Đình An Vĩnh trên đảo Lý Sơn - Nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính và tế lính Hoàng Sa

15:16 12-08-2021

VBĐVN.vn - Đình An Vĩnh trên đảo Lý Sơn là một trong những ngôi đình có từ lâu đời nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Không chỉ là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như các lễ hội truyền thống của người dân trên đảo Lý Sơn, đây còn là nơi khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Đình làng An Vĩnh - Nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đình Làng An Vĩnh được xây dựng từ thế kỷ 18, trải qua biết bao chiến tranh và thiên tai đến nay đình làng này đã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo phục hồi nguyên trạng. Đây cũng là di tích có giá trị lịch sử to lớn, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chính quyền, người dân và đặc biệt là các thế hệ của 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn đã hết lòng gìn giữ, bảo vệ ngôi đình. Đây cũng là nơi được 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào nhằm ngày 16-3 (âm lịch) hàng năm.

Theo những tài liệu lịch sử, cách đây khoảng 3 đến 4 thế kỷ trước, các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc. Theo đó, hàng năm có 70 binh phu đã từ mảnh đất Lý Sơn, chủ yếu là người ở An Vĩnh vâng lệnh Vua ban giong thuyền ra tận Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi lần ra đi, dân làng lại tổ chức Lễ khao lề thế lính và tế lính Hoàng Sa. Từ đó, nghi lễ này đã sống cùng cộng đồng dân cư Lý Sơn như niềm tự hào của người dân đất đảo. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là dịp để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân - những người đã giong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc từ hàng trăm năm trước. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một trong những minh chứng rõ ràng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Đình làng An Vĩnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao Bằng di tích Quốc gia và Bằng công nhận lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản phi vật thể cho huyện đảo Lý Sơn.

Đi qua thời gian, cư dân ở Lý Sơn đang tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lịch sử và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đình làng An Vĩnh là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như các lễ hội truyền thống của người dân trên đảo Lý Sơn.

Đình làng An Vĩnh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao Bằng di tích Quốc gia và Bằng công nhận lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản phi vật thể cho huyện đảo Lý Sơn. Điều đó đã trở thành niềm tự hào đối với người dân, người con đất đảo.

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có khá nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng khi tới đây du khách không thể bỏ qua điểm đến hấp dẫn như Đình làng An Vĩnh. Đình làng An Vĩnh tọa lạc ngay cảng biển Lý Sơn, nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng gần 30km). Mặt tiền của đình làng An Vĩnh hướng về đất liền. Khuôn viên của đình rộng khoảng 2.000m2, trong đó, khoảng 1.000m2 là sân đình.

Kiến trúc Đình làng An Vĩnh theo kiểu tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương, cầu mong mọi sự được bình an cho dân làng.

Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng. Các đình này liên kết với nhau bằng hệ thống máng xối dài, mang đậm nét phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Mô thức tổng thể trang trí nóc đình, mái đình, trong đình và ngoài đình theo kiểu tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương, cầu mong mọi sự được bình an cho dân làng.

Trong đình có bàn thờ cúng tổ tiên, dòng họ: Nguyễn, Lê, Đặng, Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Quang, Phạm Văn... Các vị tiên hiền này đã có công mở cõi, lập đình, cắm mốc và dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo Lý Sơn, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đình làng An Vĩnh là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, dân gian, hội hè và tâm linh của 13 dòng họ trên đảo Lý Sơn. Một trong những lễ hội quan trọng đặc biệt nhất là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa vào ngày 16-3 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội này tri ân những hùng binh đã vâng mệnh triều đình vượt muôn sóng cả ra biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Hiện nay, cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đình làng An Vĩnh, nhân dân trong vùng lại nô nức tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh như: Lễ tế Xuân Thu nhị kỳ vào các ngày 20-2 (âm lịch) và 20-8 (âm lịch); Lễ giỗ lục tộc tiền hiền vào ngày 16-7 (âm lịch); lễ Khao tế cầu siêu vong hồn lính Hoàng Sa vào ngày 16-3 (âm lịch). Ngoài ra, đây còn là nơi diễn ra lễ hoa đăng, lễ nhật yết, lễ đua thuyền tứ linh, các hội hè dân gian…

Đình làng An Vĩnh ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch mọi miền cả nước đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây không chỉ là nơi hun đúc tinh thần, tín ngưỡng cho người dân trên đảo Lý Sơn, mà còn là một di tích lịch sử có giá trị trong việc minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

Văn Đoàn (theo dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang