Điện gió ngoài khơi: "Cuộc chơi" còn nhiều gian khó
VBĐVN.vn - Với lợi thế đường biển dài hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn để trở thành trung tâm điện gió tại khu vực Đông Nam Á. Nhưng việc phát triển các dự án này lại không hề dễ dàng khi hành lang pháp lý về lĩnh vực này vẫn chưa hoàn thiện.
Đất nước nhiều tiềm năng
Theo báo cáo của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tháng 3-2021, giai đoạn 2021-2030, tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi sẽ tăng 700% so với 20 năm trước đó. Theo dự báo của GWEC, khu vực châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng nhất.
Cho đến nay, nhiều nước đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện gió ngoài ngoài khơi từ năm 2020 đến 2030. Đơn cử như Trung Quốc từ 9GW lên 50GW, Ấn Độ từ 5GW lên 30GW, Hàn Quốc từ 0,145GW lên 12GW, Nhật Bản từ 0,62 MW lên 10 GW. Như vậy, triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi cho đến năm 2030 đang thuộc về các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Giá cố định (FIT) ưu đãi cho điện gió trên biển hiện là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Tức là muốn được hưởng giá ưu đãi 9,8 cent một kWh, các dự án điện gió ngoài khơi phải vận hành trước ngày 1-11. Sau thời điểm này cơ chế giá sẽ thay đổi.
Đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang xây dựng cơ chế đấu thầu (tức không có giá cố định nữa, các nhà đầu tư bỏ thầu, giá thấp nhất thì áp dụng) cho các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) sau ngày 31-10, thay vì giá FIT ưu đãi như trước.
Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng. Đơn cử như nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khoảng 475GW hay theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, con số này đạt khoảng 162GW.
Tính toán của Nhóm ngân hàng thế giới cũng cho thấy, nếu Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất năm 2030 là 10GW, 2035 là 25GW, năm 2040 là 40GW và năm 2050 là 70GW - tương ứng với tỉ lệ điện năng cung cấp là 5%, 12%, 17% và 27%, Việt Nam có thể đạt được một số kết quả là lũy kế đến năm 2035 bổ sung 50 tỉ USD nền kinh tế (bao gồm cả xuất khẩu), tạo mới 700.000 việc làm/năm, thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, tránh phát thải hơn 217 triệu tấn CO2, tỉ lệ nội địa hóa 60% và yếu tố rất quan trọng chi phí điện quy dẫn (LCOE) là 83USD/mWh vào năm 2030 và 62USD/mWh vào năm 2035, khi sản xuất được 203TWh.
Nhiều nhà đầu tư “nhập cuộc”
Nhận thấy được tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, thời gian qua đã không ít nhà đầu tư bỏ ra hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD để đầu tư. Trong số này, phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỉ USD (tương đương khoảng 274.000 tỉ đồng). Tháng 7 tới, dự án này sẽ hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy...) tại khu vực khảo sát.
Hay như dự án điện gió ngoài khơi La Gàn - liên doanh giữa Công ty Cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỉ USD (tầm 242.000 tỉ đồng).
Cách đây hơn một tháng, đại gia năng lượng Đan Mạch - Tập đoàn Orsted cho biết chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo vào điện gió ngoài khơi, sau loạt dự án thành công tại châu Á. Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận đang được Orsted "để mắt" tới.
Không riêng nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng tham gia vào "cuộc chơi" tỉ USD này. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, HBRE Group và đối tác Pháp đã rót một tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng) vào dự án điện gió ngoài khơi 500MW...
Theo các chuyên gia, với lợi thế đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt hơn 7-10m trên giây... là những lý do khiến Việt Nam nổi lên là trung tâm điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á.
Thế nhưng "cuộc chơi" lại không dễ dàng
Tiềm năng gió của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhưng để phát triển điện gió ngoài khơi cần chi phí đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài. So với chi phí đầu tư vào điện gió trên bờ, ven bờ, suất đầu tư điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần. Thời gian mỗi dự án từ lúc xây dựng tới vận hành thường kéo dài 5-7 năm, chưa gồm thời gian chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án, xin cấp phép, khảo sát địa chất, đo gió...
Điều kiện thi công trên biển cũng không dễ dàng, chi phí thi công, xây dựng lớn... nên dù được đánh giá là hiệu quả cao nhưng không phải nhà đầu tư, đơn vị thi công nào cũng đủ lực để tham gia. Chi phí xây lắp tại một dự án điện gió ngoài khơi thường chiếm khoảng 53% tổng chi phí dự án, chi phí phát triển khoảng 3%; khảo sát, dự phòng khoảng 4-5%...
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, với suất đầu tư từ 2,5 - 3 tỉ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỉ USD trong thập niên tới. Tỉ lệ nội địa hóa tới trên 50% có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, đến năm 2030, nhu cầu tổng công suất điện lắp đặt là gần 140GW (tăng gần gấp đôi so với cuối 2020), năm 2045 là gần 280GW (tăng gần gấp bốn lần so với năm 2020), nhu cầu vốn đầu tư cho mỗi năm từ nay đến năm 2045 là gần 13 tỉ USD. Nếu không có giải pháp đột phá và bền vững thì việc phát triển điện lực sẽ làm ảnh hưởng tới các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, theo Dự thảo quy hoạch điện VIII, lần đầu tiên, điện gió ngoài khơi đã được định nghĩa là các dự án điện gió tại khu vực có độ sâu đáy biển từ 20m trở lên. Tỉ trọng năng lượng tái tạo chiếm đến gần 30% tổng nguồn điện đến năm 2030, tuy nhiên, đối với điện gió ngoài khơi theo kịch bản cơ sở thì đến năm 2030 công suất lắp đặt chỉ chiếm tỉ lệ 1,45% và đối với kịch bản cao là 2% (tương ứng hơn 3GW).
Xuất phát từ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, các công ty tư vấn quốc tế cũng đã có những khuyến nghị Việt Nam nên cho phép triển khai một số dự án đủ lớn theo giai đoạn để khởi động cho lĩnh vực này. Cơ chế, thủ tục lựa chọn dự án, nhà đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan là các nội dung cần được các cơ quan hữu quan hướng dẫn sớm để tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển nguồn điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng là xu hướng tất yếu để theo đuổi chiến lược kinh tế xanh nhưng cần tính toán sao cho phù hợp với hệ thống điện Việt Nam trong từng thời kỳ và cân đối các nguồn hợp lý với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực; và các yếu tố liên quan đến kỹ thuật, công nghệ… và nhiều yếu tố khác liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.
Thừa điện nguy hiểm thế nào?
Theo EVN, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết.
Thu Thảo (theo kinhtemoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận