Điểm tựa vững vàng của nhân dân khu vực biên giới, vùng biển, đảo
VBĐVN.vn - Thời gian qua, tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, thiên tai... diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Trong hoàn cảnh ấy, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng, triển khai nhiều biện pháp giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè; nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm; mùa lũ ở Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30-40% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ngày 1-4-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
Hiện tại, các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Cà Mau đã triển khai hành loạt các biện pháp cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn như vận chuyển nước sinh hoạt hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng, nạo vét kênh mương, hồ chứa nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng công trình cấp nước...
Trước tình hình thời tiết cực đoan, xác định phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, cơ động, ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra; tổ chức tuyên truyền phòng, chống thiên tai và hỗ trợ cung cấp nước sạch cho nhân dân khu vực biên giới.
Từ khi xảy ra khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô, Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã biên giới biển vận động, hỗ trợ vận chuyển được gần 1.400 mét khối nước sạch, tặng 880 can nhựa, gần 2.000 bình nước lọc và 2.000 lốc chai nước lọc cho người dân huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Đại tá Bùi Văn Vũ, Chính ủy BĐBP Tiền Giang chia sẻ: “Ngoài các hoạt động hỗ trợ nước, trang bị các thiết bị để tích trữ nước ngọt, giúp người dân ổn định cuộc sống..., cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác giúp dân, tổ chức lực lượng hỗ trợ đắp đê ngăn mặn, khơi thông dòng chảy, dẫn nước ngọt về tưới lúa, hoa màu...”.
Tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng) hiện có gần 1.000 hộ dân sinh sống, nhưng chỉ có 1 trạm cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp. Vào cao điểm mùa khô hạn, nguồn nước cấp suy giảm, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, sản xuất lại càng trầm trọng. Đại úy Huỳnh Lý Tưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Để giúp bà con bớt đi một phần khó khăn, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm tổ chức vận chuyển hỗ trợ hàng chục ngàn lít nước sinh hoạt, nước uống cho các hộ dân. Đối với các hộ gia đình chính sách, neo đơn, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP còn dùng xe gắn máy, xe cơ giới khác chở đến từng hộ gia đình”.
Chia sẻ khó khăn cùng người dân vùng hạn, mặn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Long An đã vận chuyển nước sạch hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Đơn vị vận chuyển và cung cấp 3.000 lít nước uống, 3.000 lít nước sinh hoạt cho người dân xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc.
Còn tại miền Bắc và miền Trung, thời tiết cực đoan cũng đã gây ra nhiều vụ hỏa hoạn, cháy rừng, dông, lốc, sét và mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở, lúa và hoa màu của nhân dân.
Nhằm ngăn ngừa và hạn chế các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, BĐBP các tỉnh miền trung đã phối hợp với nhân dân địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác trong công tác phòng, chống cháy rừng và khắc phục hỏa hoạn theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra; đồng thời, thông báo cho các lực lượng chức năng để chi viện, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cứu trợ, hỏa hoạn, thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị BĐBP đã tham gia khắc phục hỏa hoạn và cháy rừng hàng chục vụ. Có những vụ phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện, quyết tâm khống chế, dập tắt cháy rừng. Đơn cử như Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa 2 vụ cháy rừng liên tiếp tại huyện Giang Thành từ ngày 28 đến 30-4.
Cũng trong thời gian trên, tại địa bàn xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ cháy rừng, với diện tích rộng và lan nhanh. Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị cử lực lượng tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bàn dập tắt đám cháy.
Tại các tỉnh miền Bắc, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp với hội tụ gió trên cao, thời gian vừa qua, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu đã xảy ra mưa dông kèm lốc sét, gió giật mạnh trên diện rộng gây nhiều thiệt hại về nhà ở và hoa màu của người dân. Trên địa bàn huyện Sìn Hồ, Lai Châu mưa lũ kèm gió lốc xảy ra vào tối ngày 17-4 đã làm lật một chiếc thuyền chở theo 4 người tại vùng ngập thủy điện Sơn La thuộc xã Nậm Mạ, 2 người mất tích. Mưa dông cũng gây thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng.
Tại Lào Cai, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà và thị xã Sa Pa, làm 151 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng,, tổng thiệt hại do mưa dông gây ra khoảng 3 tỷ đồng.
Tại Cao Bằng, vào rạng sáng 18/4, trên địa bàn các huyện biên giới như: Hà Quảng, Bảo Lâm, Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh đã xảy ra dông lốc làm 800 nhà ở bị tốc mái. Trong đó huyện Trùng Khánh 472 nhà, Quảng Hòa 159 nhà, Nguyên Bình 87 nhà, Hòa An 29 nhả, Bảo Lâm 25 nhà, thành phố Cao Bằng 20 nhà... Ngay trong buổi sáng ngày 18-4, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Cao Bằng đã chủ động phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn khu vực biên giới tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại và vận động các gia đình sửa chữa nhà ở; đồng thời, huy động tối đa lực lượng tham gia khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra, cũng như hỗ trợ kinh phí, giúp nhân dân sớm vượt qua cơn hoạn nạn.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 đến 7-2024; nắng nóng tại Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5-2024. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc trong tháng 5-2024 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Ngoài ra, khô hạn ở Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5-2024. So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ từ tháng 5 đến 7-2024 phổ biến ở mức xấp xỉ. Tháng 5-2024, tổng lượng mưa ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt 10-30%.
Do đó, nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết cực đoan, thiên tai, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh phát huy vai trò nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới quyết liệt triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn, dông, lốc gây ra.
Dân Chủ (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận