Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021)

Dũng cảm đưa tàu cập bến

10:58 27-10-2021

VBĐVN.vn - Từ năm 1962 đến 1968, ông Phan Nhạn đã 15 lần cùng đồng chí, đồng đội thực hiện hải trình trên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vượt biển, trên các con tàu không số để đưa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Tháng 3-1962, tôi được cấp trên điều về Đoàn 759 (Đoàn tàu không số). Vốn quen nghề sông nước, lại có tay nghề cơ khí, cấp trên tin tưởng giao cho tôi giữ chức máy trưởng kiêm tổ trưởng tổ bộc phá. Giữa tháng 10-1962, tôi và đồng đội lên tàu không số chở vũ khí vào vùng biển Cà Mau. Ai nấy đều háo hức, bởi anh em trên tàu đều hiểu rằng, mỗi khẩu súng, viên đạn chi viện cho chiến trường miền Nam là hết sức quý giá” - Anh hùng LLVT nhân dân Phan Nhạn, nguyên Máy trưởng các Tàu 41, 43 và 56, Đoàn tàu không số năm xưa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm một thời hoa lửa.

Sau thoáng đăm chiêu để tiếp tục khơi mạch nguồn ký ức, ông Phan Nhạn kể tiếp: Đúng 23 giờ 45 phút hôm ấy, con tàu lặng lẽ rời cảng ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Hành quân được khoảng chục hải lý thì gặp trận gió mùa, chiếc tàu gỗ tròng trành, chao đảo. Máy chính, máy phụ hoạt động hết công suất nhưng con tàu vẫn ì ra. Thuyền trưởng gọi điện về đất liền xin chuyển hướng đi gần quần đảo Hoàng Sa, một quyết định mạo hiểm vì đi vào vùng này dễ bị tàu địch phát hiện. Được sự nhất trí của trên, con tàu chuyển hướng. Gần hai giờ đồng hồ vật lộn với sóng gió, tàu gặp sự cố mất liên lạc với sở chỉ huy. Trong lúc nguy nan, anh em vẫn bình tĩnh, mưu trí điều khiển tàu vượt qua vĩ tuyến 17 ngay trước mũi tàu chiến hạm đội 7 của Mỹ.

Anh hùng LLVT nhân dân Phan Nhạn (người mặc quân phục, đứng trên) thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh.

Hành quân đến ngày thứ sáu, tàu không số chỉ còn cách vùng biển Cà Mau khoảng 200 hải lý. Theo kế hoạch, để giữ bí mật cho bến, tàu chỉ được thả hàng trong thời gian ngắn vào đêm tối, rồi quay ra trước khi trời sáng. Tuy nhiên, suốt 3 giờ đồng hồ, tàu không thể bắt liên lạc và nhận được tín hiệu ở bến. Khi tàu chuẩn bị quay ra vùng biển quốc tế, đột nhiên phát hiện bên mạn trái có một chiếc ghe. Biết chắc đấy là ghe đánh cá của ngư dân vùng giải phóng, anh em trên tàu đã nhờ ngư dân dẫn đường vào bến an toàn.

Gặp nhau, thủy thủ tàu không số và các cán bộ, chiến sĩ ở bến vô cùng cảm động, ôm nhau khóc. Bởi vì thời chiến tranh, ranh giới sinh tử mong manh, mỗi lần xuất bến là một lần cán bộ, chiến sĩ trên Đoàn tàu không số xác định “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Và đối với các đồng chí, đồng bào làm nhiệm vụ ở bến cũng vậy, khi mất liên lạc với thuyền thì cầm chắc rằng các đồng chí, đồng đội của mình đã gặp hiểm nguy trên hải trình vượt biển.

Ông Phan Nhạn cho biết thêm, sau khi thuyền cập bến, chúng tôi mới biết khi được cấp trên thông báo tình hình và hẹn thời gian đón tàu. Đơn vị bến đã túc trực hơn một ngày đêm từ Gành Hào đến mũi Cà Mau để đón tàu. Vì tàu không vào bến theo kế hoạch nên mọi người ai cũng đau buồn vì nghĩ rằng tàu đã gặp nạn, tất cả hy sinh. Sau đó, công tác đón tàu được hủy bỏ...

Từ năm 1962 đến 1968, ông Phan Nhạn đã 15 lần cùng đồng chí, đồng đội thực hiện hải trình trên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vượt biển, trên các con tàu không số để đưa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 12-2015, cựu chiến binh Phan Nhạn vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang