Giải pháp nuôi biển bền vững: [Bài 2] Doanh nghiệp phải là 'đầu tàu'

09:59 20-11-2023

VBĐVN.vn - Trong chuyển đổi nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, doanh nghiệp phải là ‘đầu tàu’, ngư dân học tập những mô hình thành công của doanh nghiệp để tự phát triển.

Hiện tỉnh Khánh Hòa đã có một vài doanh nghiệp, đơn vị tiên phong nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Tạo đà cho ngành nuôi biển đi đến tương lai

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, để nuôi biển bền vững, cần thay đổi trong cả nhận thức và tư duy. Trong đó, việc nhân rộng các điển hình thành công trong nuôi biển theo quy mô công nghiệp, xây dựng các mô hình nuôi biển tiên tiến một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá biển, tôm hùm, hàu… là cần thiết.

Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ cho nuôi biển như lắp đặt thiết bị giám sát lồng, giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh… ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nuôi trồng thủy sản. Do đó, để khởi động tiến trình chuyển đổi cần phải có các doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp phải là “đầu tàu” để kéo người dân nuôi biển tiến về hướng nuôi biển công nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Võ Văn Nha, hiện nay Bộ NN-PTNT đã có một điển hình trong liên kết chuỗi, đó là chương trình xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ tôm hùm. Trong đó, doanh nghiệp là một mắc xích quan trọng để cung cấp sản phẩm đầu vào gồm vật tư, con giống, thức ăn…, đồng thời tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Không chỉ tôm hùm, các nhóm đối tượng có tiềm năng như cá biển, nhuyễn thể, rong biển… cũng sẽ là mục tiêu hình thành liên kết chuỗi trong tương lai không xa. Và như vậy, doanh nghiệp trong các chuỗi liên kết này luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cần nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cả “sản phẩm đầu vào” và “sản phẩm đầu ra” trong lĩnh vực nuôi biển.

Tiên phong nuôi biển

Ngành nông nghiệp tại các tỉnh Nam Trung bộ đang tổ chức lại hệ thống nuôi biển nhỏ lẻ, phân tán thành các hình thức khác có sự tham gia cộng đồng, Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Cùng với đó là việc hình thành các kênh thông tin trên thị trường, kịp thời cung cấp cho các cơ sở nuôi biển những thông tin về thị trường, giá cả để các cơ sở nuôi chủ động sản xuất, giảm rủi ro.

Nuôi biển bằng lồng HDPE vừa thân thiện môi trường, vừa thích ứng thiên tai. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, trong những năm qua, ở tỉnh đã hình thành một số mô hình nuôi biển công nghiệp. Khánh Hòa là một trong những địa phương sớm tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE và có các doanh nghiệp tham gia nuôi biển.

Cũng theo ông Quang, từ những năm 2000, trên địa bàn Khánh Hòa đã có Công ty TNHH Ngọc Trai đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Tiếp đến, năm 2006-2007, Công ty TNHH Marine Farms ASA Việt Nam (Na Uy) và Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam bắt đầu đầu tư thiết bị, công nghệ nuôi cá biển bằng lồng HDPE quy mô công nghiệp ở vịnh Vân Phong. Đến năm 2013, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I triển khai dự án trình diễn nuôi biển theo quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong. Đây là những đơn vị, doanh nghiệp tiên phong nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE trên biển tại Khánh Hòa.

“Trong đó, có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp điển hình hiệu quả trên vịnh Vân Phong gồm Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nuôi trồng thủy sản I) và Công ty Cổ phần nuôi trồng Thuỷ sản Phương Minh”, ông Quang cho hay.

Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (100% vốn nước ngoài) chuyên nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy với qui mô 70 lồng nuôi HDPE chia thành 5 trại, mỗi lồng nuôi có chu vi 120m, đạt sản lượng trung bình 250-300 tấn cá/lồng, sản lượng hằng năm đạt 6.000-8.000 tấn. Ngoài nuôi thương phẩm, công ty này còn có hệ thống trại sản xuất cá giống, thu hoạch, chế biến và trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: KS.

Thực tế cho thấy, thay đổi vật liệu nuôi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng HDPE có sức chống chịu trước gió bão giúp thủy sản nuôi được an toàn trong những mùa mưa bão. Thêm vào đó, doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, thủy sản nuôi đạt chất lượng cao nên chiếm lĩnh được thị trường, thuyết phục được người tiêu dùng, từ đó có đầu ra ổn định. Đặc biệt, những doanh nghiệp nuôi biển tiếp cận được với những thị trường lớn trên thế giới thì hoạt động sản xuất càng bền vững.

Trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp nuôi biển cần thiết lập mối hợp tác với các Viện, Trường và Quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển; tham gia vào các tổ chức, hiệp hội ngành hàng trong nước và khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi biển để ngành nuôi biển có thể vươn xa một cách bền vững.

Đặc biệt, trong quy hoạch mặt nước nuôi biển, ngành chức năng cần quy hoạch cụ thể để nắm bắt được sản lượng, từ đó tổ chức sản xuất phù hợp. Các doanh nghiệp phối hợp với ngành chức năng tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, hoặc tham gia các hội chợ thủy sản để quảng bá sản phẩm, chủ động đầu ra. Đó là vấn đề mấu chốt, bởi khi đã tiến tới nuôi biển công nghiệp thì sản lượng sẽ tăng rất cao, đầu ra cho sản phẩm sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu.

Kim Sơ - Đình Thung (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang