Điều tra tổng thể về tài nguyên môi trường biển

16:23 09-11-2022

VBĐVN.vn - Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt là đề án 47) đã dựng nên một bức tranh tổng thể về tài nguyên môi trường vùng biển Việt Nam.

Đề án thực hiện với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển; Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên - môi trường biển; Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; Đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển; Hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển.

Quan trọng nhất là Đề án đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập các số liệu, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bước đầu đã đầu tư, mua sắm một số trang thiết bị hiện đại có thể điều tra, khảo sát ở vùng biển sâu, biển xa, đào tạo, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị điều tra hiện đại; xây dựng thể chế, chính sách về biển; góp phần phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh trên biển...

Đánh giá cơ bản nguồn tài nguyên môi trưởng biển

Với việc đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển và hải đồ; Đề án đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 trên diện tích khoảng 533.000, km2 , đạt 53,3% diện tích các vùng biển Việt Nam.

Về địa chất khoáng sản biển, đề án đã hoàn thành được 147.330 km2 ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tỷ lệ điều tra 1:500.000 lên khoảng 24,5% ở tỷ lệ 1:100.000, hoàn thành thêm 20.768 km2 , tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ, độ sâu từ 0 đến 100m nước.

Trong lĩnh vực địa chất công trình, bước đầu Đề án đã điều tra khảo sát, lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 16.829 km2 ven biển, khoanh định được các khu vực kém ổn định về địa chất công trình, xác định các quá trình địa chất công trình như hiện tượng ngập lụt, xói lở, bồi tụ... Đồng thời tiến hành điều tra và thành lập các bản đồ địa chất công trình từ tỷ lệ 1:1000 - 1:500 ở vùng biển quần đảo Trường Da và DKI.

Với nguồn tài nguyên quan trọng là dầu khí, khi đề án kết thúc, tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã được đánh giá. Theo đó đánh giá tổng tiềm năng dầu khí của các cấu tạo triển vọng là 2.628,3 triệu m3 dầu và 3.052,56 tỷ m3 khí, tương đương 5.680,86 triệu m3 dầu quy đổi, đã xác định được các vùng có tiềm năng dầu khí cao.

Về tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học, bước đầu đánh giá được nguồn lợi hải sản theo các tầng tại vùng biển ven bờ của Việt Nam, đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học về hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặt, bãi bồi, cửa sông, đầm phá; phát hiện và bổ sung vào danh mục một số loài san hô mới, đánh giá được hiện trạng và diện tích bao phủ rạn san hô, rừng ngập mặn; xây dựng được bộ bản đồ về hiện trạng phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá ven biển; phân bố cỏ biển; phân bố cỏ biển cho các tiểu vùng; phân bố cỏ biển tại các vùng khảo sát; phân bố nguồn lợi hải sản tầng đáy ở biển tỷ lệ 1/500.000 - 1/2.000.000; đã lập quy hoạch chi tiết 7 khu bảo tồn biển.

Đặc biệt, thông qua dự án, các Bộ, ngành, địa phương đã trang bị được hệ thống thiết bị điều tra, khảo sát biển hiện đại, bao gồm: thiết bị khảo sát địa chất, địa vật lý, thiết bị đo thủy âm và trắc địa biển, thiết bị lấy mẫu, bảo quản, gia công, phân tích mẫu và các phần mềm xử lý, minh giải tài liệu địa chấn đa kênh. Quan trọng hơn, chúng ta đã đã xác lập các luận cứ khoa học, pháp lý về địa chất, địa mạo, môi trường, từ trường và hệ thống bản đồ phòng thủ; xây dựng công trình quốc phòng trên biển (DKI), các số liệu, dữ liệu phục vụ các hoạt động tàu, thuyền quân sự, những thông tin về hoạt động phi pháp của nước ngoài thông qua ảnh, bản đồ viễn thám.

Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển, Bộ Tham mưu Hải quân thực hiện quan trắc môi trường nước trên đảo Tốc Tan (ảnh: Thùy Liên)

Tiếp tục điều tra chi tiết hơn

Từ kết quả của Đề án 47, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất, xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Tiếp nối Đề án này, đầu năm 2020, Thủ tường Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Chương trình tiếp tục điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn minh sinh thái biển; đặc điểm cấu trúc địa chất, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển Quảng Ngãi - Phú Yên đến độ sâu 300m nước; Đo đạc, thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn 1:10.000 một số khu vực trọng điểm, tỷ lệ trung bình 1:50.000 vùng biển ven bờ và tỷ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn bộ vùng biển Việt Nam; Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở tỷ lệ nhỏ vùng biển sâu, điều tra chi tiết tại các bãi cạn, gò đồi ngầm… Về lâu dài hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện đại trên cơ sở ứng dụng được các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Theo monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang