Đường Hồ Chí Minh trên biển - tầm vóc và ý nghĩa lịch sử
VBĐVN.vn - Việt Nam là quốc gia biển, nằm bên bờ Biển Đông; lịch sử dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với vai trò của Biển Đông. Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Trường Sơn trên bộ là hai tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sáu thập kỷ đã trôi qua, nhưng kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển còn vang vọng mãi, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tầm vóc của Đường Hồ Chí Minh trên biển
Mặc dù số lượng vũ khí và hàng hóa vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển còn ít so với lượng hàng hóa, vũ khí vận chuyển qua Đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì, Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi “thọc sâu, vu hồi” lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 chưa thể vươn tới được, và kẻ địch không ngờ tới sự sáng tạo, táo bạo của ta. Vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả vận chuyển. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hơn 80.000 cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam; từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, trong thời khắc quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã thần tốc vận chuyển gần 9.000 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo; đưa gần 19.000 cán bộ, chiến sĩ vượt 66.000 hải lý để kịp tham gia chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước.
Tầm vóc của Đường Hồ Chí Minh trên biển là hết sức lớn lao, đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam với một quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đó là “dám đánh, biết đánh, biết thắng và quyết thắng” đế quốc Mỹ xâm lược. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ này, các lực lượng, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, huấn luyện chu đáo, kể cả các lực lượng hiệp đồng tác chiến, tạo điều kiện thuận lợi để công tác vận tải đạt kết quả cao nhất.
Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển còn được tạo nên bởi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu không số luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; luôn nêu cao ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
1. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện quyết tâm, ý chí và khát vọng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tuy nhiên, trên tất cả, Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường của “thế trận lòng dân”, của chiến tranh nhân dân trên biển, quy tụ được sức mạnh toàn dân, đặc biệt thể hiện tình cảm, trách nhiệm lớn lao của đồng bào, nhân dân miền Bắc đối với miền Nam. Dựa vào dân, có sự chở che, giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng của nhân dân, tuyến vận tải chiến lược trên biển đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách khốc liệt, vượt qua mọi sự phong tỏa của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là bài học để hôm nay, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
2. Từ việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc ở mọi thời đại. Kế thừa truyền thống hào hùng Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nâng lên tầm cao mới: Tích cực, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, kiên định mục tiêu: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tiếp tục phát triển đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.
3. Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) có thể khẳng định, không một hoạt động tác chiến nào mà giữa cái sống, cái chết lại mong manh như khi thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến tàu của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Chỉ những con người có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mới nhận và hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn đó. Thực tiễn lịch sử hoạt động Đường Hồ Chí Minh trên biển để lại ý nghĩa quan trọng trong xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội làm công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo thông qua công tác huấn luyện, để bộ đội thực sự “giỏi vị trí của mình, biết vị trí của người khác”, làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Đối với phân đội, giỏi trong tác chiến độc lập và hiệp đồng quân binh chủng. Đây là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ xây dựng niềm tin vào khả năng chiến thắng kẻ thù trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
4. Trong suốt những năm tháng hoạt động của tuyến đường vận tải biển, những Đoàn tàu không số đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất, tinh thần của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước trong khu vực. Sự giúp đỡ thiết thực đó tạo ra những điều kiện quan trọng để chúng ta duy trì liên tục hoạt động vận chuyển và hạn chế những thiệt hại do địch gây ra, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt, đáp ứng kịp thời vũ khí, trang bị để chiến trường đánh thắng.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực luôn diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi các lực lượng trong Quân chủng Hải quân phải tiếp tục phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số, xây dựng đơn vị tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển, luôn là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận