Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi

07:48 09-10-2023

VBĐVN.vn - Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi ra quân tuyên truyền, kiểm tra các tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ. Hoạt động này không chỉ làm thay đổi nhận thức của ngư dân, tuân thủ quy định đánh bắt hải sản hợp pháp, mà còn là chỗ dựa, đồng hành cùng ngư dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sầm Sơn cấp phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống khai thác IUU cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Phương Loan

Nỗ lực để ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp

Đến hết tháng 5-2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 6.500 tàu cá khai thác hải sản, trong đó, có 1.166 tàu khai thác hải sản xa bờ. Các cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin của 2.751 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.125/1.166 tàu cá hoạt động vùng khơi, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.061/1.166 tàu và cấp giấy phép khai thác hải sản cho gần 1.800 trên tổng số hơn 2.100 tàu.

Thực hiện chủ trương của các cấp, các ngành trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt nghiêm túc tới cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tuyến biển của tỉnh, gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, các đồn biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật khác quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền tập trung, riêng lẻ, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động...

Bên cạnh đó, trước khi làm thủ tục ước khi xuất và cập bến cho các phương tiện, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã lên từng tàu tuyên truyền, kiểm tra mức độ an toàn của tàu thuyền, tình trạng trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư lưới cụ đánh cá và thân nhân của ngư dân. Đồng thời, triển khai cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm khai thác IUU...; hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; không vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định, tập trung vào nhóm các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sầm Sơn cho biết: "Đơn vị có nhiệm vụ quản lý 29,5km bờ biển. Trên địa bàn hiện có 2.544 phương tiện/8.448 lao động, trong đó, 430 phương tiện có chiều dài trên 15m. Thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tiến hành tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn, tập trung vào chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đơn vị đã biên soạn được 600 tờ rơi cấp phát cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm, cảng cá, kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, vận động ngư dân, các chủ phương tiện viết cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản, thành lập mô hình “Tổ giám sát cộng đồng” ... Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 10 vụ/10 phương tiện/10 đối tượng, phạt tiền 37 triệu đồng".

Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc thông tin: “Xã có 123 phương tiện có chiều dài chiều dài từ 15m trở lên. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đến từng chủ tàu để tuyên truyền cho bà con về phòng chống khai thác IUU một cách triệt để nhất. Đồng thời, xã cũng phối hợp triển khai cho các chủ phương tiện thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm đúng hạn, bật máy thiết bị giám sát hành trình, chấp hành đúng pháp luật khi đi khai thác trên biển, tham gia mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, đăng ký khai thác vùng biển xa. Nhìn chung, bà con ngư dân đều cam kết sẽ không đánh bắt ở vùng cấm”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sầm Sơn phối hợp với lực lượng kiểm ngư kiểm tra các thủ tục của phương tiện trước và sau khi cập bến. Ảnh: Phương Loan

Còn anh Hoàng Văn Trọng, ngư dân xã Ngư Lộc chia sẻ: Ngư dân chúng tôi rất yên tâm ra khơi bám biển vì được các anh Bộ đội Biên phòng luôn sát cánh, đồng hành. Từ khi được các cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền về các hành vi khai thác bị nghiêm cấm trên biển, chúng tôi thường xuyên bật định vị, ghi chép đầy đủ nhật ký hành trình đi biển. Đồng thời, có ý thức tuyên truyền cho các tàu cá ở địa phương khác đến khai thác không vi phạm các quy định về khai thác hải sản, để cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Tôi là chủ tàu Dự án 67 (tàu gỗ) và có 10 thuyền viên, từ 10 - 20 ngày thì tàu cập cảng một lần đi các tỉnh: Ninh Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên... Thu nhập cho mỗi thuyền viên là 10 triệu đồng, lái tàu 20 triệu đồng, có những chuyến, chúng tôi là chủ phương tiện thu nhập khoảng 100 - 300 triệu đồng/tháng. Các cán bộ Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra giấy tờ thủ tục trước và sau khi cập bến và xử lý nghiêm những hành vi khai thác bất hợp pháp, nên chúng tôi luôn thực hiện đúng quy định khai thác thủy hải sản trên biển.

Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống khai thác IUU. Tăng cường các biện pháp thực thi pháp luật, như: kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm Biên phòng tuyến biển.

Tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý 100% tàu cá vi phạm; điều tra, xác minh, xử lý 100% tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình... Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức về khai thác hải sản của ngư dân, từng bước tháo gỡ "thẻ vàng" đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa luôn là chỗ dựa tin cậy, đồng hành cùng bà con ngư dân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phương Loan (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang