Dư địa phát triển ngành xuất khẩu thủy sản tới năm 2025
VBĐVN.vn - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi văn bản để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khả năng và dư địa phát triển ngành xuất khẩu thủy sản tới năm 2025.
Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng trung bình là 5%, đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm là 3,7 tỷ USD, cá tra là 1,5 tỷ USD, hải sản là 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu trồi sụt trong 5 năm qua do biến động nhu cầu, cạnh tranh và rào cản thị trường nhập khẩu (thuế CBPG, “thẻ vàng” khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chương trình giám sát Nhập khẩu Thủy sản của Mỹ (SIMP), giá thành sản xuất…). Hiệp hội VASEP dự tính tới năm 2025, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 12 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2020 đến 2025). Khối lượng xuất khẩu tới năm 2025 tương đương khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7 đến 4,8 triệu tấn sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2 đến 1,3 triệu tấn (khoảng 2,4 đến 2,6 tỷ USD).
Xu hướng chung trên thị trường thế giới
Do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản trong giai đoạn trước mắt, tuy nhiên xu hướng mua, bán online và thúc đẩy bán lẻ gia tăng; Hình thành thói quen nấu ăn tại nhà nên nhu cầu của phân khúc bán lẻ tại kênh siêu thị, các dạng sản phẩm tiện lợi, ăn liền, chế biến sẵn như đồ hộp, hàng khô, bữa ăn tiện lợi tăng lên.
Từ năm 2021, với tác động của đại dịch Covid-19, cũng làm tăng nhu cầu các sản phẩm có giá vừa phải, phù hợp mặt bằng thu nhập như: cá, tôm cỡ nhỏ, surimi, chả cá, một số loài cá biển,… Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tính bền vững, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm.
Top các loài thuỷ sản được tiêu thụ nhiều nhất: tôm, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, cá minh thái, cá tra, cá rô phi, cua ghẹ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Sản phẩm tôm sẽ vẫn ổn định vì là lựa chọn của người tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia. Nhu cầu các loại cá thịt trắng tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế sau đại dịch, nhu cầu cá thịt trắng và một số loài cá nổi nhỏ dự kiến sẽ tăng khả quan hơn các loài khác; Top các thị trường nhập khẩu thuỷ sản: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh. Trong đó, nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng, chi phối thị trường thuỷ sản thế giới.
Thị trường Anh tiềm năng sau Brexit, còn thị trường Nhật Bản chững lại (dân số già, kinh tế đi xuống), nhu cầu khó hồi phục mạnh, nhu cầu của các thị trường châu Âu hồi phục chậm; Tăng thương mại hai chiều giữa các nước/thị trường là thành viên của các FTA song phương và đa phương, tận dụng thuế quan ưu đãi; Lao động chế biến thuỷ sản chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Châu Á khác, do chiến tranh thương mại của nước này với Mỹ và do chính sách kiểm tra thuỷ sản nhập khẩu khắt khe trong và sau đại dịch.
Các yếu tố và xu hướng chính sẽ chi phối sự phát triển thuỷ sản Việt Nam 5 năm tới
Nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu đa dạng như, nuôi trồng, khai thác trong nước và nhập khẩu nguồn hợp pháp sẽ là nòng cốt tạo ra sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam trong 5 năm tiếp. Dự kiến nguồn nguyên liệu tốt, ổn định và năng lực chế biến hiện đại sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam.
Xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu, tận dụng tối đa năng lực chế biến và đảm bảo là một “nguồn cung” ổn định, chất lượng trên thị trường quốc tế; Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa gia tăng, dự kiến chiếm khoảng 20% doanh số; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xuất khẩu như, cầu, cảng, giao thông, kho lạnh,… sẽ có xu hướng được đầu tư, cải tạo nhiều hơn từ nguồn ngân sách và cả xã hội hoá, tư nhân, tạo tác động tích cực đến sản xuất, xuất khẩu của ngành.
Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cùng với hoạt động xúc tiến thương mại (xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh thuỷ sản, kết nối giao thương…) sẽ là những yếu tố tích cực tiếp theo tác động xu hướng phát triển của thuỷ sản Việt Nam.
Định hướng phát triển, chính sách thúc đẩy của Chính phủ và công cuộc cải cách hành chính của các Bộ, Ngành sẽ có các kết quả khả quan trong giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy và tạo dư địa phát triển cho ngành hàng. Tuy nhiên, giá thành sản xuất cao, các biến động thị trường như, nhu cầu, quy định, chính sách thuế, rào cản và xu thế đòi hỏi chứng nhận bền vững cũng nhiều lên sẽ là những thách thức tiếp tục mà cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản sẽ phải đương đầu để vượt qua với nhiều chi phí hơn và khó khăn hơn.
Phát triển từng ngành hàng thủy sản tới năm 2025
Đối với tôm, do có tiềm năng về nguồn đất, nước phù hợp nuôi nhiều loài đa dạng, nguyên liệu ổn định; Công nghệ chế biến hiện đại; Sản phẩm đa dạng, tăng sản phẩm GTGT (40%). Bên cạnh đó, có thế mạnh tôm sú, tôm cỡ lớn, tôm sinh thái; Thuế ưu đãi theo các FTA và được ưa chuộng ở cả thị trường thế giới và nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức, bất cập như, các vùng nuôi không tập trung, khó quản lý chất lượng và thu mua, đều qua thương lái; Cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng; Giá thành sản xuất cao hơn Ấn Độ, Ecuador; Thuế chống bán phá giá (CBPG); Chương trình giám sát thuỷ sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ (SIMP); Rào cản thị trường, vướng quy định về môi trường, các chi phí đầu vào khó kiểm soát và thủ tục hành chính bất cập.
Thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU (Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hà Lan) và Hàn Quốc. Thị trường tiềm năng là Australia, Canada, Anh, Nga. Dự báo xuất khẩu năm 2025 là 5,5 tỷ USD, tăng trưởng TB 8%.
Đề xuất và định hướng trong thời gian tới: (1) Đẩy mạnh công tác đánh mã số vùng nuôi; (2) Quy hoạch vùng nuôi tập trung. (3) Đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, kinh doanh; (4) Đầu tư đẩy mạnh thế mạnh nuôi tôm công nghệ cao, tôm sinh thái; (5) Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm tôm thế mạnh: tôm sú size lớn, tôm sinh thái, tôm chế biến; (6) Giữ ổn định và gia tăng thị phần tại thị trường truyền thống, tận dụng đẩy mạnh sang thị trường tiềm năng (thị trường có FTA); (7) Thích ứng, nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; (8) Có phương án dự phòng đối phó dịch bệnh, thiên tai; (9) Tận dụng nguồn lao động và công suất chế biến cho hoạt động nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu (SXXK), gia công xuất khẩu (GCXK), có cơ chế, chính sách kiểm tra nhập khẩu phù hợp với mục đích để gia công chế biến xuất khẩu và đúng với bản chất sản phẩm nhập khẩu; (10) Có cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích đầu tư, sản xuất. Giảm, nới lỏng các chính sách nội tại đang làm ảnh hưởng doanh nghiệp.
Đối với cá tra, vi chiếm tỷ trọng chi phối trên thế giới, ít bị cạnh tranh cùng chủng loại; Nuôi tập trung, năng suất cao, tốn ít diện tích mặt nước và có đội ngũ doanh nghiệp chế biến lớn, đầu tư mạnh. Tuy nhiên, sản phẩm đơn điệu (chủ yếu phile đông lạnh, chiếm 98%); Cạnh tranh nội bộ khiến giá xuất khẩu thấp; Thuế CBPG, chương trình kiểm soát của FSIS Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, chưa phổ biến tại thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng, vướng quy định về môi trường và các chi phí đầu vào khó kiểm soát và thủ tục hành chính bất cập.
Thị trường chính chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, EU và Thái Lan; Thị trường tiềm năng là Brazil, Mexico, Colombia và Nhật Bản. Dự báo xuất khẩu năm 2025 là 2,3 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 8%.
Đề xuất và định hướng: (1) Đẩy mạnh công tác đánh mã số vùng nuôi; (2) Tăng tỷ lệ sản phẩm GTGT; (3) Quảng bá, tiếp thị mạnh tới người tiêu dùng tại các thị trường nước ngoài và trong nước; (4) Giữ ổn định chất lượng; (5) Đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, kinh doanh; (6) Thích ứng, nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; (7) Có phương án dự phòng đối phó dịch bệnh, thiên tai; (8) Có cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích đầu tư, sản xuất và giảm, nới lỏng các chính sách nội tại đang làm ảnh hưởng doanh nghiệp.
Riêng với hải sản với tiềm năng có nhiều địa phương khai thác biển, nhiều nhà máy chế biến, sản phẩm đa dạng và chế biến sâu; khả năng chế biến phù hợp nguyên liệu khai thác trong nước, nguyên liệu nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu; Thuế ưu đãi theo các FTA và có dư địa tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, cũng có một số thách thức và bất cập như: nguồn lợi cạn kiệt, thiếu nguồn lực để quản lý nghề cá bền vững; Cơ sở vật chất cầu, cảng, giao thông, kho lạnh hạn chế; Thẻ vàng IUU của EU từ 2017; Chương trình SIMP của Hoa Kỳ từ 2018; Chương trình An toàn cá heo. Cùng đó, sắp tới có thể Nhật Bản cũng áp dụng quy định chống khai thác IUU, vấn đề lao động trẻ em nghề cá, nguồn nguyên liệu nhập khẩu khó vì bị cạnh tranh nhập khẩu và các chi phí đầu vào cao & khó kiểm soát.
Có thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU. Thị trường tiềm năng là Trung Đông (Israel, Ai Cập), Chile, Canada. Dự báo xuất khẩu năm 2025 là 4,2 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 5%.
Đề xuất và định hướng: (1) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá (cầu, cảng, kho lạnh); (2) Triển khai đề án giảm tổn thất sau thu hoạch, hạn chế lãng phí nguồn lợi; (3) Tăng cường nguồn lực để khắc phục thẻ vàng IUU; (4) Có Cơ sở dữ liệu nghề cá đầy đủ hiện đại để quản lý nghề cá; (5) Có chính sách quản lý đội ngũ “nậu vựa” trong chuỗi cung ứng; (6) Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, thị trường có FTA; (7) Tận dụng nguồn lao động và công suất chế biến cho hoạt động gia công và chế biến xuất khẩu, có cơ chế, chính sách kiểm tra nhập khẩu phù hợp với mục đích để gia công chế biến xuất khẩu và đúng với bản chất sản phẩm nhập khẩu; (8) Thích ứng, nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; (9) Có phương án dự phòng đối phó dịch bệnh, thiên tai; (10) Có cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích đầu tư, sản xuất và giảm, nới lỏng các chính sách nội tại đang làm ảnh hưởng doanh nghiệp.
Thanh Thủy (theo tongcucthuysan.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận