Điểm tựa vững chắc cho người dân vùng biển Tây Nam
VBĐVN.vn - Với nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc, sau 2 năm triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Hải đoàn 42, Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 (đóng quân tại huyện Năm Căn) đã thực hiện hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng trong tình hình mới.
Phát huy vai trò xung kích
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển và thực hiện công tác dân vận Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân luôn được đơn vị chú trọng triển khai. Trong đó, Hải đoàn đã tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh nội bộ, trang tin điện tử Cảnh sát biển; đồng thời, thực hiện Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, tổ chức Cuộc thi Em yêu biển đảo, quê hương. Các tàu của Hải đoàn khi đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đều kết hợp phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân ngay trên biển.
Thiếu tá Phan Tiến Tùng, Chính trị viên phó Hải đội 421 - Hải đoàn 42 chia sẻ: Đặc thù công việc của ngư dân là sống dài ngày trên biển, do đó để công tác tuyên truyền có hiệu quả, đơn vị luôn chủ động triển khai nhiều phương pháp tuyên truyền. Khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ khác trên biển, nếu gặp tàu thuyền của ngư dân thì cũng triển khai ngay công tác hướng dẫn, tuyên truyền. Có thể nói "gặp dân ở đâu, tuyên truyền ở đó", vừa giúp ngư dân nắm được những thông tin cơ bản, vừa giúp ngư dân dễ nhớ.
Đơn vị còn tổ chức học tập, tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho 100% cán bộ, chiến sĩ, hơn 1.500 lượt cán bộ, nhân dân, phát hàng ngàn tờ rơi trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) và huyện Năm Căn (Cà Mau). Đồng thời, duy trì thường xuyên việc học tập "Sổ tay pháp luật" gắn với thực hiện mỗi ngày một điều luật trong toàn Hải đoàn và hoạt động tủ sách pháp luật… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, ngành và nhân dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc...
Thiếu tá Trịnh Minh Hiển, Phó Chính ủy Hải đoàn 42 thông tin, đơn vị đã chủ động phối hợp, tổ chức Cuộc thi Em yêu biển đảo quê hương, góp phần làm tăng thêm sự tự hào và tình yêu quê hương biển đảo trong tầng lớp thanh thiếu niên. Đây cũng là dịp để đơn vị kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng ngư dân và tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam… tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác an sinh xã hội cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Cùng với hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ ngư dân nghèo... đơn vị luôn đồng hành cùng đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nơi đơn vị đứng chân. Những năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, đơn vị cũng đã tặng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) cùng nhiều vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại xã đảo Thổ Châu (Kiên Giang).
Điểm tựa vững chắc trên vùng biển Tây Nam
So với các lực lượng thực thi pháp luật khác, Hải đoàn 42 là lực lượng còn non trẻ nhưng đã nhanh chóng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển giao phó. Ðặc biệt trong nhiệm vụ thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển, đơn vị đã trở thành "khắc tinh" của tội phạm, góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, chủ quyền trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Thiếu tá Trịnh Minh Hiển thông tin thêm, qua thực tiễn đấu tranh cho thấy, tình trạng buôn lậu xăng dầu, thuốc lá và các mặt hàng tiêu dùng diễn ra thường xuyên với nhiều thủ đoạn, phương thức thực hiện cũng ngày càng tinh vi. Các loại hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại đa dạng về chủng loại, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Theo thống kê từ tháng 5/2019 đến nay, trong quá trình tham gia cùng lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đơn vị đã bắt giữ 12 vụ với 15 tàu (4 tàu nước ngoài) vi phạm pháp luật, với số tiền phạt 1 tỷ đồng, tịch thu 3,6 triệu lít dầu D.O, nộp ngân sách nhà nước hơn 30,7 tỷ đồng. Gần đây nhất vào ngày 16/6, Tổ công tác của Phòng Trinh sát Hải đoàn đã phát hiện tàu cá TG 90659 TS đang chở khoảng 10 m3 dầu D.O không có giấy tờ hợp pháp. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, tiến hành niêm phong và dẫn giải tàu TG 90659 TS về Cảng Hải đội 421- Hải đoàn 42 để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Võ Văn Tài (sinh năm 1963, tỉnh Bến Tre), thuyền trưởng tàu TG 90659 TS bộc bạch, trước đây do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên ông đã thực hiện các hành vi không đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, được cán bộ, chiến sĩ Hải đội 421- Hải đoàn 42 quan tâm giáo dục, tuyên truyền, ông đã ý thức được đầy đủ hành vi của mình tác động tiêu cực như thế nào đối với xã hội.
"Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lực lượng chuyên trách để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, thường xuyên quán triệt nhiệm vụ được giao, trên cơ sở phát huy nội lực, đoàn kết hiệp đồng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là lực lượng duy trì thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đấu tranh chống tội phạm trên biển sát với đặc điểm tình hình khu vực biển Tây Nam. Với những công việc đã làm, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 nói chung và đơn vị nói riêng đã góp phần đẩy lùi, hạn chế các hoạt động trái phép trên tuyến biển Tây Nam; nâng cao nhận thức của nhân dân làm ăn trên biển trong chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên biển và các địa phương ven biển… Hình ảnh tốt đẹp về người lính Cảnh sát biển trong lòng cơ quan chính quyền và nhân dân địa phương ngày càng được củng cố vững chắc", Thiếu tá Trịnh Minh Hiển tự hào cho biết.
Tuy nhiên, trước dự báo tình hình vùng biển Tây Nam trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp; hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, các hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mất an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển vẫn chưa có chiều hướng giảm... Với vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, lực lượng Cảnh sát biển phải gánh vác trách nhiệm ngày một nặng nề, khó khăn hơn.
Công tác quán triệt nhiệm vụ được giao được đơn vị thường xuyên triển khai, trên cơ sở phát huy nội lực, đoàn kết hiệp đồng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Theo Thiếu tá Trịnh Minh Hiển, để thực hiện có hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian tới, Hải đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế và nhiệm vụ Cảnh sát biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo Tổ quốc.
Ngoài ra, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực, chất lượng công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trên biển, nhất là ở các địa bàn, tuyến, vùng biển trọng điểm; kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa và đấu tranh, trong đó phòng ngừa là chính; kết hợp giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền với đấu tranh chống vi phạm, tội phạm. Đặc biệt, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023", trong đó đẩy mạnh việc lồng ghép với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là ở các xã, huyện ven biển trên địa bàn…
Thảo Nguyên (theo baotintuc.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận