Đột phá lớn trong công nghệ nuôi biển

16:32 17-10-2022

VBĐVN.vn - “Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nuôi biển quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu triển khai đúng mục tiêu, đến năm 2030, chúng ta có 300.000ha diện tích nuôi biển, với sản lượng 1,5 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu đó, phải lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm khâu đột phá lớn trong nuôi biển” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Hải Luận

Việt Nam đã sản xuất vật liệu nuôi biển giống như Na Uy

Phóng viên: Nuôi biển quy mô công nghiệp ở nước ta vẫn đang ở giai đoạn đầu, đề nghị ông nói rõ hơn những giải pháp mang tính cốt lõi về vấn đề này?

Thứ trưởng: Đúng vậy, ở diện rộng, quy mô nuôi biển theo hướng công nghiệp của nước ta đang còn khiêm tốn so với diện tích biển, đảo của đất nước. Ở diện hẹp, tại Khánh Hòa, đã có doanh nghiệp đi tiên phong mở đường về vấn đề này. Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong. Nói về công nghệ, tổ chức sản xuất và xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, thì không thua kém gì với công nghiệp nuôi biển của Na Uy, đất nước đứng đầu thế giới về nuôi biển.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai cho các viện nghiên cứu, trường đại học, vừa chủ động nghiên cứu khoa học công nghệ nuôi biển, vừa nhập khẩu công nghệ, thiết bị tiên tiến và công thức sản xuất thức ăn cho cá biển, kể cả đối tượng nuôi trồng thủy sản; mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều nước trên thế giới, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để tăng giá trị sản phẩm; ban hành Bộ quy chuẩn quốc gia về nuôi biển, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Vừa qua, một số doanh nghiệp nuôi biển phải bỏ tiền ra mua lồng của Na Uy với giá thành rất đắt. Tại sao chúng ta chưa có nhà máy sản xuất vật liệu chuyên nuôi biển?

Thứ trưởng: Những năm trước đây, doanh nghiệp, viện nghiên cứu triển khai nuôi biển theo quy mô công nghiệp đều phải nhập khẩu vật liệu, kỹ thuật làm lồng của Na Uy. Giá mỗi cái lồng có đường kính 29m trị giá trên 1 tỷ đồng. Ở nước ta đã có Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay, đã sản xuất được vật liệu chuyên nuôi biển. Chất lượng cũng giống như của Na Uy, giá thành chỉ bằng một nửa so với mua của Na Uy. Nhiều bạn thắc mắc Việt Nam làm sau, nhưng chất lượng ngang với nước phát triển? Chúng ta đi sau có lợi thế là kế thừa công nghệ nguồn, công nghệ lõi của các nước tiên tiến làm trước. Tập đoàn nhựa Super Trường Phát nhập khẩu 100% hạt nhựa dành riêng cho công nghiệp nuôi biển, các công ty của Na Uy và các nước châu Âu họ cũng mua nguyên liệu đầu vào giống như Super Trường Phát, mang về nhà máy nấu nóng chảy lên kéo thành ống.

Tôi nói thêm, Tập đoàn nhựa Super Trường Phát vừa sản xuất nguyên liệu nuôi biển, vừa trực tiếp nuôi trồng trên biển, vừa làm mô hình trình diễn ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch, giống như Pháp, Na Uy. Công ty này đang chờ tỉnh Khánh Hòa cấp phép thuê mặt nước biển để triển khai dự án vừa nuôi cá, nuôi rong và du lịch ở quy mô lớn.

Tạo sức bật từ “vốn mồi”

PV: Thực trạng hiện nay, một số tỉnh không ký cho doanh nghiệp thuê hoặc giao mặt nước nuôi biển theo quy mô công nghiệp. Đề nghị Thứ trưởng giải thích vì sao như vậy?

Thứ trưởng: Các địa phương ven biển cũng đang rất cần nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng phải tuân thủ theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong đó có quy hoạch phát triển vùng biển, đảo cấp quốc gia, của tỉnh. Dự tính đến cuối năm nay, Chính phủ mới ký được quy hoạch tổng thể không gian biển, các địa phương mới dựa vào làm căn cứ cơ sở pháp lý, rồi ký quyết định cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê mặt nước nuôi biển. Vừa rồi, tôi ký gia hạn cho Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam thuê mặt nước nuôi biển, phải xin ý kiến đến 6 Bộ. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát lại những cái nào còn vướng mắc, gây ra điểm nghẽn phát triển, sẽ tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ ngay.

Tập đoàn nhựa Super Trường Phát liên kết với ngư dân nuôi cá biển, rong, hàu bằng vật liệu HPE (nhựa) tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hải Luận

PV: Gần như thị trường giống nuôi biển do tư nhân thống trị, tư nhân cần được tham gia đấu thầu trực tiếp các dự án nghiên cứu và sản xuất con giống từ nguồn ngân sách Nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với hệ thống viên nghiên cứu. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?

Thứ trưởng: Con giống có tầm quan trọng số 1 trong nuôi trồng thủy sản. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có hai vấn đề cơ bản: Lựa chọn tổ chức, cá nhân làm đề tài khoa học; giao trực tiếp cho các viện, trường nghiên cứu giống như thời gian vừa qua. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư công chỉ đáp ứng được một phần nào đó, giống như “vốn mồi” thôi, không thể Nhà nước bỏ tiền ra hết được. Cần phải xác định, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Ví dụ, tới đây sản xuất thức ăn cho cá chẽm, chim vây vàng..., Nhà nước chỉ đưa ra “vốn mồi” cho một đơn vị khoa học hoặc một doanh nghiệp chủ trì làm. Đơn vị trực tiếp nhận làm phải có vốn đối ứng, kết quả cuối cùng của đơn vị thực hiện phải đưa vào dây chuyền sản xuất công nghiệp, tránh tình trạng nghiên cứu khoa học xong, đút ngăn kéo cất không giải quyết được vấn đề gì cả.

PV: Đất nước ta được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu lương thực, nhưng lại nhập khẩu lượng lớn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi biển nói riêng. Vậy điểm mấu chốt của nó nằm ở đâu?

Thứ trưởng: Môi trường nuôi, dinh dưỡng, con giống là ba gọng kìm tối quan trọng cho chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản và nuôi biển quy mô công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dinh dưỡng thức ăn chiếm đến 60% tổng giá trị trong nuôi trồng thủy sản. Một thực tế ở nước ta, nguồn cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển chưa phát triển mạnh, khó kiểm soát giá thành, chất lượng, nguồn gốc thức ăn, cũng như khả năng và các phương thức cung cấp thức ăn trên thị trường.

Thói quen của ngư dân nuôi cá biển là dùng cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi hàng ngày ở lồng bè, vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa không cân bằng được dinh dưỡng cho từng đối tượng nuôi. Những năm gần đây, đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia sản xuất thức ăn công nghiệp cho nuôi trồng thủy sản, họ đã mở thị trường và xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Về vùng trồng đậu nành, ngô, bột cá... của nước ta diện tích nhỏ, sản lượng không cao như các nước Mỹ, Canada, Nga... Chính vì vậy, hàng năm, nước ta phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn cho cả ngành nông nghiệp và thủy sản.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang