chiếc, trong đó tàu, thuyền khai thác biển là 834 chiếc. Sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên năm 2023 đạt 8.070 tấn; trong đó, đánh bắt biển đạt 6.075 tấn. Trước đây, mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, vẫn còn tàu vi phạm. Hai năm gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường phối hợp với lực lượng CSB, trong đó nổi bật là Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” mà nhận thức của ngư dân có chuyển biến tích cực. Huyện chưa phát hiện tàu nào vi phạm các quy định khi làm ăn trên biển, không có tàu cá của ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ...
Theo Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng CSB 2, ngay sau khi Luật CSB Việt Nam có hiệu lực, đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động để đưa luật vào thực tiễn đời sống của nhân dân. Cụ thể, thông qua việc ký kết phối hợp với ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, từng bước hình thành điểm tựa về pháp lý cho ngư dân. Lực lượng CSB cũng có cơ sở để sẵn sàng hỗ trợ trong mọi điều kiện, giúp ngư dân vững tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
ANH THÁI
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận