Điều ước nguyện thiêng liêng
VBĐVN.vn - Sau chiến tranh, phần lớn cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, gắn bó phần đời còn lại với đồng đất quê nhà. Vì nhiều lý do khác nhau, mãi đến năm 2015, các cựu chiến binh (CCB) Đoàn tàu không số mới được thụ hưởng các chế độ, chính sách, bù đắp phần nào những cống hiến, hy sinh của họ...
Gần nửa thế kỷ chưa được công nhận “đi B”
Gần trung tuần tháng 10, TP Hải Phòng mưa triền miên. Đêm trước diễn ra lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), CCB Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam gần như thức trắng, bởi mưa rả rích cả đêm. Ông lo trời mưa, liệu ngày mai có ra được bến, khi đồng đội đều đã tuổi cao, sức yếu...
Thời tiết như chiều lòng người. Đúng ngày diễn ra lễ dâng hương, trời thu hửng nắng, tinh thần các CCB Đoàn tàu không số phấn chấn hẳn lên. Có mặt tại di tích Bến K15 từ rất sớm, không ai bảo ai, những người lính già cùng hướng mắt ra biển, trong lòng cồn cào nỗi nhớ đồng đội, nhớ từng chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược, thuốc men bí mật rời bến thẳng hướng miền Nam ruột thịt. Chính tại nơi đây, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa từ miền Bắc đã được cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số vận chuyển chi viện cho chiến trường và đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, đôi mắt CCB Trần Văn Hữu rưng rưng...
- Vậy là đến giờ, hầu hết CCB Đoàn tàu không số đã được công nhận chế độ “đi B”, được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
- Tại sao sau hơn nửa thế kỷ, các bác mới được công nhận “đi B”? - Tôi đặt câu hỏi với CCB Đoàn tàu không số vừa bước qua tuổi 80.
- Đó là một câu chuyện dài cháu ạ!
Cứ như vậy, nỗi niềm của CCB Trần Văn Hữu, người từng 4 lần trực tiếp vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, được bộc bạch. Ông thuật lại hành trình của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đi tìm công bằng cho đồng đội: Sau chiến tranh một thời gian dài, có quan niệm, có cơ quan chức năng cho rằng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số không thuộc đối tượng “đi B”, tức là không phải lực lượng trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các mặt trận, ngày ngày đối mặt với mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thậm chí người làm chính sách ở địa phương còn coi họ là lực lượng dân quân du kích. Cũng bởi quan niệm sai lệch này, suốt mấy chục năm sau khi nước nhà thống nhất, nhiều CCB Đoàn tàu không số cho đến khi qua đời vẫn chưa được thụ hưởng chế độ, chính sách mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng từ lâu rồi.
Theo dòng hồi ức của CCB Đoàn tàu không số và lịch sử chưa xa đã minh chứng, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số hết sức đặc biệt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, quanh năm suốt tháng họ lênh đênh trên biển, vừa phải đối phó với các trận cuồng phong, vừa trực tiếp chiến đấu chống lại sự phong tỏa, vây ráp điên cuồng của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ an toàn cho hàng nghìn chuyến tàu, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam chống Mỹ, cứu nước. Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, hy sinh lớn lao như vậy mà suốt mấy chục năm họ không được coi là “đi B”, quả là sự thiệt thòi rất lớn, ai mà không chạnh lòng?
Đi tìm công bằng cho đồng đội
Chứng kiến bao đồng đội phải chịu thiệt thòi mà chưa có cách gì tháo gỡ, các hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam ai cũng đau đáu trong lòng. Vượt lên tuổi tác, tình trạng sức khỏe, một lần nữa, những người lính Đoàn tàu không số lại “nhổ neo” đi tìm công bằng cho đồng đội. Công việc này không hề đơn giản, bởi sau chiến tranh, những người lính Đoàn tàu không số mưu sinh khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, làm sao để tập hợp được đông đủ, làm sao nắm hết thông tin...?
Cùng với việc phối hợp với ngành chính sách hải quân, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã tiến hành rà soát danh sách cán bộ, chiến sĩ từng thực hiện nhiệm vụ trên các đoàn tàu không số, từ các đồng chí Trung ương hội, đến thành viên ban liên lạc các địa phương đã dành rất nhiều tâm huyết, lặn lội kiếm tìm đồng đội khắp trong Nam ngoài Bắc. Họ gặp lại nhau, vui đấy, nhưng cũng ngậm ngùi trước bao hoàn cảnh éo le, tuổi già, sức yếu, ốm đau, bệnh tật... Nhiều CCB cả năm, cả đời không ra khỏi lũy tre làng nên chẳng có thông tin gì về đồng đội hay đơn vị cũ. Mãi đến năm 2013, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam mới có được danh sách tương đối đầy đủ cán bộ, hội viên trong toàn quốc.
Trở ngại đặt ra lúc này là việc đề nghị giải quyết chế độ, chính sách cho các CCB, nhất là những trường hợp bị thất lạc hồ sơ, mất hết giấy tờ. Là người có hàng chục năm làm công tác chính sách, Đại tá Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, trải lòng: "Thực hiện công tác chính sách đối với CCB Đoàn tàu không số là khó khăn, phức tạp nhất. Bởi thời kỳ chiến tranh và những năm đầu giải phóng, công tác đăng ký, thống kê, lưu trữ tài liệu liên quan đến công tác chính sách, thương binh, liệt sĩ còn nhiều lạc hậu. Việc rà soát, kiểm chứng thông tin, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cho các đối tượng được thụ hưởng chế độ, chính sách đòi hỏi công phu, tỉ mỉ, cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan, đơn vị, hội CCB. Bên cạnh đó, do yếu tố thời gian, việc ghi chép, lưu trữ tài liệu không được đầy đủ, nhiều trường hợp bị thất lạc hồ sơ, không có tài liệu chứng minh. Một khó khăn nữa là, sau chiến tranh, CCB Đoàn tàu không số cư trú trên nhiều địa bàn, không thuộc sự quản lý của Quân chủng Hải quân, nên việc quản lý hồ sơ, tiến hành các chế độ, chính sách thuộc trách nhiệm của cơ quan quân sự và địa phương nơi CCB cư trú".
Để giải quyết bài toán nan giải này, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ tư lệnh Hải quân gửi nhiều công văn giải trình, đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước công nhận chế độ “đi B” cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Đến nay, có 1.082 CCB được công nhận chế độ “đi B”, một số đồng chí được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhắc đến niềm vui của các CCB Đoàn tàu không số trong buổi gặp mặt sau lễ dâng hương, giọng CCB Trần Văn Hữu xúc động: “Nhiều anh em hoàn cảnh khó khăn, vất vả lắm. Có đồng chí sau khi được giải quyết các chế độ, chính sách đã ôm chầm lấy chúng tôi khóc như đứa trẻ: Vậy là anh em mình đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận rồi. Bây giờ có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện...”.
Qua những CCB Đoàn tàu không số, chúng tôi biết câu chuyện bi hùng của CCB Phan Hải Hồ, nguyên chiến sĩ Tàu 69, Đoàn 125, trú tại 392 Đặng Xuân Bảng, xã Nam Vân (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Ngày 1-1-1967, sau khi cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, đang trên đường ra Bắc, Tàu 69 gặp địch. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt. Chiến sĩ Phan Hải Hồ bị đạn bắn giập nát ống chân phải. Tỉnh dậy sau cơn choáng, thấy đồng đội người hy sinh, người bị thương mất sức chiến đấu, không chần chừ, anh cắn răng chịu đau, lấy dao chặt phăng ống chân bị thương để tiếp tục chiến đấu. Hành động dũng cảm của anh kịp thời khích lệ cán bộ, chiến sĩ trên tàu bình tĩnh, quyết tử với kẻ thù, buộc địch phải rút lui. Vậy mà nhiều năm sau chiến tranh, CCB Phan Hải Hồ không được giải quyết chế độ thương binh vì không có giấy chứng thương, mặc dù một bên chân đã bị cụt, sức khỏe ngày càng giảm sút. Đồng đội của ông cũng tản mát khắp nơi, không gặp được ai để chứng thực. Đến năm 2003, các đồng đội mới “tìm” được ông. Từ chứng thực, hỗ trợ của đồng đội và đề nghị của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, CCB Phan Hải Hồ được hưởng chế độ thương binh, dẫu quá muộn màng. Đặc biệt, ngày 10-8-2015, CCB Phan Hải Hồ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Một năm sau đó, ông qua đời.
Cũng từ đề nghị của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam và các cơ quan chức năng, trong những năm 2015-2018, có 5 CCB Đoàn tàu không số được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm các đồng chí: Phan Nhạn, Máy trưởng Tàu 41, Đoàn 125, người xung phong ở lại cùng thuyền trưởng châm ngòi nổ bộc phá hủy tàu, bảo đảm cho tuyến đường không bị lộ; Nguyễn Sơn, Thuyền trưởng Tàu 41, khéo léo chỉ huy ngụy trang giả dạng tàu đánh cá mắc cạn, chờ nước lên, nhổ neo vào bến bốc hàng an toàn; Nguyễn Văn Đức, tham gia vận chuyển 14 chuyến hàng thắng lợi; Hoàng Thanh Loan, Trung đội phó Tàu C69B, Tiểu đoàn 2, Đoàn 125, bị địch bắt, tra tấn bằng nhiều cực hình tàn khốc, nhưng không chịu khuất phục, bị giặc giết hại; Nguyễn Hữu Phước, Thuyền trưởng Tàu 69, Đoàn 125 với thành tích hoàn thành xuất sắc 8 lần vận chuyển vũ khí và đưa đón cán bộ vào miền Nam.
Dẫu Quân chủng Hải quân và Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đã làm được nhiều việc tình nghĩa với những người trở về và những người mãi mãi nằm lại biển khơi, nhưng công việc tình nghĩa, tri ân này còn là tình cảm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của các ban, ngành, địa phương...
Nghĩa trang không bia mộ
Chiến tranh đã lùi xa. Thời gian cũng xoa dịu phần nào những đau thương, mất mát. Mặc dù vậy, còn biết bao trăn trở khi nhắc đến sự quan tâm, tôn vinh dành cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số.
Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số thật đặc biệt. Để giữ bí mật cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, không để vũ khí, đạn dược rơi vào tay quân thù, khi đối mặt với tình huống bất khả kháng, họ buộc phải hủy tàu bằng hàng tấn thuốc nổ. Hy sinh trong hoàn cảnh đó, các thủy thủ quả cảm, kiên trung đã mãi mãi ở lại với đại dương.
Không năm nào các CCB Đoàn tàu không số không tìm về di tích Bến K15 thắp hương cho đồng đội. Ai cũng quặn lòng khi chứng kiến 15 chiếc cọc "trơ gan cùng tuế nguyệt", dấu tích còn lại của bến tàu đang dần trở nên hoang phế. Nhớ về đồng đội, lòng những người còn sống quặn đau.
CCB Đào Hồng Tuyển, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, ngậm ngùi: “Chiến đấu trên cạn còn có nắm xương, bia mộ, di ảnh, vài dòng địa chỉ, còn các chiến sĩ Đoàn tàu không số khi đã hy sinh thì xương thịt vĩnh viễn hòa vào biển cả bao la, không còn chút dấu vết... Anh em của mình hy sinh, mất mát như thế, bảo sao không xót xa, đau đớn”.
Trước đây, nghe đến sự hy sinh của các chiến sĩ trên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), trong tôi đã trào dâng niềm xúc động, giờ hiểu thêm sự hy sinh của các chiến sĩ Đoàn tàu không số thật đặc biệt. Nghĩa trang dành cho họ không có bia mộ. Nghĩa trang ấy đâu chỉ một, hai mà nhiều lắm, suốt chiều dài cuộc chiến, khắp vùng biển nước nhà. Đó cũng là nỗi đau đớn, day dứt khôn nguôi của những người còn sống khi nhớ về đồng đội.
Điều ước nguyện thiêng liêng
Hy sinh vì Tổ quốc là sự thiêng liêng, cao cả của người chiến sĩ, nhưng điều khiến các CCB Đoàn tàu không số không khỏi băn khoăn, trăn trở, đó là việc vinh danh cán bộ, chiến sĩ tàu không số còn nhiều trở ngại. Đại tá Nguyễn Hữu Tuần, 91 tuổi, nguyên cán bộ tác chiến Đoàn tàu không số từ năm 1961 đến 1975 dẫn chứng không ít tấm gương chiến đấu gan dạ, mưu trí, hy sinh dũng cảm, nhưng chưa được vinh danh đúng mức. Ví như trường hợp Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 125, một cán bộ dày dạn trận mạc, can trường, dũng cảm. Ông là người mở đường cho những chuyến đi thành công đầu tiên của Đoàn tàu không số, người bồi dưỡng, đào tạo nhiều thủy thủ xuất sắc, lập nhiều chiến công trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Đáng tiếc là khi ông qua đời (năm 1970), vẫn chưa có sự tôn vinh, khen thưởng xứng đáng dành cho người đoàn trưởng đầu tiên ấy.
Đại tá Bùi Văn Tư, nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Vùng 1 Hải quân, người từng 5 lần tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, cho rằng, chiến công của một đơn vị xuất phát từ sự đồng lòng, nhất trí của cả tập thể, trong đó phải kể đến sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trước các trận đánh sinh tử, cũng như việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều trường hợp hy sinh hết sức bi tráng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số thường chỉ có đồng chí thuyền trưởng được tôn vinh. Đó không chỉ là nỗi niềm của Đại tá Nguyễn Hữu Tuần, Đại tá Bùi Văn Tư mà còn là trăn trở của nhiều CCB Đoàn tàu không số.
Còn nhớ Xuân Mậu Thân-1968, nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 chọn 4 con tàu chở vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam, gồm: Tàu 165 đi vào Vàm Lũng (Năm Căn, Cà Mau); Tàu 235 đi vào Ninh Phước (Ninh Vân, Khánh Hòa); Tàu 43 đi vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi); Tàu 56 đi vào bến Lộ Giao (còn gọi là Lộ Diêu, Bình Định). Trong cuộc chiến đấu bi hùng trên vùng biển phía Nam, các tàu: 165, 235 mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi. Nhiều cán bộ, thủy thủ đã anh dũng hy sinh để giữ bí mật tuyệt đối cho tuyến đường vận chuyển. Những ngày sau đó, đồng đội có ra khu vực xảy ra chiến sự để tìm kiếm thi thể đồng đội, nhưng chỉ thu được những mảnh gỗ vỡ vụn, cháy đen trôi dạt vào bờ, chi chít lỗ đạn.
Tuy nhiên, khi tổng kết khen thưởng, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao có những tập thể can trường, hy sinh dũng cảm nhưng chỉ phong anh hùng cho thuyền trưởng Tàu 235 Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng Tàu 165 Nguyễn Chánh Tâm, trong khi các đồng chí còn lại cũng rất xứng đáng. Đặc biệt là hai đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Chính trị viên, Bí thư chi bộ Tàu 165; Nguyễn Tương, Chính trị viên, Bí thư chi bộ Tàu 235. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, vai trò của chính trị viên vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là người cầm cờ, phất cờ ở vị trí tiên phong trong chiến đấu, huấn luyện, công tác; họ còn là người “phất cờ” trong lòng chiến sĩ, là linh hồn, sức mạnh, ý chí của bộ đội trong các trận chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, là người chắc tay súng, trực tiếp chiến đấu, động viên bộ đội, biến sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ thành sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù. Nhiều CCB Đoàn tàu không số cho rằng, nếu các thủy thủ còn lại của các tàu 165, 235 không được phong anh hùng thì các đồng chí chính trị viên cần được vinh danh xứng đáng.
Mong đừng lỗi hẹn
Năm nào cũng vậy, trước thềm kỷ niệm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10), các CCB Đoàn tàu không số lại về di tích Bến K15-điểm xuất phát của Đoàn tàu không số huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nằm dưới chân đồi Vạn Hoa, bến Nghiêng tấp nập tàu chở khách du lịch ra thăm đảo Hòn Dấu, địa danh du lịch nổi tiếng của quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Nơi đây, 168 chuyến hành trình vượt biển xuất phát từ Bến K15 tạo nên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại... Tại sao lại gọi là tàu không số? Mỗi con tàu cũng như các anh bộ đội đều có số, có tên, nhưng khi họ cùng nhau trên Biển Đông, đối diện với bão biển, sự phong tỏa, truy sát của quân thù, thì họ đều phải vô danh. Vô danh để giữ bí mật cho con đường trên biển, vô danh để tất cả không còn là cái riêng nữa mà chỉ có cái chung vì miền Nam ruột thịt, vì sự thống nhất nước nhà, vì độc lập và hạnh phúc của dân tộc.
Lẽ ra theo kế hoạch, công trình đền thờ liệt sĩ Đoàn tàu không số sẽ khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, công trình sẽ trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa không chỉ của TP Hải Phòng, mà của cả nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam. Đây cũng là mong mỏi tha thiết của hàng nghìn cán bộ, hội viên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trong cả nước, mong có “ngôi nhà chung” cho các anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số, nhưng dù đã có khá nhiều văn bản, kiến nghị mà công trình văn hóa tâm linh ấy nay vẫn chưa thành...
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 12829/VPCP-QHĐP, ngày 30-11-2017 gửi UBND TP Hải Phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ tư lệnh Hải quân về việc giải quyết kiến nghị của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tại buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) ngày 22-11-2017, kiến nghị xây dựng đền thờ liệt sĩ Đoàn tàu không số tại Bến K15.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng đã có Báo cáo số 1278/UBND-VH, ngày 19-3-2018 về việc thực hiện Dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, trong đó trình bày đầy đủ các phương án đầu tư, kết quả triển khai dự án... Kinh phí thực hiện sử dụng ngân sách thành phố, nguồn xã hội hóa, nguồn hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 và nguồn hỗ trợ của Bộ tư lệnh Hải quân, dự toán gần 150 tỷ đồng.
Bộ tư lệnh Hải quân cũng có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng về việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 28/NQ-HĐND, ngày 19-7-2019, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, dự toán kinh phí 187,479 tỷ đồng. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng có công văn gửi UBND TP Hải Phòng về việc thẩm định dự án; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hải Phòng cũng hoàn thiện hồ sơ đầu tư xây dựng công trình... Vậy nhưng, hai năm đã trôi qua, công trình văn hóa tâm linh đặc biệt này vẫn “án binh bất động”.
Tại hội nghị trực tuyến Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày 30-9 vừa qua, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng thông tin: Dự án đã được thông qua, hiện chỉ chờ khởi công. Đây không phải là lời khẳng định lần đầu của lãnh đạo TP Hải Phòng về tiến độ dự án công trình này, nên các CCB Đoàn tàu không số cũng chỉ biết chờ đợi.
Nhìn xa xăm ra biển, đôi mắt hầu hết đã mờ đục của các CCB Đoàn tàu không số phảng phất nỗi buồn như có lỗi với đồng đội đã hy sinh. Mong rằng, công trình đền thờ liệt sĩ Đoàn tàu không số không thể chậm hơn nữa, không để lỡ hẹn với những người mãi mãi ở lại biển khơi và lỡ hẹn cả với những CCB của Đoàn tàu không số.
Hồng Sáng (Theo ct.qdnd.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận