Động viên ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo

12:00 22-07-2021

VBĐVN.vn - Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 13 Nghiệp đoàn nghề cá, với hơn 7.000 đoàn viên, 500 tàu cá. Thời gian qua, các ngư dân đã luôn đoàn kết, vươn khơi, bám biển để đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngư dân có ý kiến về kinh phí và chính sách hỗ trợ của Quỹ tấm lòng vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không còn dồi dào như trước. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề này.

Ông Trần Quang Tòa (thứ 2 từ trái sang) trao quà hỗ trợ cho ngư dân gặp nạn năm 2019. Ảnh: Văn Chương

Phóng viên (PV): Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu và một số địa phương có ý kiến về việc không có kinh phí hỗ trợ, thiết bị trạm bờ hư hỏng chưa được sửa chữa. Vậy, nguồn kinh phí hiện nay gặp khó khăn như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Tòa: Trước đây, tỉnh Quảng Ngãi hàng năm trích ngân sách 200 triệu đồng hỗ trợ cho hoạt động của các Nghiệp đoàn nghề cá. Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19, kinh phí khó khăn, nên nguồn kinh phí trên tạm thời bị cắt giảm. Thứ 2 là Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng của Tổng Liên đoàn Lao động đã hết, chính vì thế, chúng tôi chỉ có thể trích nguồn quỹ ít ỏi của Liên đoàn Lao động tỉnh để hỗ trợ mang tính chất động viên ngư dân vươn khơi bám biển là chính.

PV: Nghiệp đoàn nghề cá cũng là nơi tạo cảm hứng cho ngư dân bám biển, đánh bắt thành công và bảo vệ chủ quyền thông qua việc nhân rộng các mô hình tiêu biểu ở địa phương. Đề nghị ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Trần Quang Tòa: Ở một số làng chài, như xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, bà con đoàn viên đã xem Nghiệp đoàn nghề cá như ngôi nhà của mình. Đơn vị này có 10 tổ, 629 đoàn viên với 140 tàu và trên 56.000CV, chủ yếu tàu từ 400CV trở lên, ngư trường đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong thời gian qua, có 3 tàu cá của đoàn viên bị thiệt hại 100% (trong đó, có 1 tàu bị chìm khi khai thác tại vùng biển Hoàng Sa và 2 tàu bị cháy tại cảng Tịnh Hòa). Nghiệp đoàn đã hỗ trợ cho mỗi tàu 10 triệu đồng, trích quỹ cho 13 đoàn viên là chủ tàu mượn vốn để mua nhiên liệu, tu bổ nghề nghiệp với số tiền 350 triệu đồng.

Ban lãnh đạo Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An còn vận động các đoàn viên gây quỹ để giúp đỡ lẫn nhau. Hiện nay, 10 tổ đều có quỹ riêng từ 200 đến 300 triệu đồng/tổ. Thông qua Nghiệp đoàn nghề cá, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ ngư dân bám biển, vươn khơi như: Tặng cờ Tổ quốc, tủ thuốc, áo phao, máy HF, máy Icom..., tạo điều kiện cho ngư dân liên lạc, hỗ trợ nhau trên biển, kịp thời thông tin về đất liền khi có tình huống bất ngờ.

PV: Thời gian trước đây, từ nguồn kinh phí của Quỹ Tấm lòng vàng, các Nghiệp đoàn và các đoàn viên được hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình hoạt động. Đến nay, các mô hình này phát triển như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Tòa: Hiện nay, tàu cá của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (đầu tư 5 tỷ đồng – năm 2013) giao cho đoàn viên Bùi Văn Phải quản lý, hoạt động chủ yếu tại ngư trường Hoàng Sa, mỗi năm đóng góp cho Nghiệp đoàn 120 triệu đồng. Tàu cá của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (đầu tư 10 tỷ đồng – năm 2016) giao cho đoàn viên Nguyễn Khánh quản lý, hoạt động chủ yếu tại ngư trường Trường Sa, mỗi năm đóng góp cho Nghiệp đoàn 150 triệu đồng.

Việc “trao cần câu”, trao sinh kế để ngư dân tiếp tục bám biển, bám ngư trường đã đỡ gánh nặng cho hàng chục ngư dân trong tỉnh. Sự giúp đỡ thiết thực từ những tay lưới, những con tàu đã động viên ngư dân yên tâm bám biển. Việc làm này của Liên đoàn Lao động tỉnh không chỉ là sự sẻ chia đơn thuần với những khốn khó của người dân, mà là tấm lòng với biển đảo quê hương. Hầu hết các ngư dân, chủ tàu được nhận hỗ trợ đều sử dụng đồng tiền đúng mục đích là đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để vươn khơi, bám biển mưu sinh.

Lễ hạ thủy tàu của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”. Ảnh: Văn Chương

PV: Chính sách khen thưởng, tuyên dương ngư dân đánh bắt giỏi, tích cực phối hợp với BĐBP để bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Nghiệp đoàn thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Tòa: Theo quy chế thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh, trong đó có Nghiệp đoàn nghề cá chấm điểm, bình xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Về khen thưởng đột xuất cho ngư dân, hiện nay được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi thực hiện khi có nhân tố tích cực, kiên cường bám biển, hoặc các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5 (trong Lễ biểu dương đoàn viên, công nhân, lao động giỏi, chủ doanh nghiệp tiêu biểu thi đua làm theo lời Bác).

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lê Chương (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang