Du lịch biển đảo - Thế mạnh hướng tới Du lịch Xanh ở Quảng Nam

23:10 28-02-2024

VBĐVN.vn - Trong năm 2023, tổng lượng khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt hơn 7,5 triệu lượt, trong đó khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch biển đảo chiếm hơn 2,5 triệu lượt.

Vẻ đẹp của bãi tắm An Bàng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Bãi biển An Bàng, phường Cẩm An, thành phố Hội An, Quảng Nam, tiếp tục được nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á năm 2024. Đây là một hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng Traveller's Choice Awards 2024 của Tripadvisor, do cộng đồng du khách trên toàn thế giới đánh giá, lựa chọn.

Bãi biển An Bàng, với bờ cát dài trắng mịn, làn nước trong xanh, nông và kéo dài ra khơi là những yếu tố thuận lợi để cùng với đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Tam Hải trở thành đầu tàu trong phát triển du lịch biển đảo của tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thành chia sẻ việc bãi biển An Bàng tiếp tục được du khách trên toàn thế giới bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất ở châu Á là xứng đáng. An Bàng và nhiều bãi biển khác của Quảng Nam đã trở thành điểm đến hầu như không thể thiếu đối với du khách, nhất là khách quốc tế từ nhiều năm nay.

Trong năm 2023, tổng lượng khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt hơn 7,5 triệu lượt, trong đó khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch biển đảo chiếm hơn 2,5 triệu lượt. Điều này cho thấy du lịch biển đảo đã, đang và sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách.

Tham gia tour trải nghiệm Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, ông David Karl và gia đình đến từ Australia chia sẻ: "Tôi đã trải nghiệm nhiều nơi ở Quảng Nam. Điều khiến tôi thích thú và ấn tượng nhất là trải nghiệm ở các làng quê, tham quan các di sản văn hóa thế giới được các bạn giữ gìn rất tốt. Đặc biệt, các điểm đến như biển An Bàng, biển Hà My, Cửa Đại là không thể thiếu đối với chúng tôi trong mỗi dịp đến Quảng Nam."

Tuy nhiên, điều khiến ông David Karl băn khoăn là giao thông kết nối giữa các điểm đến cũng như sản phẩm du lịch, dịch vụ vẫn còn khó khăn và đơn điệu, trong khi điều kiện tự nhiên của những khu vực biển này rất thuận lợi với các môn thể thao dưới nước.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại đầu năm giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam vào những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đề xuất: Du lịch biển đảo Quảng Nam là sản phẩm mới, có tiềm năng lớn, song khả năng khai thác chưa thật sự bài bản và tương xứng.

Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp du lịch trong việc phục hồi và phát triển trong giai đoạn hiện nay là nguồn vốn. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay, thuê đất, giảm giá điện, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều gói kích cầu để du lịch biển đảo trở thành chuỗi sản phẩm không thể thiếu và không thể tách rời trong chuỗi sản phẩm Du lịch Xanh.

Thắng cảnh Bàn Than, huyện Núi Thành, Quảng Nam là điểm nhấn trên hành trình du lịch biển đảo Cù Lao Chàm-Tam Hải-LýSơn. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)

Giám đốc Công ty Sự kiện Lễ hội biển An Bàng Lê Ngọc Thuận chia sẻ du lịch biển đảo chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số khách du lịch đến Quảng Nam mỗi năm. Đối với bãi biển An Bàng và các bãi biển khác của thành phố Hội An, tất cả khách trong nước và quốc tế được hỏi đều có chung nhận xét là bãi biển đẹp, song dịch vụ du lịch biển, sản phẩm du lịch biển chưa thật sự phát triển xứng tầm. Quảng Nam có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo. Du lịch cộng đồng làng quê ven biển Quảng Nam với các lớp trầm tích văn hóa là nguồn tài nguyên du lịch hết sức quý giá.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng dồi dào này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần có sự tiếp sức của nhà nước về nguồn vốn đầu tư xây dựng sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.

Mặt khác, để sản phẩm du lịch biển đảo trở thành sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch Xanh, cần có sự kết nối giữa các loại hình dịch vụ, từ dịch vụ vận chuyển, đến dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm và kết nối giữa các điểm đến, sản phẩm du lịch biển đảo gắn với các môn thể thao dưới nước phải tạo được dấu ấn khó quên trong lòng du khách.

Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết cùng với các Di sản Văn hóa Thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam còn sở hữu bờ biển dài, sở hữu hai trong ba điểm đến trong tam giác biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An)-Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là nguồn tài nguyên quý giá không phải trung tâm du lịch nào cũng có được.

Trong chiến lược phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Quảng Nam tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch biển, nâng tầm giá trị du lịch biển đảo trong chuỗi sản phẩm du lịch Xanh đang được tỉnh nỗ lực xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ du lịch biển đảo được cộng đồng du lịch, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là thế mạnh vượt trội của tỉnh Quảng Nam.

Với hơn 125km chiều dài bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, Tam Hải cùng với các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, đây là nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh.

Quảng Nam đã có sự quan tâm đặc biệt về bảo vệ môi trường biển đảo, lấy việc bảo vệ môi trường sinh thái làm động lực để phát triển Du lịch Xanh, phát triển kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên cũng thẳng thắng nhìn nhận rằng du lịch biển đảo của Quảng Nam còn mang tính tự phát của cộng đồng, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư đồng bộ.

Bên cạnh đó, những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng. Đây là những vấn đề đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận và từng bước tháo gỡ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, để khai thác bền vững tài nguyên biển đảo trong phát triển du lịch xanh và bền vững, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng công trình chống sạt lở bờ biển, nhất là bờ biển khu vực thành phố Hội An.

Hiện nay, Quảng Nam đang tích cực làm việc với với các bộ, ngành Trung ương và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để sớm thực hiện Dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, có tổng mức đầu tư xây dựng 42 triệu euro, tương đương 982 tỷ đồng, do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ. Theo đó, khi Dự án hoàn thành vào năm 2026 sẽ có thêm khoảng 3,5km bờ biển Hội An được bảo vệ chống sạt lở.

Bờ biển Hội An được chống xói lở triệt để, không những bảo vệ được tài nguyên du lịch, bảo vệ tài sản cho cộng đồng mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư, làm nền tảng để du lịch biển đảo phát triển mạnh và bền vững trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch Xanh.

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang