Dựng trường nơi đảo tận cùng Tây Nam: Kỳ 1: Điểm trường lẻ loi

09:03 30-11-2022

VBĐVN.vn - Ở vùng biển Tây Nam, xã đảo Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có thể xem như đảo xa bờ nhất, cách Rạch Giá gần 200km. Nhưng không phải vì thế, mà Thổ Châu bị đứt sự học. Từ gần 30 năm trước, cùng với những gia đình đầu tiên trở lại Thổ Châu sau nhiều thăng trầm, những lớp học đã từ từ dựng lên. Từ lớp, tới điểm trường và thành ngôi Trường tiểu học - THCS Thổ Châu bây giờ, là một hành trình miệt mài truyền chữ, trồng người.

Năm 1996, Thổ Châu lần đầu có học sinh tốt nghiệp tiểu học. Theo đúng quy định, các học sinh hết lớp 5 sẽ về Phú Quốc thi tốt nghiệp tại Trường An Thới 3. Thầy Đào Hữu Quốc, giáo viên của Trường tiểu học và THCS Thổ Châu, cũng là người trực tiếp dạy lớp 5 này, nhớ lại: “Năm đó phòng giáo dục hỏi tôi nhắm có bao nhiêu phần trăm học sinh về bờ thi được, tôi nói 100%. Rồi người ta hỏi lực học sinh ra sao, tôi bảo 100% khá giỏi”. Rồi tới khúc hỏi số lượng thì người thầy phụ trách danh sách thi sững sờ thốt lên mà cay khóe mắt “Thánh thần ơi”, vì 100% tức là chỉ có 2 em học sinh - Nguyễn Ngọc Diễm và Nguyễn Duy Tân.

Vợ chồng thầy Đào Hữu Quốc bọc sách giáo khoa giúp học trò.

Kỳ thi đầu tiên

Hồi ấy Thổ Châu không có tàu bè về bờ thường xuyên, Tân và Diễm phải đi nhờ ghe cá ngư dân về Phú Quốc. Tham dự kỳ thi xong, cả hai tá túc ở trạm y tế Phú Quốc, nhờ trạm y tế nuôi cả một tháng trong lúc chờ có tàu trở về nhà. Kỳ thi đó, cả xã đảo Thổ Châu đều chờ kết quả. Không phụ lòng thầy cô, Diễm với Tân thi hai môn Toán, tiếng Việt đều đạt 9-10. Sau này, trường nhiều học sinh, kỳ thi có thể tổ chức tại đảo, nhưng chuyện hai cô cậu học trò khăn gói về bờ đi thi cả tháng, vẫn là dấu ấn không thể quên của Thổ Châu. Diễm và Tân lớn lên, rời đảo, đều học hành thành tài.

Nhưng để có thành quả sơ khởi đó, phải kể tới những năm tháng đặt nền móng trước đó. Tháng 4-1993, xã đảo Thổ Châu chính thức được thành lập. Năm 1994, những giáo viên tình nguyện đầu tiên bắt đầu ra đảo, đánh dấu năm học đầu tiên của Thổ Châu. Thổ Châu năm 1994 mới có hơn chục hộ dân cùng hơn 50 đứa trẻ lộc ngộc đủ lứa tuổi, trình độ chênh lệch, lỗ mỗ bởi những tháng ngày rong ruổi theo bố mẹ trên những con tàu.

Hai giáo viên tình nguyện đầu tiên ra đảo là thầy Mai Văn Bình và thầy Đào Hữu Quốc. Thầy Bình vốn là lính hải quân, từng có nhiều năm đóng quân trên Thổ Châu, xuất ngũ đúng lúc nghe lời kêu gọi giáo viên ra đảo hai năm, thầy Bình đăng ký học sư phạm cấp tốc rồi xin tình nguyện trở lại Thổ Châu. Ba tháng sau, thầy Đào Hữu Quốc, vừa hoàn thành công đoạn 1 trung cấp sư phạm, cũng lên đường ra điểm xa xôi nhất biển Tây Nam. Hai người thầy bắt đầu những bài học đầu tiên trên xã đảo mới chập chững trở lại cuộc sống đời thường sau nhiều thăng trầm lịch sử.

Chính tay hai thầy kẻ vẽ nắn nót, viết biển trường: “Điểm trường Thổ Châu, phân hiệu thuộc trường An Thới 3”. Cơ sở vật chất trường chỉ có hai phòng học, một phòng làm việc cho giáo viên. Không đủ điều kiện thành lập trường, khi đó Thổ Châu vẫn tính là một phân hiệu của Trường PTCS An Thới (Phú Quốc).

Hai người thầy chia nhau dạy ba buổi sáng - trưa - chiều, xoay trần với bốn lớp: lớp 1, lớp ghép 2-3, lớp 4 và lớp 5. Những năm sau đó, tùy theo tình hình học sinh mà phân chia nhưng tình trạng lớp ghép vẫn thường xuyên. Đầu này một lớp, đầu kia một lớp, mỗi lần thầy giảng bài là chuẩn bị cả hai giáo án.

Những ngày đầu tiên, nhìn hòn đảo trống huơ, chàng thanh niên 23 tuổi Đào Hữu Quốc cũng nản lòng. Đảo gần như biệt lập. Thầy Quốc chỉ mang ba bộ đồ để trong cặp sách. Mỗi buổi dạy xong, thầy Quốc lại xếp quần áo vào cặp, lúc nào cũng sẵn sàng, chỉ chờ có tàu cập đảo là xách cặp xin về. Nhưng ý định bỏ về qua nhanh, thầy Quốc ở lại qua cả cái mốc hai năm tình nguyện, rồi đưa cả vợ mới cưới ra đảo cùng dạy học, gắn bó với ngôi trường tới giờ.

Tháng 11-2001, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang ra quyết định thành lập Trường THCS Thổ Châu (gồm cả cấp tiểu học). Đến năm 2005, Thổ Châu có thêm điểm trường mầm non.

Từ bốn lớp ghép, bây giờ Thổ Châu đã có 12 lớp, đủ các khối. Thầy Phạm Văn Tiệp cho biết, dãy nhà bốn phòng học có từ năm 1993, năm 1998 đã có thêm bốn phòng nữa. Từ hai giáo viên, bây giờ trường đã có 23 giáo viên chính thức. Năm học mới 2022-2023 này, trường lại có thêm bốn phòng học, hai phòng chức năng.

Vợ thầy Quốc, cô giáo Võ Thanh Kiều ra đảo sau chồng một năm, cô bảo rằng ngày đó cực lắm: “Nếu muốn về bờ là phải canh. Nghe người ta bảo hôm nay có tàu, thế là mình ôm quần áo ra bến đợi, nếu tàu không đến là lại quay về. Chứ có phải như bây giờ, giờ tàu có ngày có khắc đâu”. Cô Kiều cũng trải qua mấy năm trời, cứ mùa hè là khăn gói đi nhờ xà-lan chở hàng về Phú Quốc, rồi lại quá giang tàu cá về Kiên Giang. Mỗi chuyến xà-lan là gần một ngày: “Đi nhanh thì 17 tiếng, còn thì 24 tiếng”. Mà xà-lan chỉ cập đảo nửa đêm, nên giáo viên ở đảo chẳng lạ gì cảnh đợi xà-lan đêm khuya cả.

Năm 1996, thầy Bình trở về Phú Quốc, nhưng đảo đã có thêm cô giáo Kiều, cô giáo Oanh rồi thầy Sáu, thầy Đức. Tháng 9-1997, đảo có giáo viên tiếng Anh đầu tiên. Đó cũng là năm đầu học sinh Thổ Châu học “nhô lớp 6”, vì những đứa trẻ hết lớp 5 bắt đầu lên lớp 6. Mỗi năm nhô một lớp, tới 9-2001 đảo mới có một khối lớp 9. Lúc này, giáo viên THCS đã có thêm thầy Võ Văn Thanh, thầy Lưu Quốc Hùng, rồi cô Trương Thị Khuyên. Tám năm ròng rã, Thổ Châu mới hoàn thiện cơ cấu cấp học của trường, theo dần sự trưởng thành của học trò.

Những lớp học không xác định sĩ số

Con nhà biển, đồng nghĩa với việc cuộc sống chẳng cố định. Có khi, lênh đênh sóng gió khiến nhiều ngư dân cũng quên mình cần cái chữ. Thời kỳ đầu, thầy Quốc, thầy Bình phải vật lộn với những đứa trẻ 10 tuổi mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên. Mỗi ngày tan trường, thay vì về nhà nghỉ ngơi, các thầy lại phải chia nhau đến nhà phụ huynh, tỉ tê hỏi chuyện, xem người ta đi biển, đi câu, cùng vá lưới với họ, thuyết phục các bậc cha mẹ ủng hộ chuyện học hành của con em mình.

Học ở đảo, tức là không thể áp dụng máy móc những giáo án chuẩn của đất liền. Giáo trình, thời gian hoàn toàn có thể phải co kéo tùy theo sự linh hoạt của người thầy. “Tôi nghĩ ra trò chơi, tôi còn dẫn lũ trẻ ra biển, vừa câu cá vừa hướng dẫn bài, lũ trẻ vui thì mới thích học được”, thầy Quốc kể.

Ngay cả bây giờ, thuyết phục để những đứa trẻ đi học đầy đủ cũng vẫn là bài toán khó. Lớp học ở Thổ Châu không bao giờ có sĩ số cố định. Bởi lũ trẻ lớn lên, đứa về bờ, đứa theo cha mẹ đến vùng biển khác. Ngay cả vào năm học, cũng có học sinh theo ghe của bố mẹ nghỉ cả tuần. Cô giáo Võ Thị Thu Nga, sinh năm 1985, dạy tiếng Anh - một môn học khó với trẻ con của đảo. Nga tự tính có khoảng gần nửa lớp là đi học không đều vì lý do gia đình: “Ở đây người ta không phải cho con nghỉ luôn mà vừa học vừa nghỉ. Môn này nghỉ nhiều mất kiến thức nhiều. Em nào học được là học được lắm, em nào bỏ là chênh lệch nhiều. Cỡ không đi học cũng phải 40%”.

Nga phải kiên trì từng buổi, xuống từng nhà bè ngư dân động viên các em đi đủ: “Học sinh học được một buổi cũng quý rồi”. Hai năm nay là thời gian Nga phải đi vận động học sinh nhiều nhất. Học sinh thương Nga lắm, phụ huynh cũng quý Nga, nhưng cuộc sống mưu sinh lại là câu chuyện khác. Năm ngoái, lớp của Nga cũng có học sinh bỏ học theo nhà đi làm xa. Nguyễn Văn Bình, giáo viên dạy Hóa lớp 8 cũng kể rằng, lớp anh dạy năm học trước có 13 em, năm nay vẫn giữ nguyên con số đó là kỳ tích rồi.

Thầy Phạm Văn Tiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thổ Châu, nói đi vận động học trò ở đây là việc thường xuyên. “Một năm đi vận động biết bao lần. Mình đến họ cũng hứa cho con đi học, rồi hôm sau học sinh cũng chẳng đến. Tầm cấp 2 là bọn trẻ có thể phụ giúp gia đình, nên lúc ấy thì tỷ lệ nghỉ học cũng tăng”. Thậm chí, có gia đình còn ra điều kiện, họ cho con đi học nhưng phải cho đứa nhỏ nghỉ sớm lúc 3 giờ để phụ mẹ đẩy xe rau ra chợ. Nhưng nhà trường cũng phải đồng ý, rồi dần dần “ăn gian” thêm nửa tiếng, một tiếng để cô bé học nốt buổi.

Số tiền học phí của trường thu được, bằng một phường Gành Dầu, bằng nửa phường Dương Đông, một nửa phường An Thới (Phú Quốc). “Bao nhiêu lần chúng tôi đề nghị miễn học phí Thổ Chu nhưng chưa được chấp nhận”, thầy Tiệp nhún vai.

Kỳ lạ, mà cũng không kỳ lạ, là không một ai trong số những giáo viên của trường, nói về hai từ “bỏ cuộc”.

Kỳ 2: Cách của những người thầy

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang